Bộ trưởng GTVT cam kết về các trạm BOT và chất lượng công trình

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định sẽ nghiêm túc triển khai quyết định của Thủ tướng, theo đó ngay trong năm 2018, toàn bộ các trạm thu phí trên Quốc lộ 1 sẽ thu phí tự động không dừng; đồng thời “đã tới lúc ngành GTVT cần xem chất lượng các công trình giao thông là yêu cầu hàng đầu chứ không chạy theo số lượng”. 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định như vậy tại buổi kiểm tra do Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tiến hành chiều 30/11 tại Bộ GTVT.

bo truong gtvt cam ket ve cac tram bot va chat luong cong trinh

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể và Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng tại buổi kiểm tra. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Dẫn đầu đoàn kiểm tra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị Bộ GTVT tiếp tục cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, cắt giảm các điều kiện kinh doanh theo thủ tục rút gọn nhất, nhanh nhất.

Tổ trưởng Tổ công tác cũng truyền đạt ý kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt 5 vấn đề gồm: Đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư; giảm chi phí logistics; bảo đảm chất lượng các dự án giao thông; xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông; thu phí điện tử tại các trạm BOT.

Tại buổi kiểm tra, hàng loạt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cũng được nêu ra.

Đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam nhắc tới Nghị định 116 về điều kiện lắp ráp, sản xuất và nhập khẩu ô tô. Theo Nghị định, nhà nhập khẩu phải cung cấp bản sao giấy chứng nhận chất lượng, kiểu loại ô tô nhập khẩu, được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài. Tuy nhiên, giấy này không tồn tại ở nhiều quốc gia, một số quốc gia áp dụng chính sách các nhà sản xuất tự chứng nhận…

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đánh giá cao việc Bộ GTVT tiên phong trong thực hiện cơ chế một cửa quốc gia. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều vướng mắc cho doanh nghiệp như xe xitec hiện do Bộ GTVT và Bộ Khoa học và Công nghệ cùng quản lý, kiểm tra. Cần cẩu tự hành, cần trục, cẩu trục, xe nâng… đang bị GTVT và Bộ Công Thương cùng kiểm tra.

Đặc biệt, Chủ tịch VCCI chỉ ra rất nhiều bất cập trong các điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Chẳng hạn dịch vụ lai dắt tàu biển, theo ông Lộc, là không cần thiết phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Thêm vào đó là các quy định mang tính chất áp đặt quy mô của doanh nghiệp như yêu cầu kinh doanh vận tải phải có tối thiểu 50 xe taxi; các quy định bắt doanh nghiệp phải kinh doanh theo một phương thức cứng nhắc…

“Điều này không phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế chia sẻ đang bùng nổ. Còn nhiều giấy phép con như đòi phải có sự chấp thuận hay đồng ý của cơ quan có thẩm quyền, nhiều cơ quan nói đó không phải điều kiện kinh doanh, nhưng trên thực tế, nếu không có giấy đó thì doanh nghiệp không thể kinh doanh được”, ông Lộc nói.

Còn Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) Ngô Hải Phan cho biết có 6/8 thủ tục mà đơn vị này rà soát có yêu cầu phương tiện nhập khẩu phải lưu tại cửa khẩu, gây tốn kém cho doanh nghiệp. Cũng 6/8 thủ tục yêu cầu các giấy tờ không cần thiết, không liên quan tới chất lượng sản phẩm hay môi trường. Việc quy định xe ô tô đã qua sử dụng chỉ được nhập khẩu qua một số cửa khẩu cũng là không phù hợp…

Bộ trưởng “tiếp thu toàn bộ các ý kiến”

Sau khi Cục trưởng Cục Đăng kiểm Trần Kỳ Hình phát biểu giải trình về nhiều vấn đề, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định Bộ sẽ tiếp thu toàn bộ các ý kiến được Tổ công tác và các đại biểu nêu ra tại cuộc làm việc.

“Tôi hứa đã tiếp thu rồi, đề nghị các đơn vị nghiêm túc nghiên cứu, điều chỉnh trong công việc sắp tới”, Bộ trưởng nêu rõ và cho rằng có 3 nhóm kiến nghị lớn tại buổi làm việc: Một là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hàng hóa xuất nhập khẩu; hai là các kiến nghị liên quan tới các điều kiện kinh doanh; ba là các giải pháp phát triển hạ tầng giao thông vận tải.

