Nếu để nói về giai đoạn cực khổ và cảm thấy mình "vô dụng" nhất của người phụ nữ, thì chắc chắn đó sẽ là khoảng thời gian kiêng cữ sau sinh nở. Với những phụ nữ sau sinh được ở cữ nhà mẹ đẻ hoặc có điều kiện thuê người giúp việc, mọi chuyện sẽ không có gì đáng phải bàn tới. Nhưng không nhiều phụ nữ được may mắn như vậy. Thế nên mới có những câu chuyện ở cữ "kinh điển", chỉ nghe thôi cũng cảm thấy thương cảm.
Sau sinh, sản phụ cần nghỉ ngơi tuyệt đối, tránh làm việc sớm. |
Phụ nữ sau sinh, dù sinh thường hay sinh mổ cũng cần ít nhất 1-3 tháng nghỉ ngơi hoàn toàn, không làm bất cứ việc nặng nào, kể cả nấu ăn, giặt quần áo và các việc nhà thông thường khác. Tuy nhiên, có nhiều sản phụ vì nhà neo người, không có ai giúp đỡ mà phải tự mình vừa chăm con vừa làm việc như bình thường. Cũng có những trường hợp do gặp áp lực tâm lí, ở cữ nhà chồng sợ mang tiếng là "ăn bám", mà phụ nữ phải gồng mình làm việc, bất chấp mối nguy cơ về các bệnh sau sinh nguy hiểm.
Sau sinh, ngoài những thay đổi trong cơ thể, tâm lí của sản phụ cũng không ổn định, dễ buồn vô cớ và dễ bị tổn thương. Trong khi đó, quan niệm xã hội luôn cho rằng không làm việc, không kiếm tiền nghĩa là "ăn bám". Không ít sản phụ bị trầm cảm nặng nề vì những câu nói kiểu như thế. Tuy nhiên, nghỉ ngơi tuyệt đối sau sinh là quyền của mỗi người phụ nữ, để cơ thể phục hồi hoàn toàn và thực hiện thiên chức làm mẹ, chăm sóc và nuôi dạy con cái. Việc tạo điều kiện cho sản phụ nghỉ ngơi, cuối cùng cũng vi mục đích mang lại những điều tốt đẹp nhất cho đứa trẻ.
Sau sinh, ngoài đối mặt với nhiều nguy cơ sức khỏe, người phụ nữ còn phải gồng mình lên, chứng tỏ và làm việc để thoát kiếp "ăn bám". Giai đoạn sau sinh vì thế trở thành nỗi kinh hoàng, vất vả cả về tinh thần lẫn thể chất. Sản phụ nếu không được chăm sóc đúng cách, không nghỉ ngơi mà vội làm việc nặng, sẽ đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh sau.
Kết quả nội soi của một bệnh nhân bị sa toàn bộ âm đạo. (Ảnh: VTC) |
Sa trực tràng, sa âm đạo
Sa trực tràng, sa âm đạo là bệnh lành tính, không biến chứng nặng nề nhưng lại gây khó khăn rất lớn đến sinh hoạt của người mắc bệnh. Nguyên nhân của bệnh do chửa đẻ nhiều lần, đẻ dày, không được đỡ đẻ an toàn đúng kỹ thuật, rách tầng sinh môn nhưng không khâu. Ngoài ra, sản phụ sau sinh nếu lao động nặng hoặc quá sớm sau đẻ làm tăng áp lực ổ bụng, đè vào đáy chậu còn mềm yếu dễ gây nên sa sinh dục.
Nhiễm trùng tầng sinh môn
Với sản phụ sinh thường phải rạch tầng sinh môn, sau sinh cần tuân thủ nguyên tắc vệ sinh, tránh làm việc nặng.
Tầng sinh môn rất dễ bị nhiễm khuẩn. Nếu bạn thấy đau nhức, có cảm giác như bị côn trùng cắn, ngứa, bị phù nề, mưng mủ thì phải báo ngay cho bác sĩ để cắt chỉ, bôi thuốc sát trùng và băng lại, tránh để trường hợp viêm nhiễm nặng dẫn tới khó điều trị.
Đau bụng dưới
Sau khi sinh, tử cung của thai phụ co dần lại để trở về kích thước ban đầu. Trong thời gian đó, tử cung sẽ co bóp, điều này không gây cảm giác đau. Nếu thấy đau ở phần bụng dưới quá nhiều, sản phụ cần thăm khám để xem có bị viêm nhiễm hay không.
Nguyên nhân đau bụng dưới có thể do bị nhiễm trùng dạ con, viêm ruột thừa, viêm phần phụ, sót rau...
Ra máu vùng kín
Sau khi sinh, sản dịch thường ra rất nhiều vào những ngày đầu tiên. Kể cả bạn sinh thường hay sinh mổ, tử cung cũng cần phải được “dọn dẹp” sạch sẽ, và đó là lý do vì sao máu ở vùng nhau thai còn sót lại cần được “tống” ra khỏi cơ thể.
Sau 4-6 tuần sản dịch sẽ hết. Nếu bạn thấy lượng máu bạn chảy ra không hề có dấu hiệu thuyên giảm, kèm theo cảm giác đau bụng, sốt thì bạn nên tới bệnh viện trước khi quá muộn. Đó có thể là dấu hiệu của chứng băng huyết.
Rối loạn đường tiết niệu
Sau quá trình gắng sức vượt cạn, các cơ xung quanh bàng quang và niệu đạo trở nên yếu, vì thế phụ nữ sau sinh rất khó kiểm soát việc tiểu tiện. Triệu chứng này sẽ tự khỏi 3-6 tháng sau sinh. Tuy nhiên, nếu không nghỉ ngơi hợp lý, vội làm việc nặng, chế độ dinh dưỡng không đảm bảo, triệu chứng này sẽ kéo dài lâu hơn. Ngoài tiểu són, bí tiểu, nhiễm trùng đường tiết niệu, sau sinh, sản phụ có thể còn có nguy cơ mắc phải triệu chứng tiểu không kiểm soát nếu trước đó sinh có hỗ trợ kẹp forcep.
Cuối tháng 7 vừa qua, bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) đã tiến hành cấp cứu cho một bệnh nhân 45 tuổi trú tại Đoan Hùng, Phú Thọ bị sa toàn bộ âm đạo. Theo VTC, trước đó, người phụ nữ trên đã có tiền sử có khối sa suốt 17 năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Bệnh nhân cho biết, sau khi sinh thường lần hai vào năm 2001, vì nhà neo người nên khi từ bệnh viện về nhà, sản phụ đã phải tự nấu ăn, giặt quần áo và làm các việc nhà. Thời gian sau, bệnh nhân thấy bắt đầu xuất hiện khối sa xuống vùng hậu môn và âm đạo nhưng không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt. Một năm gần đây, khối sa ngày càng lớn, gây ra tình trạng khi đi đại tiện không tự chủ được kèm theo dấu hiệu đau nhiều và ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày nên mới đi khám. |