Theo tin tức trên Zing, ngày 27/11, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Hậu Giang phối hợp với lực lượng chức năng của thị xã Ngã Bảy kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất cà phê ở xã Đại Thành do Nguyễn Văn Muốn Em (29 tuổi) làm chủ. Ngoài việc không giấy phép sản xuất kinh doanh, Muốn Em còn có dấu hiệu làm giả thương hiệu cà phê Buôn Mê Thuột.
Theo một cảnh sát, lúc kiểm tra Muốn Em đang cho nhân viên trộn hương liệu vào 180 kg cà phê và đậu nành. Cạnh bếp rang còn có 12 kg bao bì nhãn hiệu cà phê hàng đầu Buôn Mê Thuột cùng nhiều hóa chất, hương liệu để sản xuất cà phê. Nơi sản xuất cũng không đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Các công nhân khai, ngoài 120 kg cà phê, 60 kg đậu nành trong cơ sở là nguyên liệu dùng để sản xuất cà phê sau khi rang cháy đen. Chúng sẽ được trộn với ít cà phê và hương liệu rồi xay để bán.
|
"Do cơ sở của Em mới sản xuất khoảng một tháng nên chỉ bán được một ít cho các hộ dân hàng xóm. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lấy mẫu phân tích để xử lý theo quy định của pháp luật", cán bộ có trách nhiệm nói.
Trước đó, theo tin tức trên VTV, ngày 21/10, từ tin báo của người dân, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Gia Lai đã tiến hành kiểm tra cơ sở chế biến cà phê bột Hoàng Gia (địa chỉ 8/9 Mạc Đăng Dung, phường Hội Phú, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) và phát hiện 150kg đậu nành, 340kg hạt bắp và 80kg cà phê cùng một số hóa chất lạ không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc dùng để chế biến cà phê.
Tại cơ sở Hoàng Gia, đậu nành, bắp và cà phê sau khi được rang cháy sẽ trộn lẫn cùng các chất phụ gia, đóng gói thành phẩm mang thương hiệu cà phê Hoàng Gia để bán ra thị trường. Chủ cơ sở là ông Hồ Văn Thìn (sinh năm 1975, trú tại thành phố Pleiku) khai nhận, mỗi ngày cơ sở này sản xuất khoảng 150kg cà phê thành phẩm.
Ngoài thương hiệu Hoàng Gia, cơ sở này còn nhận xay, sấy đậu nành, bắp cung cấp cho 4 cơ sở khác trên địa bàn tỉnh Gia Lai để pha trộn thành nhiều thương hiệu cà phê khác nhau.
Khoan bàn đến các nguy cơ gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng do cà phê đậu nành gây ra, thì quá trình chế biến chúng cũng đã đủ để rùng mình.
Hầu như các cơ sở chế biến đều không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, công cụ chế biến thô sơ, nhân công không tuân thủ quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm. Các nguyên liệu đều không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, khiến 'cà phê đậu nành' càng nguy hiểm hơn.
Và hàng ngày, có hàng triệu cốc cà phê bẩn như vậy vẫn đến tay người tiêu dùng mà không gặp bất cứ trở ngại nào.