BOT Hòa Lạc - Hòa Bình 'gặp khó' vì Bộ GTVT?

Mặc dù tỉnh Hòa Bình ủng hộ chủ trương triển khai thu phí BOT Hòa Lạc - Hòa Bình tuy nhiên Bộ GTVT vẫn yêu cầu cần có quan điểm rõ ràng.
BOT Hòa Lạc - Hòa Bình gặp khó vì Bộ GTVT? - Ảnh 1.

BOT Hòa Lạc - Hòa Bình vẫn chưa được thu phí. (Ảnh: Zing.vn).

Hòa Bình ủng hộ thu phí, Bộ GTVT vẫn yêu cầu cho ý kiến cụ thể?

Theo đại diện Vụ Đối tác công tư (PPP, Bộ GTVT), BOT Hòa Lạc - Hòa Bình chưa được thu phí là do chưa hoàn thành cam kết theo yêu cầu của dự án.

Cụ thể, là việc chủ đầu tư chưa chuyển kinh phí bổ sung đền bù GPMB cho 4 hộ dân với số tiền hơn 7 tỉ đồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Quang Bát, Giám đốc Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc – Hòa Bình cho biết ngày 4/4, đơn vị đa có cam kết về việc chuyển kinh phí bổ sung nêu trên.

Theo vị này, mặc dù có cam kết về việc chi trả tiền hỗ trợ nhưng Bộ GTVT vẫn đang chờ ý kiến của UBND tỉnh Hòa Bình để quyết định việc cho thu phí.

Đến ngày 11/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh đã có văn bản trả lời về vấn đề nêu trên.

Cụ thể, UBND tỉnh Hòa Bình ủng hộ chủ trương triển khai thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ đối với tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình.

"Đối với việc chi trả kinh phí hỗ trợ, bồi thường GPMB bổ sung cho 4 hộ dân, đề nghị nhà đầu tư sớm bố trí chi trả như đã cam kết nhằm trách việc khiếu nại gây phức tạp, bức xúc kéo dài ảnh hưởng mất ANTT và ATGT", văn bản của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình nêu.

Tuy nhiên, ngày 18/4 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đã kí văn bản gửi UBND tỉnh Hòa Bình về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm BOT Km17+100 đường Hòa Lạc - Hòa Bình.

Văn bản nêu rõ việc để có cơ sở thống nhất trong phối hợp chỉ đạo triển khai thu phí, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình cho ý kiến cụ thể về việc thống nhất hay không thống nhất cho nhà đầu tư được triển khai thu phí tại trạm BOT Km17+100 khi đã có cam kết.

"Trường hợp UBND tỉnh có ý kiến thống nhất cho nhà đầu tư triển khai thu phí thì thời hạn cho phép chi trả kinh phí GPMB sau 30 ngày kể từ ngày được thu là phù hợp hay chưa.

Nếu UBND tỉnh có ý kiến khác thì đề nghị nêu rõ để Bộ GTVT chỉ đạo nhà đầu tư thực hiện", văn bản do Thứ trưởng Công kí nêu.

Bộ GTVT đang "bắt bẻ" câu chữ?

Ngày 23/4, chúng tôi đã có trao đổi với ông Bùi Quang Bát, Giám đốc Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc – Hòa Bình về các nội dung trên.

"Đây là vấn đề rất... đau đầu!", Giám đốc Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc – Hòa Bình nói.

Theo vị này, trước đó, Bộ trưởng GTVT có làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình. "Tại buổi làm việc, lãnh đạo Hòa Bình đề nghị sớm cho thu phí và cụ thể là thu từ 1/4", ông Bát nói.

Ông Bát cho biết, trong kết luận tại buổi làm việc trên, Bộ trưởng GTVT đã đề nghị nhà đầu tư có cam kết với Hòa Bình và đề nghị tỉnh này ủng hộ, đồng thuận việc sớm thu phí.

"Sau khi có kết luận của Bộ trưởng GTVT, chúng tôi đã có văn bản gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình và có cam kết sẽ chi trả tiền hỗ trợ cho người dân trong vòng 30 ngày từ khi Bộ GTVT đồng ý cho thu phí.

