Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vạch 5 giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Đại học

Tại Hội nghị Giải pháp nâng cao chất lượng Giáo dục Đại học vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đưa ra 5 nhóm giải pháp để nâng cao chất lượng GDĐH trong thời gian tới.
bo truong phung xuan nha vach 5 giai phap nang cao chat luong giao duc dai hoc
Hội nghị Giải pháp nâng cao chất lượng Giáo dục Đại học. Ảnh: Bộ GD&ĐT.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị có sự góp mặt của 271 đại biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng Chất lượng GD ĐH thời gian qua đã có những bước chuyển tích cực, một số trường, ngành có đột phá (chương trình tiên tiến, chất lượng cao).

Tuy nhiên một số trường, một số ngành chất lượng đào tạo vẫn chưa đồng đều, chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa theo kịp yêu cầu của thị trường và nền kinh tế; bất cập yếu kém của chất lượng GD ĐH bộc lộ ngày càng rõ.

Bộ trưởng cho rằng có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Đó là đội ngũ cán bộ giảng viên chưa đáp ứng năng lực, cơ sở vật chất không đảm bảo, kinh phí đầu tư để đào tạo cho một sinh viên quá thấp (khoảng 500 USD/sinh viên/năm).

Hệ thống chính sách giáo dục còn bất cập, năng lực quản trị ĐH còn kém. Các trường dựa vào kinh nghiệm, nguồn lực vốn có của mình để xây dựng các chương trình đào tạo dẫn đến việc nhiều ngành đào tạo có thế mạnh trước đây thì hiện nay tuyển sinh khó khăn, còn những ngành mới thị trường đang có nhu cầu lại không đào tạo, khiến cho sinh viên tốt nghiệp ĐH ra trường thất nghiệp ngày một nhiều.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã vạch ra 5 nhóm giải pháp để chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hệ thống GD ĐH.

Giải pháp đầu tiên là tiến hành rà soát, kiểm định lại toàn bộ hệ thống các trường ĐH. Đây là giải pháp căn cơ cấp bách và lâu dài. Dự kiến, từ nay đến T6/2017 sẽ kiểm định các trường theo bộ tiêu chí kiểm định đã ban hành, đến tháng 1/2018 sẽ tiến hành kiểm định theo tiêu chí AUN.

Bộ cũng sẽ quy hoạch lại mạng lưới các trường ĐH, khuyến khích đẩy mạnh tự chủ, theo lộ trình các trường không trực thuộc Bộ.

Nhóm giải pháp thứ 2 là tăng cường chất lượng gồm đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất. Rà soát, quy hoạch lại ngành nghề đội ngũ giáo viên, ưu tiên đầu tư cho những ngành mới triển vọng.

Bộ sẽ xây dựng Đề án tăng cường năng lực giảng viên, ưu tiên nguồn kinh phí từ đề án 911 để đào tạo tiến sĩ cho giảng viên các trường ĐH, không phân biệt công tư; xây dựng chuẩn về trình độ, bằng cấp cho giáo viên và đội ngũ lãnh đạo các trường.

Vấn đề thứ 3 trong nhóm giải pháp này là tài chính. Bộ trưởng yêu cầu các trường phải cân đối chất lượng với giá, đi sâu vào chất lượng, không chạy theo số lượng, xây dựng giá học phí phải có lộ trình, không đẩy giá không đúng với chất lượng và điều kiện đảm bảo chất lượng. Đa dạng hóa nguồn thu, không chỉ tập trung vào một nguồn thu từ học phí như hiện nay (chiếm tới 95-97%)

Đẩy mạnh quản trị ĐH theo hướng tự chủ là nhóm giải pháp thứ 3. Bộ trưởng yêu cầu các trường tự rà soát lại các ngành đào tạo trên cơ sở bám sát thị trường lao động, quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế của Chính phủ tầm nhìn 5-10 năm theo hướng chuyển từ từ thâm dụng lao động rẻ sang thâm dụng khoa học công nghệ.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, nhóm giải pháp thứ tư liên quan đến chính sách cơ chế là giải pháp là căn bản, nền tảng cho 3 nhóm giải pháp trên. Bộ trưởng cho biết ngành GD sẽ rà soát lại toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới GD nói chung, GD ĐH nói riêng, mà trọng tâm 3 nhóm vấn đề đã nêu ở trên.

Nhóm giải pháp cuối cùng là truyền thông để định hướng xã hội, tuyên truyền, giải thích phân tích chính sách, giới thiệu quảng bá các thành tựu và bảo vệ những điểm mạnh của trường trước những luận điểm thông tin sai trái. Mỗi trường ĐH phải xây dựng một bộ phận truyền thông chuyên nghiệp.

chọn
Cận cảnh cây cầu dẫn vào nút giao An Phú sắp đến hẹn hoàn thành
Cầu Giồng Ông Tố mới nằm trên tuyến đường Đồng Văn Cống, TP Thủ Đức. Đây là một trong những hạng mục quan trọng của nút giao An Phú, vốn được xem là nút giao đẹp nhất TP HCM khi hoàn thành.