Bộ trưởng Tô Lâm: Thông tin cán bộ công an liên quan đến băng nhóm tội phạm nếu có chỉ là cá biệt

Về thông tin đại biểu phản ánh, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: "Đối với cán bộ mà có thông tin liên quan đến điều hành băng nhóm tội phạm, chúng tôi khẳng định nếu có chỉ là cá biệt".

Bộ trưởng Tô Lâm: Thông tin cán bộ công an liên quan đến băng nhóm tội phạm nếu có chỉ là cá biệt - Ảnh 1.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm trả lời chất vấn. (Ảnh: Quốc hội).

Xử lí nhiều cán bộ công an vi phạm, kể cả cán bộ cấp cao

Ngày 4/6, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) đã nêu vấn đề về cán bộ, công chức của ngành.

"Vừa qua có một số cán bộ, công chức công an đang có biểu hiện liên minh giữa người có tiền, có quyền với một số đối tượng cộm cán ngoài xã hội, hoạt động với phương châm khép kín, giấu mình để can thiệp việc công nhằm trục lợi, dằn mặt những ai tố cáo, kiến nghị vấn đề liên quan đến lợi ích nhóm.

Đây là loại hình hoạt động mang tính chất xã hội đen. Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình trong đấu tranh, ngăn chặn và xử lí", đại biểu Diến nói.

Đại biểu Diến cũng bày tỏ quan tâm đến việc hoạt động xã hội đen có mang tính cấu kết giữa một số cán bộ hoặc một số cán bộ trong ngành công an cấu kết với đối tượng cộm cán ngoài xã hội để hoạt động mang tính xã hội đen.

"Vậy, ai là người chỉ đạo, ai là người cung cấp tiền cho đối tượng cộm cán ngoài xã hội hoạt động mang tính xã hội đen?", đại biểu Diến đặt câu hỏi.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, quan điểm chung của ngành công an rất kiên quyết xử lí các sai phạm, tiêu cực nội bộ.

"Quan điểm là xử lí không có vùng cấm, không bao che bất kì trường hợp nào. Trên thực tế, chúng tôi đã xử lí nhiều trường hợp, kể cả cán bộ cao cấp có liên quan.

Đối với cán bộ mà có thông tin liên quan đến điều hành băng nhóm tội phạm, chúng tôi khẳng định nếu có chỉ là cá biệt.

Bộ Công an đã có rất nhiều qui định về kiểm tra, báo cáo, luân chuyển địa bàn, lắng nghe ý kiến người dân để phòng ngừa.

Chúng tôi sẽ chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ làm việc trực tiếp với đại biểu nắm thêm thông tin đại biểu phản ánh. Nếu có đủ căn cứ như phản ánh của đại biểu sẽ xử lí nghiêm", Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Khởi tố không kịp thời, tội phạm bỏ trốn?

Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho biết vừa qua nhiều vụ vi phạm pháp luật mà đối tượng vi phạm là người có chức, có quyền, có tiền, có xu hướng ngày càng tăng.

"Khi vụ việc xảy ra, việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can cử tri cho rằng không kịp thời và quá chậm, thậm chí có trường hợp để kéo dài thời gian xử lí để người vi phạm bỏ trốn, cơ quan điều tra phải phát lệnh truy nã gây bất bình trong xã hội.

Cử tri lo ngại tính nghiêm minh của pháp luật. Suy nghĩ của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?", đại biểu Tạo đặt câu hỏi.

Cùng chung vấn đề, đại biểu, Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) cũng nêu vấn đề hiện nay có hiện tượng khi khởi tố một số vụ án liên quan đến đối tượng có tiền, có vị trí thì khi có quyết định khởi tố, đối tượng đã kịp bỏ trốn.

"Bộ trưởng cho biết nguyên nhân tại sao và liệu có việc lộ, lọt thông tin hoặc bảo kê cho tội phạm ở đây hay không?", đại biểu Mai đặt câu hỏi.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, việc quản lí những đối tượng vi phạm, quản lí những đối tượng trốn ra nước ngoài là vấn đề qui định về luật pháp.

"Chúng ta qui định những trường hợp rất chặt chẽ về quản lý tội phạm. Ví dụ, bắt đối tượng trong trường hợp bắt quả tang, bắt khẩn cấp, bắt theo các quy định thông thường, theo lệnh cơ quan công an điều tra và sự phê chuẩn của Viện kiểm sát.

Nhưng giờ chúng ta đã tăng cường để đề phòng những trường hợp có thể bắt nhầm, bắt oan thì những vấn đề về xử lí tội phạm về quản lí đã được nâng cấp, không cho phép lực lượng công an sử dụng những biện pháp về mặt tố tụng, quản lí các đối tượng.

Cụ thể là giờ không còn hình thức bắt đối tượng trong trường hợp khẩn cấp, đã được đưa ra khỏi phạm vi pháp luật. Nếu chưa chứng minh được đối tượng có hành vi phạm tội, chưa có khởi tố theo trình tự thì gần như không được áp dụng các biện pháp bắt", Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

Cũng theo ông Tô Lâm, bừa qua, có những sơ hở làm cho các đối tượng này bỏ trốn.

"Nếu một người bình thường chưa được xác định là có tội thì không được áp dụng các biện pháp về quản lí.

Đây cũng là khó khăn, chúng tôi đang có đề nghị sửa đổi những quy định của luật pháp trong việc duy trì nguyên tắc không được để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

Việc này chúng tôi sẽ tiếp tục có kiến nghị, giải pháp để đề phòng các đối tượng", Bộ trưởng nói.

Cũng theo vị này, các đối tượng trước khi gây án đều tính đến việc chạy tội, trốn tội. Các đối tượng cũng có những hình thức đối phó rất tinh vi đối với hoạt động này.

"Chúng tôi tiếp tục tổng hợp vấn đề này để có biện pháp về mặt pháp luật cũng như về mặt nghiệp vụ quản lý của ngành công an để có những biện pháp giải quyết", Bộ trưởng Công an cho biết thêm.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.