Chiều 30/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng dẫn đầu đoàn kiểm tra làm việc tại Bộ Giao thông Vận tải về công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, mỗi năm các doanh nghiệp phải mất 30 triệu ngày công và 15.000 tỷ đồng cho việc kiểm tra chuyên ngành với 100.000 mặt hàng xuất nhập khẩu. Trong khi đó, tỷ lệ phát hiện sai phạm chỉ 0,06%, theo ông "là không thể chấp nhận được".
"Nhiều cơ quan không ban hành được tiêu chuẩn, quy chuẩn mà kiểm tra bằng cảm quan, thủ công, tức là làm thủ tục để thu tiền thôi”, Bộ trưởng nêu thực trạng của công tác kiểm tra chuyên ngành.
Ông Dũng ghi nhận Bộ Giao thông đã triển khai sớm các giải pháp cải cách như đã đưa 125 mặt hàng trong tổng số 160 mặt hàng thuộc phạm vi quản lý chuyển sang hậu kiểm; 107 mặt hàng áp dụng công nhận lẫn nhau của nước ngoài. Việc áp dụng công nghệ thông tin giúp giảm trung bình 70% thời gian và tài chính cho doanh nghiệp. Cùng với đó, Bộ đã rà soát cắt giảm 46% các điều kiện đầu tư kinh doanh không phù hợp.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng làm việc tại Bộ Giao thông Vận tải. Ảnh: Chính phủ. |
Ông Mai Tiến Dũng cũng chuyển ý kiến của Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông tập trung các vấn đề như cần quyết liệt kêu gọi đầu tư hạ tầng theo hình thức đối tác công tư BOT trong bối cảnh nguồn vốn nhà nước hạn hẹp. Hiện nay chi phí logistics tại Việt Nam rất lớn nên cần có biện pháp giảm chi phí. Chính phủ sẽ tổ chức một hội nghị về cắt giảm thủ tục, chi phí trong lĩnh vực này.
Ông Dũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thành các dự án gắn với bảo đảm chất lượng công trình.
“Chỗ này chỗ khác vẫn có tình trạng đường vừa làm đã hỏng nên Bộ Giao thông cần hết sức quan tâm”, ông nêu.
Tại cuộc họp, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Kinh tế Việt Nam, nêu thực trạng, cảng hàng không Vân Đồn do tư nhân xây dựng không mất nhiều thời gian, chỉ còn 6 tháng nữa kết thúc, trong khi các cơ quan nhà nước bàn mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, xây sân bay Long Thành mất thời gian gấp nhiều lần.
Một hãng hàng không cho biết họ chỉ mất mấy tháng hoàn thành công việc nếu được giao mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
"Nút thắt ở đây là thủ tục, chúng ta cần tiếp cận lực lượng tư nhân, cần huy động lực lượng này. Bộ Giao thông cần hợp tác với họ như thế nào. Cứ doanh nghiệp nhà nước được ưu tiên làm thì hiệu quả thấp", ông nói.
Ông Thiên cũng cho rằng, về việc nhiều doanh nghiệp trì hoãn áp dụng thu phí không dừng, đây rõ ràng không phải do công nghệ mà do các chủ thể không muốn áp dụng dù đó là lợi ích của quốc gia. Bộ Giao thông cần có thái độ kiên quyết trong vấn đề này.