Các cụ miền Tây ra Hà Nội nấu cơm miễn phí cho bệnh nhân

Tuổi cao, ở nhà trọ trong tiết trời đổ lửa ở Hà Nội, nhóm từ thiện 4 người phải nghỉ nấu một tuần vì huyết áp ai cũng tăng.

Bóng chiều đã tràn ngoài cửa căn phòng trọ chật chội trên phố Hoàng Mai, Hà Nội, ông Út Chứ (73 tuổi) vẫn chưa ngủ trưa được. Trong bộ quần áo nâu sờn, ông nằm bắt chéo chân, ca một khúc vọng cổ của miền Tây. Người đàn ông gầy gò, khuôn mặt rám nắng bảo, ông sống ở quê thoáng mát, rộng rãi nên mãi mới quen được sự ngột ngạt, nóng nực của Hà Nội.

Các cụ miền Tây ra Hà Nội nấu cơm miễn phí cho bệnh nhân - Ảnh 1.

Cơm chay mà nhóm các cụ miền Tây đưa đến bệnh viện thường gồm 4 món, trong đó có 2 món rau, 2 món chay giả mặn và nước canh. Ảnh: Nhật Minh.

Ông Út tên thật là Nguyễn Văn Chứ, là một trong 4 người thuộc nhóm từ thiện từ Tân Châu, An Giang ra nấu cơm chay cho bệnh nhân ở Viện ung bướu và phóng xạ Quân đội (quận Hoàng Mai). Mỗi chiều, người đàn ông duy nhất trong nhóm chạy xe máy đến viện, vào từng phòng bệnh phát phiếu cơm miễn phí cho bệnh nhân. Sáng hôm sau, ông sẽ cùng một người khác đi phát cơm ở viện. Hết giờ không thấy người đến nhận, Út Chứ sẽ đi một vòng gọi. Ba người còn lại trong nhóm có nhiệm vụ đi chợ, nấu ăn và hạch toán chi phí mỗi ngày.

"Nay bớt 5 suất cơm nha mấy má, bớt cơm là bớt người ốm, mình cũng thấy zui ha!", bà Sáu Giàu (62 tuổi), đồng hương của ông Út, vui vẻ dặn những người bạn của mình để chuẩn bị nguyên liệu.

Bà Sáu Giàu kể, các thành viên trong nhóm đều thuộc một trại cơm tập thể ở huyện Tân Châu, An Giang, chuyên nấu cơm chay, cấp thuốc nam miễn phí cho người nghèo và bệnh nhân. Đầu năm 2019, biết Viện Ung bướu và phóng xạ Quân đội chưa có bếp ăn miễn phí, nên tháng 5 vừa qua, trại cơm quyết định cắt cử người ra gây dựng. Mỗi tháng sẽ có một nhóm mới ra thay thế nhóm cũ. Toàn bộ kinh phí bếp cơm do một mạnh thường quân ở An Giang tài trợ.

"Tụi tui đều dưới quê lên. Người làm ruộng, người buôn bán, xe ôm, chỉ có cái sức, cái tâm thôi. Một tháng được về một lần, nhưng không vướng bận gì thì tui ở lại, đỡ lãng phí tiền tàu xe của người ta", bà Sáu Giàu nói.

Từ thứ 4 đến thứ 7 hàng tuần, đúng 4 giờ sáng, khi những phòng trọ kế bên vẫn còn đóng cửa im ỉm, phòng của nhóm Sáu Giàu đã sáng đèn. Ba người phụ nữ rửa rau, xào nấu, cắm cơm, mồ hôi ướt sũng lưng áo. Ông Út nhanh nhẹn cầm chổi quét sạch lá cây đêm qua rơi đầy cổng trọ. Trời mờ sáng, món thịt lợn ba chỉ rang, thịt gà xào chay, rau khoai lang xào đã thơm nức, mùi tỏa khắp không gian.

Các cụ miền Tây ra Hà Nội nấu cơm miễn phí cho bệnh nhân - Ảnh 2.

Bà Út Xuân, 59 tuổi, đang nấu món giả chay để ông Út Chứ đưa ra bệnh viện. Ảnh: Nhật Minh.