Sau đó, tỉnh Hòa Bình cũng đã có văn bản ủng hộ chủ trương triển khai thu phí. Tuy nhiên, văn bản của Bộ GTVT mang tính câu chữ quá nhiều.

Hòa Bình cũng đề nghị chúng tôi thực hiện đúng cam kết tức là đã đồng ý. Vấn đề ở đây là Bộ đang bắt bẻ câu chữ", ông Bát nói.

Theo vị này, việc thu phí do Bộ GTVT quyết định khi nhà đầu tư thực hiện đầy đủ theo Hợp đồng BOT và hiện Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc – Hòa Bình đã hoàn thành.

"Chúng tôi sẽ có văn bản gửi Bộ GTVT tiếp tục cam kết vấn đề chi trả hỗ trợ người dân", ông Bát nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ GTVT nói gì?

Cùng ngày, chúng tôi cũng đã có trao đổi với Thứ trưởng Nguyễn Văn Công liên quan đến văn bản của Bộ GTVT gửi UBND Hòa Bình đã nêu trên.

Thứ trưởng Công cho biết, trong văn bản ngày 11/4, UBND tỉnh Hòa Bình chỉ nói ủng hộ chủ trương triển khai thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ đối với tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình.

"Trong khi đó, hiển nhiên khi nhà đầu tư làm BOT thì phải được thu phí, không cần phải có chủ trương ủng hộ thu phí", Thứ trưởng Công nói.

Cũng theo ông Công, trước đó vị này đã chủ trì cuộc họp với Tỉnh ủy, UBND, HĐND, MTTQ và nhiều Sở ngành liên quan của Hòa Bình.

"Tại cuộc họp này, các bên liên quan của Hòa Bình đã kết luận bằng văn bản trong đó có nội dung nhà đầu tư BOT phải trả tiền GPMB thì mới được thu phí. Hiện tại, do nhà đầu tư BOT có khó khăn nên đã cam kết trả tiền bằng văn bản.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Hòa Bình chỉ nói ủng hộ chủ trương trong khi trước đó yêu cầu phải trả tiền mới cho thu phí.

Do đó, Hòa Bình cần có văn bản trả lời thẳng là đồng ý hay không đồng ý cho nhà đầu tư BOT thu phí và trả tiền trong vòng 30 ngày. Và nếu nhà đầu tư không trả tiền trong vòng 30 ngày thì đề nghị Bộ GTVT cho dừng thu phí", Thứ trưởng Công nói.

Đường Hòa Lạc – Hòa Bình có điểm đầu tuyến tại Km0+000 - tại ngã tư Hòa Lạc (Km17+850/QL21), điểm đầu xây dựng tại Km6+680; Điểm cuối tại Km32+367 (tương ứng Km 67+510 - Lý trình QL6, thuộc xã Trung Minh, huyện Kỳ Sơn, TP Hòa Bình).

Đường Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình có điểm đầu tại Km38+00; Điểm cuối tại Km70+932 (thuộc phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình).

Chiều dài là 53.4km (Gồm đường Hòa Lạc – Hòa Bình chiều dài tuyến khoảng 25,69Km; đường Quốc lộ 6 chiều dài khoảng 30,36Km).

Đường Hòa Lạc – Hòa Bình là đường đường cấp III đồng bằng 2 làn xe cơ giới với Bnền/ Bmặt=12/11m, gồm: 2 làn xe cơ giới Blcg = 2x3,50m; lề gia cố Blgc = 2x2,00m có kết cấu giống kết cấu mặt đường; Bề rộng lề đất Blđ = 2x0,50m.

Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình được thiết kế trên cơ sở cải tạo nâng cấp QL6 theo tiêu chuẩn đường cấp III, tuyến cơ bản bám theo đường cũ để tận dụng tối đa mặt đường & chi phí GPMB.

Thời gian thu phí hoàn vốn là 27 năm 6 tháng 9 ngày.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.