BOT Hòa Lạc - Hòa Bình nguy cơ 'tăng tuổi' vì chưa được thu phí

BOT Hòa Lạc - Hòa Bình có thể sẽ kéo dài thời gian hoàn vốn do đường đã hoàn thành, thông xe 6 tháng nhưng chưa được thu phí.
BOT Hòa Lạc - Hòa Bình nguy cơ tăng tuổi vì chưa được thu phí - Ảnh 1.

Trạm thu phí BOT Hòa Lạc - Hòa Bình. (Ảnh: Zing.vn).

Thời gian thu phí BOT Hòa Lạc - Hòa Bình có thể bị kéo dài?

Mới đây, Công ty TNHH BOT QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình "bất ngờ" muốn đóng cửa đường Hòa Lạc - Hòa Bình với lí do chưa được thu phí.

Đại diện Vụ Đối tác công tư (PPP, Bộ GTVT) cho biết dự án chưa được thu phí do phía nhà đầu tư chưa chuyển kinh phí đền bù GPMB cho 4 hộ dân hơn 7 tỉ đồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Quang Bát, Giám đốc Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc – Hòa Bình cho biết, kết luận của Bộ trưởng GTVT ngày 29/3 vừa cho có nêu việc nhà đầu tư cần cam kết vấn đề chi trả đền bù.

"UBND tỉnh Hòa Bình đã ủng hộ và ngày 4/4 vừa qua, chúng tôi đã có văn bản gửi đơn vị này cam kết trong vòng 30 ngày kể từ khi được thu phí sẽ trả tiền", ông Bát nói.

Đáng chú ý, theo ông Bát, một lí do khác khiến đơn vị này "chậm trễ" việc hỗ trợ tiền là do từ tháng 2 đến nay, ngân hàng đã tạm dừng giải ngân do đã hết hạn thời gian rút vốn vay.

Ngoài ra, theo Hợp đồng BOT đã kí thì việc thu phí bắt đầu từ 1/11/2018 nhưng do không được thu nên các phương tiện đổ dồn vào đường Hòa Lạc - Hòa bình chứ không đi đường cũ khiến tiền thu phí giảm và ngân hàng tạm dừng giải ngân, yêu cầu sớm thu phí.

"Trước đó, chúng tôi thu phí ở trạm QL6 khoảng 9 tỉ đồng/ tháng. Tuy nhiên, hiện tại doanh thu trạm này chỉ khoảng 3 tỉ đồng/tháng.

Việc sụt giảm doanh thu khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì công tác thu phí, quản lí, duy tu cũng như trả nợ", ông Bát nói.

Ngoài ra, theo vị này, trước đây, thời gian thu phí dự kiến của dự án là 27 năm 6 tháng 9 ngày. Tuy nhiên, sau hơn 6 tháng không được thu phí thì thời gian dự kiến sẽ là hơn 29 năm.

"Các dự án BOT thông thường có thời gian thu phí hơn chục năm. Tuy nhiên, dự án này có thời gian thu phí rất dài.

Trong khi đó, khi được thu phí, dự án còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Bên cạnh đó, chưa rõ dự án có được tăng giá theo đúng lộ trình (3 năm một lần, tăng 18%) hay không? Do đó, thời gian thu phí có thể sẽ phải tăng lên", Giám đốc Công ty TNHH BOT Hòa Lạc - Hòa Bình nói.

Theo vị này, mặc dù có cam kết về việc chi trả tiền hỗ trợ nhưng Bộ GTVT vẫn đang chờ ý kiến của UBND tỉnh Hòa Bình để quyết định việc cho thu phí.

Toàn cảnh BOT Hòa Lạc - Hòa Bình. (Nguồn: Zing.vn).

Nhiều BOT hoàn thành nhưng chưa được thu phí

Ngày 15/3, Công ty TNHH BOT QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình đã có văn bản gửi Bộ GTVT liên quan đến tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo hình thức BOT.

Cụ thể, trong văn bản nêu trên, Công ty TNHH BOT QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình đã thông báo về việc tạm dừng phục vụ phương tiện trên tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình từ ngày 15/4.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án có trách nhiệm thực hiện công tác bảo trì công trình dự án trong quá trình khai thác nêu tại điều 38, Điều 39 của Hợp đồng dự án số 06/HĐ.BOT - BGTVT ngày 10/2/2015 kí kết giữa Bộ GTVT với liên danh nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án.

"Nhà đầu tư không được tự ý dừng phục vụ phương tiện trên tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình trong quá trình bảo trì công trình dự án khi chưa được Bộ GTVT chấp thuận", Bộ GTVT cho hay.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian gần đây, nhiều dự án BOT sau khi hoàn thành đã không được thu phí khiến doanh nghiệp dự án gặp nhiều khó khăn (BOT Thái Nguyên - Chợ Mới; BOT cầu Thái Hà).

Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia giao thông cho biết đầu tư dự án giao thông theo hình thức BOT có nhiều lợi ích trong việc phát triển hạ tầng khi ngân sách eo hẹp.

"Tuy nhiên, chính sách đầu tư, khung pháp lí cho các dự án PPP vẫn còn hạn chế dẫn đến BOT có nhiều bất cập.

Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư "tay không bắt giặc" khi "không tiền, không kinh nghiệm". Khi có dự án, nhà đầu tư đi vay tiền, thuê thi công.

Có những nhà đầu tư chỉ lo 10% vốn, còn lại trông chờ vào ngân hàng. Đến khi dự án không thu được phí, áp lực trả lãi, trả nợ khiến nhiều doanh nghiệm khốn khổ", vị này nói.

Về khó khăn của BOT, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể từng cho biết đã có báo cáo Chính phủ nhiều lần.

Ông Thể cũng cho biết năm 2019 sẽ giải quyết căn cơ các BOT hiện hữu và các dự án BOT mới sẽ thực hiện theo đúng Nghị quyết của Quốc hội.

Đường Hòa Lạc – Hòa Bình có điểm đầu tuyến tại Km0+000 - tại ngã tư Hòa Lạc (Km17+850/QL21), điểm đầu xây dựng tại Km6+680; Điểm cuối tại Km32+367 (tương ứng Km 67+510 - Lý trình QL6, thuộc xã Trung Minh, huyện Kỳ Sơn, TP Hòa Bình).

Đường Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình có điểm đầu tại Km38+00; Điểm cuối tại Km70+932 (thuộc phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình).

Chiều dài là 53.4km (Gồm đường Hòa Lạc – Hòa Bình chiều dài tuyến khoảng 25,69Km; đường Quốc lộ 6 chiều dài khoảng 30,36Km).

Đường Hòa Lạc – Hòa Bình là đường đường cấp III đồng bằng 2 làn xe cơ giới với Bnền/ Bmặt=12/11m, gồm: 2 làn xe cơ giới Blcg = 2x3,50m; lề gia cố Blgc = 2x2,00m có kết cấu giống kết cấu mặt đường; Bề rộng lề đất Blđ = 2x0,50m.

Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình được thiết kế trên cơ sở cải tạo nâng cấp QL6 theo tiêu chuẩn đường cấp III, tuyến cơ bản bám theo đường cũ để tận dụng tối đa mặt đường & chi phí GPMB.

Thời gian thu phí hoàn vốn là 27 năm 6 tháng 9 ngày.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.