Công việc hòm hòm, 3 người phụ nữ úp mì chay ăn sáng. Thấy Út Chứ ho khù khụ ở phòng bên, không ra ăn, các bà lại bảo nhau bê mỳ, bê nước sang cho ông. Bị trêu nhớ bà Út ở quê nên buồn, ông cười khà khà, ăn hết mỳ rồi cùng ra phụ bày cơm.

Bà Sáu Nhãn, trưởng nhóm vừa xới cơm vừa kể, mỗi ngày, nhóm của bà nấu khoảng 70 suất cơm cho bệnh nhân, nhân viên y tế tại viện. Ngày thứ 7, bệnh nhân về quê nhiều nên nhóm nấu chỉ 50 suất.

"Để người bệnh không bị ngán, tụi tui phải đổi món liên tục. Mình đãi bà con thì người ta ăn thấy ngon mình mới zui", người phụ nữ mập tròn được đặt biệt danh "Sáu ú" vui vẻ nói.

Lần nào có cơm từ thiện, bà Nghiêm Thị Hòa 72 tuổi, ở Hà Tĩnh, bệnh nhân tại Viện Ung bướu và phóng xạ quân đội cũng xếp hàng nhận. Bà Hòa cho biết, mình điều trị ở viện hơn một tháng. Bà không có người chăm sóc nên nếu không có cơm từ thiện, bà lại phải nhờ người hoặc ra cổng viện mua. "Nếu đi mua, tôi sẽ mất 15 nghìn/suất. Có cơm chay miễn phí cũng đỡ, thỉnh thoảng cơm còn dư, tôi lại xin thêm một suất để chiều ăn", bà nói.

Bệnh nhân Trần Thị Xuân 42 tuổi, Hưng Yên cho biết, đã ăn cơm chay miễn phí 3 lần, nhưng không hề biết cơm do người từ tận An Giang ra nấu.

Các cụ miền Tây ra Hà Nội nấu cơm miễn phí cho bệnh nhân - Ảnh 3.

Ông Út Chứ cùng một mạnh thường quân đưa cơm đến Viện Ung bướu và phóng xạ Quân đội phát cho từng người. Ảnh: Nhật Minh.

Giữa tháng 6, nhóm phải nghỉ nấu cơm một tuần vì các thành viên tuổi cao, lại phải làm việc, sinh hoạt trong thời tiết nắng nóng, huyết áp ai cũng tăng. "Nhiều lần tôi hỏi có vất vả lắm không, chẳng bao giờ các bà than vãn, nhưng mấy hôm liền, cứ nửa đêm tỉnh giấc tôi lại thấy các bà kéo ghế ra ngoài cửa nhà trọ ngồi. Chắc ngột ngạt nên họ mất ngủ", chị Trang, ở phòng trọ kế bên kể.

"Người ta khi chết đi, chẳng mang được gì, chỉ mang theo cái phước với cái tội. Tụi tui đi làm thế này vừa để chia sẻ với bà con, vừa để tạo phước cho chính mình", bà Sáu Giàu nói lý do họ tình nguyện ra bắc. Là mẹ đơn thân, một mình gánh vác chuyện gia đình, nay bà ra bắc, mọi việc ở nhà giao hết cho các con.

Thỉnh thoảng, các sinh viên, tình nguyện viên đến hỗ trợ, trò chuyện khiến không khí buổi sáng ở xóm rộn ràng hẳn lên. Mỗi dịp như vậy, ông Út Chứ thường móm mém miệng, bắt chước giọng bắc khiến già trẻ đều cười bò.

Các cụ miền Tây ra Hà Nội nấu cơm miễn phí cho bệnh nhân - Ảnh 4.

Chiều rảnh rỗi, 4 người già trong nhóm từ thiện miền Tây ngồi tụ tập xem điện thoại giải trí, trò chuyện về nhà với con cháu. Ảnh: Nhật Minh.

Ngoài nấu cơm chay, niềm vui mỗi ngày của nhóm là mày mò chiếc smartphone để gọi video về quê cho vơi nỗi nhớ.

Chiều qua, đọc tin, thấy Tân Châu, An Giang bị thiệt hại do giông lốc, ai cũng buồn ngẩn ngơ. Họ bàn với nhau, tối nay, sẽ cùng niệm phật, cầu bình an cho quê hương.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.