Người dân liên tục dừng xe ở làn thu phí của trạm BOT Hòa Lạc - Hòa Bình nhiều ngày qua. (Ảnh: Di Linh).
Liên quan đến việc người dân tập trung, dừng xe phản đối thu phí tại trạm BOT Hòa Lạc - Hòa Bình, sáng 9/5, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Quang Bát, Giám đốc Công ty TNHH BOT Quốc lộ 6 Hòa Lạc – Hòa Bình.
Cụ thể, ông Bát cho biết, BOT Hòa Lạc - Hòa Bình là một dự án khó khăn với thời gian thu phí dài cũng như gặp nhiều vấn đề nên 6 tháng sau khi hoàn thành, khai thác mới được thu phí.
"Ngày hôm qua (8/5), nhiều người dân tiếp tục dừng xe tại làn thu phí khiến công tác của trạm gặp khó khăn", ông Bát nói.
Giám đốc Công ty TNHH BOT QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình cũng cho biết chiều hôm qua đã trực tiếp đối thoại với người dân.
"Người dân yêu cầu chúng tôi trả lời ngay đề nghị miễn giảm phí cho các phương tiện không chính chủ, miễn giảm như trạm ở QL6.
Tuy nhiên, người dân cần phải hiểu là công ty BOT không thể quyết định được việc miễn giảm phí cho người dân cũng như xe không chính chủ. Đây là vấn đề của cơ quan chức năng.
Còn về phía BOT, chúng tôi đã thực hiện việc miễn giảm cho người dân, tổ chức trong bán kính 5km theo qui định", ông Bát nói.
Cũng theo ông Bát, BOT Hòa Lạc - Hòa Bình và việc nâng cấp QL6 là hai hạng mục khác nhau.
"Người dân không thể đòi miễn giảm ở BOT Hòa Lạc - Hòa Bình - một tuyến đường mới hoàn toàn như tuyến đường nâng cấp", ông Bát cho hay.
Cũng theo vị này, về việc xe không chính chủ, phía công ty BOT đã có giải đáp với người dân.
"Bộ Công an đã có qui định về việc sang tên đổi chủ. Người dân khi mua phương tiện phải thực hiện việc sang tên đổi chủ. Chỉ cần là xe chính chủ trong bán kính 5km thì sẽ được miễn giảm.
Tuy nhiên, người dân không thực hiện việc sang tên đổi chủ nhưng vẫn muốn được miễn giảm là không phù hợp. Việc người dân yêu cầu miễn giảm cho xe không chính chủ, chúng tôi không thể quyết định được", Giám đốc Công ty TNHH BOT QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình nói.
Theo vị này, việc người dân không sang tên đổi chủ, dừng xe tại làn thu phí là hành vi không thể chấp nhận được. Việc này vừa khiến doanh nghiệp thất thu vừa gây cản trở những phương tiện tuân thủ qui định.
"Chiều hôm qua, bản thân tôi đã có mặt tại trạm BOT Hòa Lạc - Hòa Bình để đối thoại trực tiếp với người dân. Cùng ngày, phía công ty BOT cũng đã làm việc với tỉnh Hòa Bình bàn giải pháp cũng như đề nghị tỉnh tiếp tục hỗ trợ vấn đề ANTT, ATGT.
Việc nhiều người dân dừng xe gây ách tắc đường Hòa Lạc - Hòa Bình cũng khiến nhiều tài xế rất bức xúc", ông Bát thông tin.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các phương tiện không chính chủ khu vực lân cận trạm khoảng 200 xe.
Cũng trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia giao thông cho rằng, việc người dân phản đối trạm BOT Hòa Lạc - Hòa Bình là không đúng.
"Đây là tuyến đường mới hoàn toàn giúp giảm tải QL6, rút ngắn khoảng cách Hà Nội - Hòa Bình cũng như tạo kết nối với Tây Bắc, thu hút đầu tư vào tỉnh Hòa Bình.
Đường mới hoàn toàn nên việc thu phí là hoàn toàn phù hợp. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng đã thực hiện việc miễn giảm theo qui định.
Do đó, người dân nên thực hiện việc sang tên đổi chủ để được hưởng miễn giảm. Việc mua bán phương tiện nhưng không sang tên đổi chủ là hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, người dân có thể kiến nghị với cơ quan chức năng, nhà đầu tư BOT chứ không nên chặn đường gây ảnh hưởng, thiệt hại cho các chủ phương tiện khác cũng như nhà đầu tư BOT", vị này nói.
Nhiều chủ phương tiện không chính chủ yêu cầu được giảm phí. (Ảnh: Di Linh).
Trong một diễn biến liên quan, Bộ GTVT đã có công điện gửi UBND tỉnh Hòa Bình, Tổng cục Đường bộ Việt Nam về vấn đề đảm bảo ANTT, ATGT tại trạm BOT Hòa Lạc - Hòa Bình.
Cụ thể, Bộ GTVT cho biết, trên cơ sở thống nhất với UBND tỉnh Hòa Bình, việc thu phí tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình được đơn vị này chấp thuận.
"Công tác tuyên truyền, công khai minh bạch phương án thu phí đã được Công ty TNHH BOT QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình thực hiện đầy đủ theo qui định của pháp luật trước khi tiến hành thu phí", Bộ GTVT cho hay.
Bộ này cũng cho biết, sau khi thu phí, nhiều chủ phương tiện ở xóm Văn Minh (Yên Quang, Kỳ Sơn, Hòa Bình) đã "lôi kéo tụ tập, tắt máy và dừng đỗ xe tại các làn thu phí trái quy định, có nhiều hành vi cản trở công tác thu phí dẫn tới ùn tắc giao thông và gây mất an ninh trật tự tại khu vực trạm".
Mặc dù đã được các lực lượng chức năng của Công an tỉnh Hòa Bình hỗ trợ, cán bộ nhân viên trạm thu phí đã chủ động tuyên truyền vận động, tổ chức đối thoại nhưng các chủ phương tiện vẫn có hành vi cản trở công tác thu phí.
Liên quan đến vấn đề nêu trên, Bộ GTVT đã đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo lực lượng chức năng giải quyết tình hình mất ANTT trên địa bàn, kịp thời có các biện pháp xử lí nghiêm đối với những đối tượng có hành vi kích động, gây rối, cố tình phá hoại, gây mất trật tự xã hội theo qui định.
Bộ cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp để đảm bảo ANTT, ATGT, tuyên truyền cho người dân.
Được biết, từ ngày 3/5 tới nay, nhiều phương tiện và người dân đã tập trung tại trạm BOT Hòa Lạc - Hòa Bình khiến nhà đầu tư và nhiều phương tiện khác gặp khó khăn.
Điều 6 Thông tư 15/2014/TT-BCA quy định trách nhiệm của chủ xe, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký hợp đồng mua bán xe, người mua xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục đăng ký sang tên xe. Quá thời hạn này, người mua xe không sang tên đổi chủ sẽ bị xử lý.
Nếu quá thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký hợp đồng mua bán xe mà người mua không làm thủ tục sang tên xe, khi sử dụng phượng tiện đó tham gia giao thông sẽ bị Cảnh sát giao thông xử phạt hành chính.
Cụ thể, phạt tiền từ một đến hai triệu đồng đối với cá nhân, từ hai đến bốn triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự xe ô tô (Theo khoản 5 Điều 30 Nghị định 46/2016/NĐ-CP).