Theo Bộ trưởng, Chính phủ kiến tạo thì các bộ ngành cũng phải kiến tạo và Bộ sẽ tổng rà soát lại các nghị định, thông tư, bãi bỏ các quy định không cần thiết, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng “tin học hóa càng nhiều càng tốt”.

Bộ trưởng cũng thừa nhận, trước sự tiến bộ của công nghệ và các phương thức sản xuất mới, nhiều điều kiện kinh doanh của Bộ không còn phù hợp nữa, cản trở sự phát triển, cần sớm được sửa đổi.

bo truong gtvt cam ket ve cac tram bot va chat luong cong trinh

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi kiểm tra. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ nghiêm túc, quyết liệt triển khai 5 nội dung mà Thủ tướng yêu cầu. Hiện nay Bộ đang tập trung cao độ triển khai các dự án hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, PPP… Bộ cũng đang chuẩn bị tổ chức một hội nghị toàn quốc về lĩnh vực logistics dự kiến trong quý I/2018 và được kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến mới trong kết nối các loại hình vận tải, giảm chi phí cho nền kinh tế.

Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh rằng đã tới lúc ngành GTVT cần xem chất lượng các công trình giao thông là yêu cầu hàng đầu chứ không chạy theo số lượng nữa. “Nhiều công trình được làm rất tốt như đường cao tốc TPHCM – Trung Lương, nhưng một số công trình chất lượng kém do bỏ qua một số khâu, giá thành giảm mà chất lượng không bảo đảm”, ông nói.

Bộ trưởng cũng khẳng định tuy mới nhận nhiệm vụ nhưng đã tổ chức các buổi làm việc với các đơn vị chức năng về những vấn đề mà Thủ tướng lưu ý như xã hội hóa đầu tư ngành giao thông, triển khai thu phí không dừng…

“Hôm qua tôi vừa họp và xin khẳng định Bộ sẽ nghiêm túc triển khai quyết định 07 của Thủ tướng, theo đó tới 2018, toàn bộ các trạm thu phí trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sẽ thu phí tự động không dừng, tới năm 2019 thì toàn bộ các trạm trên cả nước sẽ thu phí tự động 100% để bảo đảm công khai, minh bạch”, Bộ trưởng cam kết.

Cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách

Phát biểu kết luận buổi kiểm tra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đánh giá cao trách nhiệm của Bộ GTVT trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, đạt nhiều kết quả. Việc giải trình cũng rất rõ ràng, cụ thể.

Trên cơ sở nội dung làm việc, Tổ công tác yêu cầu Bộ ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng giao một cách toàn diện, bảo đảm chất lượng, tạo chuyển biến trên các lĩnh vực.

Riêng với công tác kiểm tra chuyên ngành, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá cao sự chủ động của Bộ GTVT trong cải cách thủ tục, nhưng lưu ý rằng hiện Bộ vẫn kiểm tra 100% các mặt hàng thuộc diện quản lý, tức là chưa áp dụng quản lý rủi ro. Nhiều mặt hàng vẫn chưa áp dụng việc công nhận, thừa nhận kết quả kiểm tra của nước ngoài.

“Bộ có 11 thủ tục kiểm tra chuyên ngành, có những thủ tục dài tới 5 ngày, thêm 2 ngày nghỉ nữa là thành 7 ngày. Chưa kể trong thực tế, cán bộ kiểm tra lấy lý do này khác để yêu cầu bổ sung thêm hồ sơ, ví dụ “con dấu mờ quá, chữ ký mờ quá”, thế là thủ tục lại làm lại từ đầu. Cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hơn nữa”, Tổ trưởng Tổ công tác yêu cầu.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhấn mạnh, việc rà soát, cắt giảm thủ tục kiểm tra không có nghĩa là mở toang cửa cho hàng hóa nước ngoài tràn vào, nhưng phải thay đổi cách thức kiểm tra, quản lý để giảm chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời vẫn bảo đảm yêu cầu quản lý.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.