Mới đây Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi 31 tỉnh, thành và bộ đề nghị báo cáo việc triển khai, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2009 - 2015.
Khu nhà ở cho sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp từng được phản ánh là bị bỏ không. (Ảnh: Hà Nội Mới).
Cụ thể, theo văn bản của Bộ Xây dựng, có ba nội dung cần được các tỉnh, thành và bộ báo cáo cáo. Đó là đối với các dự án nhà ở cho sinh viên trên địa bàn đã hoàn thành, đưa vào sử dụng nhưng tỉ lệ lấp đầy sinh viên vào ở chưa cao (dưới 80%); những dự án nhà ở cho sinh viên chưa hoàn thành việc đầu tư xây dựng các hạng mục đã khởi công; những trường hợp qua rà soát, đánh giá thấy không còn nhu cầu sử dụng kí túc xá cho sinh viên, học sinh.
Đối với các dự án nhà ở cho sinh viên trên địa bàn đã hoàn thành, đưa vào sử dụng nhưng tỉ lệ lấp đầy sinh viên vào ở chưa cao (dưới 80%), Bộ Xây dựng đề nghị báo cáo thực trạng số lượng sinh viên so với qui mô, thiết kế, nêu nguyên nhân và vướng mắc, kiến nghị phương án xử lí.
Đối với những dự án nhà ở cho sinh viên chưa hoàn thành việc đầu tư xây dựng các hạng mục đã khởi công, Bộ Xây dựng đề nghị báo cáo nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng, trường hợp không thể huy động được nguồn vốn để hoàn thành thì UBND tỉnh, thành đề xuất phương án cụ thể.
Còn những trường hợp qua rà soát, đánh giá thấy không còn nhu cầu sử dụng kí túc xá cho sinh viên, học sinh, Bộ Xây dựng đề nghị các tỉnh, thành và bộ đề xuất biện pháp xử lý tránh thất thoát nguồn vốn Ngân sách Nhà nước.
Theo danh sách các tỉnh, thành và bộ do Bộ Xây dựng đưa ra có TP Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ,
Trước đó, theo Nghị quyết 18/NQ-CP của Chính phủ năm 2009, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở sinh viên chủ yếu do Nhà nước đầu tư xây dựng bằng nguồn ngân sách nhà nước (Trung ương và địa phương), đồng thời Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở cho sinh viên thuê theo phương thức xã hội hóa.
Các dự án xây dựng nhà ở cho sinh viên chủ yếu được thực hiện theo hướng tập trung, đáp ứng yêu cầu mỗi dự án có thể giải quyết chỗ ở cho sinh viên của một số trường hoặc cụm trường, phù hợp với quy hoạch xây dựng trên địa bàn.
Chính phủ cũng qui định UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan tổ chức quản lí các dự án nhà ở sinh viên trên phạm vi địa bàn. Đối với các dự án nhà ở sinh viên được đầu tư trong khuôn viên cơ sở đào tạo thì cơ sở đào tạo đó được giao làm chủ đầu tư.
Theo Nghị quyết này, quĩ đất để đầu tư xây dựng nhà ở sinh viên được bố trí bằng quĩ đất đã được thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng theo qui hoạch; được sử dụng quĩ đất 20% dành để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới trên địa bàn và quĩ đất hiện có trong khuôn viên các cơ sở đào tạo được quy hoạch xây dựng nhà ở sinh viên.
Chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng được trích từ nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất để lại cho địa phương.
Còn vốn ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở sinh viên được huy động từ nguồn trái phiếu Chính phủ; từ ngân sách hàng năm của địa phương và các Bộ, ngành để đầu tư cho giáo dục. Đối với các dự án nhà ở sinh viên đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước được vay từ nguồn tín dụng ưu đãi của Nhà nước và quĩ phát triển nhà ở của địa phương (nếu có).
Tại Hà Nội, khu nhà ở dành cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp là một trong những dự án như thế được đưa vào sử dụng từ tháng 1/2015.
Khu nhà ở cho học sinh, sinh viên này được xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, trên khu đất có diện tích hơn 40.000 m2 trong Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai). Khu nhà ở có 6 tòa nhà, với sức chứa lên tới 22.000 sinh viên.
Tuy nhiên, năm 2016, báo Hà Nội Mới đã từng có bài phản ánh về tình trạng dự án khu nhà ở này có số lượng sinh viên đến đăng ký ở thưa vắng, khu nhà đìu hiu.