Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về di chuyển của người dân

Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ đang giao Cục Y tế Dự phòng soạn thảo hướng dẫn chung toàn quốc về việc di chuyển của người dân cũng như các biện pháp phòng chống dịch trong thời gian này. 10 tỉnh, thành đang có dịch COVID-19 không có nghĩa tất cả người dân tại các tỉnh, thành này đều không được phép di chuyển.
Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về di chuyển của người dân - Ảnh 1.

Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn chung toàn quốc về việc di chuyển của người dân. (Ảnh: VGP)

Sau 9 ngày dịch COVID-19 bùng phát đợt mới, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ghi nhận 375 bệnh nhân lây nhiễm cộng đồng tại 10 tỉnh, thành phố trên. Đến sáng nay (5/2), tỉnh thứ 11 trên cả nước là Điện Biên đã ghi nhận thêm 6 ca mắc, đều liên quan đến ổ dịch tại Hải Dương.  Chủng virus ở Hải Dương được xác định là chủng biến thể ở Anh. Chủng này có khả năng bám dính ở tế bào người rất mạnh, tốc độ lây nhiễm tăng 70% so với chủng cũ, đồng thời chu kỳ lây nhiễm rút ngắn chỉ còn 2-3 ngày so với 5 ngày như chủng cũ.

Trước tình trạng này, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương có dịch lần này phải nâng cao hơn một mức các biện pháp phòng, chống dịch so với các đợt dịch trước. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm cận Tết Nguyên đán, nhiều người dân chuẩn bị di chuyển giữa các tỉnh, thành để đón năm mới cùng gia đình. Vì vậy, nhiều người thắc mắc liệu họ có được về quê và di chuyển tới các địa phương khác.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, việc này đã được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho các địa phương. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành sẽ quyết định phạm vi khoanh vùng, phong tỏa, cũng như các trường hợp thuộc diện phải cách ly, theo dõi y tế.

"Vì vậy, việc có cách ly hay không cách ly người từ 10 tỉnh, thành đang ghi nhận dịch COVID-19 hiện nay do lãnh đạo các địa phương quyết định. Tuy nhiên, lãnh đạo các địa phương và người dân cũng cần hiểu rõ thế nào là vùng dịch để có biện pháp phù hợp", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết.

Thứ trưởng giải thích, vùng có dịch là nơi có ca bệnh và được chính quyền địa phương xác định và đang bị phong tỏa nghiêm ngặt, "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Những người đang ở vùng dịch, nơi bị phong tỏa, người đi qua những khu vực đang bị phong tỏa tuyệt đối không được di chuyển.

Ngoài các đối tượng nêu trên, các đối tượng khác có thể di chuyển đến địa phương khác nhưng bắt buộc họ phải khai báo y tế với chính quyền ở nơi đến và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch.

Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ đang giao Cục Y tế Dự phòng soạn thảo hướng dẫn chung toàn quốc về vấn đề này. Trong đó, Bộ sẽ hướng dẫn cụ thể cho người dân về việc di chuyển cũng như các biện pháp phòng hộ phòng chống dịch. Thứ trưởng cũng lưu ý 10 tỉnh, thành đang có dịch COVID-19 không có nghĩa tất cả người dân tại các tỉnh, thành này đều thuộc diện cách ly, không được phép di chuyển.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, những người được phép di chuyển phải tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch. Điều đó sẽ giúp người dân bảo vệ sức khỏe cho chính mình và góp phần giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.

"Biện pháp đầu tiên và quan trọng nhất là phải đeo khẩu trang khi đi lại trên các phương tiện công cộng, ở nơi đông người. Sau đó là rửa tay, sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn. Khi về tới địa phương, cần khai báo y tế để được theo dõi", Thứ trưởng lưu ý.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.