Bóng hồng 9X và hành trình trở thành phi công ở tuổi 20

Hoàng Hạnh Nhi gia nhập Vietjet Air khi vừa tròn 20 tuổi, là một trong những nữ phi công 9X đầu tiên của hàng không Việt Nam.

Sinh năm 1995, từng là học sinh song ngữ của trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam và đạt giải III quốc gia môn tiếng Pháp, có vẻ ngoài nhỏ nhắn, xinh xắn với nước da trắng hồng, nụ cười thường trực trên môi. Khi đọc những dòng này, có thể nhiều người sẽ nghĩ đến hình ảnh một cô nghiên cứu sinh hay nhân viên của một công ty quốc tế.

Nhưng đây là chân dung Hoàng Hạnh Nhi, cơ phó của hãng hàng không Vietjet Air. Đặc biệt hơn, Hạnh Nhi đã bắt đầu cầm lái những "con chim sắt" của Vietjet từ năm 2005, khi vừa bước qua tuổi 20. Cô cũng là một trong những nữ phi công 9X đầu tiên của Việt Nam.

Giấc mơ bay của con gái người thủy thủ

Hạnh Nhi chia sẻ ước mơ trở thành phi công cũng như niềm yêu thích bầu trời lớn dần từ những ngày còn học phổ thông. Cha của Hạnh Nhi cũng là một người say mê khám phá trong vai trò thủy thủ, chinh phục những đại dương bao la.

Kết thúc năm học lớp 12, thay vì bước chân vào giảng đường đại học như bạn bè cùng trang lứa, Hạnh Nhi dự thi và trúng tuyển khóa huấn luyện cơ bản phi công.

6 tháng đầu tiên, Hạnh Nhi dành thời gian học lí thuyết, phối hợp các kĩ năng về Toán, Vật lí và tiếng Anh, các kiến thức cơ bản nhất của phi công.

Sau đó, cô tham gia khóa huấn luyện tại trường Sĩ quan Không quân ở Nha Trang. Tại đây, Hạnh Nhi phải rèn luyện mình trong kỉ luật thép của quân đội, rèn luyện sức bền, khả năng phản xạ nhanh trong các tình huống khẩn cấp.

Nhi phải tập luyện nhiều bộ môn từ chạy bộ, đu quay, vòng quay li tâm, thang quay, tạ, xà đơn và xà kép nhằm tăng sức bền, đảm bảo hệ thống tim mạch, tiền đình hoạt động ổn định trong không gian ba chiều, nơi rất dễ mất phương hướng. Với cô gái tuổi 19, đó là kì huấn luyện khắc nghiệt nhất trong đời.

Bước qua giai đoạn thứ 3, Hạnh Nhi đến Mỹ trong 11 tháng để học bay thực hành với máy bay cánh quạt loại nhỏ. Chuyến bay đầu tiên của cô do thầy giáo bay kèm, diễn ra trên chiếc Cessna - 152.

Bóng hồng 9X và hành trình trở thành phi công ở tuổi 20 - Ảnh 1.

Hạnh Nhi cùng đồng nghiệp tại Vietjet Air. (Ảnh: VJA).

“Đó là chuyến bay đầu tiên và duy nhất trong cuộc đời mỗi phi công. Cực kì đã, phấn khích và cũng rất hồi hộp. Cảm giác đó sẽ theo tôi đến suốt cuộc đời,” nữ cơ phó 9X chia sẻ.

10 giờ bay cùng thầy giáo kết thúc là lúc Hạnh Nhi phải bay một mình trong 40 giờ tiếp theo. Hoàn thành chương trình, cô nhận được chứng chỉ lái tàu bay thương mại (CPL).

Kết thúc gần một năm ở xứ cờ hoa, Hạnh Nhi tiếp tục hành trình chinh phục giấc mơ bay ở các quốc gia khác. Cô tham gia chương trình huấn luyện bay chuyển loại để làm quen với các tàu bay dân dụng chở hàng trăm khách.

Sẵn sàng cho ngày trở thành cơ trưởng

Hoàn thành chương trình huấn luyện cơ bản và chuyển loại, Hạnh Nhi quyết định chọn Vietjet để khởi đầu hành trình chinh phục bầu trời của mình.

“Vietjet rất trẻ trung, sáng tạo. Hãng mang lại nhiều tiềm năng và cơ hội để người trẻ phát triển không giới hạn. Hơn nữa, giấc mơ của Vietjet là mang đến cơ hội đi máy bay cho hàng triệu người Việt từ nông thôn đến thành thị. Đó cũng là giấc mơ cả đời của một người làm phi công”, Hạnh Nhi chia sẻ về lí do quyết định gắn bó với Vietjet.

Gia nhập Vietjet Air, cô tiếp tục được đào tạo theo chương trình chuẩn của châu Âu tại Học viện Hàng không Vietjet.

Hạnh Nhi được học thêm lí thuyết tập bay trong buồng lái giả định của Airbus, nơi các giáo viên của Vietjet lập trình sẵn các điều kiện thời tiết, địa hình sân bay và cả những tình huống khẩn cấp.

Để trở thành cơ phó, cô phải trải qua hơn 100 giờ bay thực tập và vượt qua những đánh giá khắt khe của các giáo viên, phi công nhiều kinh nghiệm của hãng.

Bóng hồng 9X và hành trình trở thành phi công ở tuổi 20 - Ảnh 2.

Nữ cơ phó Hoàng Hạnh Nhi trên một chuyến bay của Vietjet. (Ảnh: VJA).

Nhưng quá trình học tập chưa dừng lại ở đó với nghề phi công. Sau khi chính thức cầm lái tàu bay của Vietjet, Hạnh Nhi tiếp tục phải trải qua 8 phần thi và huấn luyện định kì trên buồng lái giả định hai lần. Nếu trượt 1 lần, bằng sẽ bị hủy, đồng nghĩa với việc không còn được khoác lên bộ đồng phục của phi công. Bằng lái của phi công cũng chỉ có giá trị trong 5 năm.

Có những ngày làm việc của Hạnh Nhi bắt đầu lúc 3h sáng. Cũng có khi về đến nhà, đồng hồ đã điểm 12h đêm. Việc không có nhà trong những dịp quan trọng hay đang ở trên bầu trời đêm 30 Tết là chuyện hiển nhiên với nghề bay.

“Lúc đó cũng buồn lắm chứ, cả nhà đang chờ mình về. Nhưng sứ mệnh của mình là đưa hàng trăm hành khách về nhà an toàn, sum họp trước đã, rồi mới đến lượt mình. Càng ít thời gian dành cho gia đình, người phi công càng trân trọng hơn những lúc quây quần bên nhau”, cô tâm sự.

Hạnh Nhi đang chuẩn bị chinh phục nấc thang mới trong sự nghiệp của mình. Cô gái sinh năm 1995 sẽ tham dự các kì thi sát hạch để trở thành cơ trưởng sau khi tích lũy đủ 3.000 giờ bay.

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.