Theo UBND tỉnh Cà Mau, 5 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 1.395,6 tỷ đồng, bằng 29% kế hoạch (cùng kỳ năm 2022 giải ngân đạt được hơn 1.207,2 tỷ đồng, bằng 34% kế hoạch).
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau cho hay, kế hoạch đầu tư công năm 2022 chuyển sang năm 2023 đã giải ngân 2,2 tỷ đồng, bằng 4,2% kế hoạch; trong đó vốn ngân sách trung ương trong nước thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đạt 20,7%.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1, đoạn qua thành phố Cà Mau đến nay đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng. Hiện chỉ còn 6 hộ tiếp giáp quốc lộ với 143 m chưa giải phóng mặt bằng.
Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, tại đoạn 21,9 km thực hiện trên địa bàn xã Thới Bình, xã Tân Phú và xã Hồ Thị Kỷ thuộc huyện Thới Bình có 502 hộ dân và 2 tổ chức bị ảnh hưởng với diện tích là 140 ha. Đến nay, dự án này đã giải phóng mặt bằng được 135,45 ha. Song vẫn còn 21 hộ dân chưa đồng ý nhận tiền và bàn giao mặt bằng trên địa bàn 3 xã Hồ Thị Kỷ, xã Thới Bình và xã Tân Phú.
Đoạn bổ sung phần tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đấu nối đường hành lang ven biển phía Nam vào Quốc lộ 1A trên địa bàn huyện Thới Bình, Trần Văn Thời, Cái Nước và thành phố Cà Mau với chiều dài 16,597 km (bao gồm đoạn 6,497 km thuộc đường Hành lang ven biển phía Nam). Dự án này có 214 hộ gia đình, cá nhân và 1 tổ chức bị ảnh hưởng với diện tích 32,5 ha; trong đó diện tích thuộc đường Hành lang ven biển phía Nam là 1,95 ha. Đến nay, diện tích mặt bằng sạch là 20,29 ha, đạt 62,37%. Hiện nay, còn 98 hộ gia đình, cá nhân chưa giải phóng mặt bằng.
Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau Trần Công Khanh, tuy giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư công của tỉnh trong 5 tháng đầu năm 2023 cao hơn cùng kỳ năm 2022, nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Nguyên nhân do tỉnh mới giao bổ sung nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2022 (giao kéo dài kế hoạch vốn năm 2022 chuyển sang năm 2023 là khoảng 508 tỷ đồng). Nếu không tính các nguồn vốn mới giao này thì tỷ lệ giải ngân của tỉnh so với kế hoạch vốn được giao đầu năm đạt khoảng 33%.
Mặt khác, kế hoạch đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất cấp tỉnh quản lý năm 2023 được giao 190,350 tỷ đồng, được bố trí chủ yếu cho Dự án nâng cấp đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Tiểu dự án thành phố Cà Mau (dự án đã hoàn thành) để hoàn trả tạm ứng ngân sách tỉnh và thanh toán khối lượng đã thực hiện. Do kế hoạch đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất cấp tỉnh quản lý năm 2023 được giao chỉ mới là số kế hoạch, chưa phải là số thu thực tế..., nên ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân của tỉnh.
Trong khi đó, các dự án sử dụng vốn ODA chưa giải ngân khoảng 123,207 tỷ đồng là do vướng giải phóng mặt bằng (Tiểu dự án 8) và vướng thủ tục đầu tư do chưa xác định được trách nhiệm và thẩm quyền thực hiện, thời gian thực hiện theo hiệp định vay chưa được gia hạn của Dự án "Kết hợp bảo vệ vùng ven biển và phục hồi đai rừng ngập mặn tỉnh Kiên Giang và Cà Mau".
Ngoài ra, một số dự án, công trình có tiến độ thi công chậm do vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của toàn tỉnh.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cho biết, UBND tỉnh Cà Mau đã xác định cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp, các mốc thời gian giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt được theo từng quý và phân công lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện, giải ngân và giải quyết khó khăn, vướng mắc của các dự án quan trọng, trọng điểm, có tổng mức đầu tư lớn thuộc Kế hoạch đầu tư công năm 2023. Do đó, các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp được giao.
Năm 2023, tỉnh có 2 danh mục dự án sử dụng vốn đầu tư công do Trung ương quản lý đang thực hiện được xác định là dự án trọng điểm, quan trọng. Đó là Dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 1A đoạn qua thành phố Cà Mau và Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.
Tỉnh có 17 danh mục dự án sử dụng vốn đầu tư công do tỉnh quản lý được xác định là dự án trọng điểm, quan trọng với 14 dự án đang triển khai đầu tư, với tổng mức đầu tư trên 10.237 tỷ đồng. Bên cạnh đó, địa phương có 3 dự án đang chuẩn bị đầu tư. Đó là Dự án xây dựng đê biển Tây từ Cái Đôi Vàm đến Kênh Năm và kè phòng, chống sạt lở bờ biển các đoạn xung yếu từ cửa biển sông Ông Đốc đến cửa biển Bảy Háp, tỉnh Cà Mau. Dự án này chưa bố trí Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 do đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để đảm bảo điều kiện triển khai thực hiện trình tự, thủ tục điều chỉnh Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh Quyết định đầu tư dự án theo quy định.
Dự án đầu tư xây dựng cụm Tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954 và hệ thống đường giao thông đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 656/QĐ-UBND ngày 11/4/2023 và giao chủ đầu tư hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi, trình cấp thẩm quyền theo quy định.
Dự án đầu tư xây dựng di tích chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là, hiện Ban Quản lý dự án công trình xây dựng tỉnh đang phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát chủ trương, trình tự thủ tục dự án, làm cơ sở tham mưu đề xuất cấp thẩm quyền xem xét.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt đề nghị các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, nhất là các dự án trọng điểm, quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa lớn, tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tỉnh.
Ngoài ra, UBND tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh xúc tiến với các bộ, ngành trung ương về việc triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh; trong đó có Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh từ thành phố Cà Mau đến Mũi Cà Mau; cải tạo, đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau đạt tiêu chuẩn Cảng hàng không dân dụng cấp 4C; phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển tỉnh Cà Mau đến năm 2025.
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.