BOT Trung Lương - Mỹ Thuận: Dùng ngân sách gỡ vướng, xử lí riêng Công ty Yên Khánh

Với dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, Thủ tướng đồng ý dùng ngân sách gỡ vướng và yêu cầu xử lí riêng vi phạm của Công ty Yên Khánh để tránh ảnh hưởng dự án này.
BOT Trung Lương - Mỹ Thuận: Dùng ngân sách gỡ vướng, xử lí riêng Công ty Yên Khánh - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: VnEconomy).

Hai phương án cứu BOT Trung Lương - Mỹ Thuận

Liên quan đến những khó khăn vướng mắc của dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, theo tìm hiểu của chúng tôi, mới đây, Bộ GTVT đã đưa ra 2 phương án xử lí.

Cụ thể, phương án 1 là nhà đầu tư có trách nhiệm tiếp tục thực hiện theo đúng Hợp đồng BOT đã kí (giữ nguyên điều khoản quy định lãi suất vay).

Theo Bộ GTVT, phương án này đảm bảo tuân thủ qui định pháp luật, công khai, minh bạch, không thất thoát vốn, tài sản của nhà nước theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 06/10/2018 và phù họp qui định của Hợp đồng BOT đã kí.

Đối với phần hỗ trợ của nhà nước, để không ảnh hưởng đến triển khai dự án của nhà đầu tư và thực hiện đúng cam kết của cơ quan nhà nước trong Hợp đồng BOT đã ký, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ quyết định chuyển tiếp việc hỗ trợ của nhà nước bằng quyền thu phí đường cao tốc TP HCM - Trung Lương.

"Triển khai theo phương án này, do lãi suất vay không được điều chỉnh theo lãi suất thực tế và không được chuyển nhượng nhà đầu tư nên các ngân hàng sẽ không giải ngân cho đự án.

Trong trường hợp nhà đầu tư không thể tiếp tục thực hiện dự án, Bộ GTVT sẽ chấm dứt Hợp đồng BOT trước thời hạn (thời gian cần thiết dự kiển khoảng 2 tháng)", Bộ GTVT cho hay.

Với trường hợp nhà đầu tư không thể tiếp tục thực hiện dự án, Bộ GTVT tiếp tục đưa ra 2 phương án khác.

Cụ thể, phương án 1A là chuyển sang đầu tư công. Phương án này sẽ bố trí vốn nhà nước khoảng 8.905 tỉ đồng (trong đó phần nhà đàu tư đã thực hiện khoảng 2.022 tỉ đồng) để tiếp tục triển khai toàn bộ dự án.

Với phương án này, dự kiến có thể hoàn thành dự án trong QuíII/2022 nếu được bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Sau khi hoàn thành công trình dự án sẽ xây dựng phương án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng là đoạn tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận để thu hồi vốn đầu tư của nhà nước.

Phương án tiếp theo là 1B, giữ nguyên hình thức đầu tư. Phương án này sẽ tiếp tục triển khai đầu tư dự án theo hình thức PPP; tổ chức phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi, mời sơ tuyển và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mới.

"Để đảm bảo khả thi về tài chính, nhà nước cần bố trí khoảng 2.186 tỉ đồng tham gia dự án. Dự kiến có thể hoàn thành dự án trong Quí IV/2022 nếu được bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để tham gia đự án", Bộ GTVT cho hay.

Bộ GTVT cũng đưa ra phương án 2 là Chính phủ quyết định tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để nhà đầu tư tiếp tục thực hiện dự án.

Theo Bộ GTVT, với phương án này, nhà đầu tư sẽ tiếp tục triển khai dự án được ngay; dự kiến có thể hoàn thành công trinh dự ản Quý IV/2021.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết do chưa có qui định pháp luật cụ thể nên cần Thủ tướng Chính phủ ban hành, quyết định dưới dạng văn bản qui phạm pháp luật để xử lí tháo gỡ các vướng mắc của dự án gồm:

Chấp thuận điều chỉnh các điều khoản liên quan đến lãi suất vay và Hợp đồng BOT với lãi suất vay bằng trung bình lãi suất cho vay của 3 ngân hàng thương mại lớn; cho phép chuyển nhượng nhà đầu tư theo yêu cầu của ngân hàng.

"Theo kết quả tính toán sơ bộ, nhà nước cần cân đối bố trí khoảng 2.186 tỉ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để tham gia dự án", Bộ GTVT thông tin.

BOT Trung Lương - Mỹ Thuận: Dùng ngân sách gỡ vướng, xử lí riêng Công ty Yên Khánh - Ảnh 2.

(Ảnh: Báo Giao thông).

Xử lí riêng vi phạm của Công ty Yên Khánh để tránh ảnh hưởng dự án

Liên quan đến những vướng mắc của dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, mới đây, Thường trực Chính phủ đã kết luận sẽ tiếp tục đầu tư dự án theo hình thức Hợp đồng BOT có sự hỗ trợ bằng vốn ngân sách nhà nước nhằm không để thời gian thu phí quá dài.

Đồng thời sớm đưa dự án thông tuyến vào năm 2020 để đáp ứng yêu cầu vận tải liên vùng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giảm bớt gánh nặng cho nhân dân trong vùng dự án.

Thường trực Chính phủ cũng đồng ý chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án từ Bộ GTVT sang UBND tỉnh Tiền Giang.

Ngoài ra, UBND tỉnh Tiền Giang cũng sẽ quyết định điều chỉnh dự án theo thẩm quyền, đúng qui định của pháp luật; chỉ đạo doanh nghiệp dự án rà soát lại phương án tài chính của dự án trên cơ sở thay đổi cơ chế hỗ trợ của nhà nước bằng quyền thu phí tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương (do không còn phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản công) sang hỗ trợ bằng ngân sách nhà nước.

Việc thay đổi này phải đảm bảo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật hiện hành, đảm bảo công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm và tuyệt đối không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong việc tính toán hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, vấn đề giải pháp thi công, tính toán khối lượng, giá nguyên vật liệu cũng như lưu lượng xe...đảm bảo phương án hoàn vốn của dự án không quá 15 năm.

Bộ GTVT có trách nhiệm thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình; đồng thời cử cán bộ có năng lực, am hiểu pháp luật về đầu tư PPP để hỗ trợ UBND tỉnh Tiền Giang trong quá trình triển khai dự án khi được ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, Thường trực Chính phủ yêu cầu chỉ đạo các ngân hàng thương mại tổ chức thẩm định lại phương án tài chính theo đúng qui định của pháp luật; sớm hoàn tất thủ tục về cung cấp tín dụng và đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhằm bảo đảm tiến độ dự án.

Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra làm rõ, kết luận, xử lí nghiêm theo quy định của pháp luật đối với vi phạm của Công ty cổ phần tập đoàn Yên Khánh (nếu có); khoanh vùng, xử lí riêng vi phạm này để không ảnh hưởng đến việc triển khai dự án.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.