Đường vành đai 3 vùng TP HCM dài hơn 76 km, trong đó đoạn đi qua TP HCM dài 47,5 km, Đồng Nai hơn 11 km, Bình Dương 10,7 km, Long An gần 7 km.
Dự án được đầu tư phân kỳ giai đoạn 1 với quy mô gồm 4 làn xe cao tốc hạn chế; đường song hành mỗi bên từ 2 - 3 làn xe; phân chia thành 8 dự án thành phần và giao các địa phương tổ chức thực hiện. Tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 75.000 tỷ đồng, chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Đến nay, HĐND 4 tỉnh, thành phố có tuyến đường đi qua đã thông qua nghị quyết bố trí vốn đầu tư cho dự án này. Nhu cầu sử dụng đất của dự án này khoảng 643 ha, trong đó đất trồng lúa khoảng 70 ha, đất nông nghiệp khác khoảng 103 ha, đất rừng sản xuất khoảng 17 ha, đất dân cư khoảng 64 ha. Đất trồng cây lâu năm khoảng 230 ha, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp 11 ha và đất khác khoảng 147 ha.
Trừ đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn đã đầu tư, phần còn lại của dự án sẽ được giải phóng mặt bằng toàn tuyến một lần theo quy mô quy hoạch. Để đẩy nhanh tiến độ dự án, thời gian qua TP HCM, Đồng Nai hay Bình Dương đang liên tục có nhiều động thái mới.
Đường vành đai 3 qua TP HCM phạm vi ranh giải phóng mặt bằng được chia thành hai đoạn. Đoạn 1 (địa phận TP Thủ Đức) dài khoảng 14,7 km với điểm đầu giáp nút giao cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây), điểm cuối giáp nút giao Tân Vạn. Đoạn 2 (địa phận huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh) dài khoảng 33 km, điểm giáp cầu Bình Gởi, điểm cuối hết phạm vi cầu Thầy Thuốc.
Ngày 16/10, tại huyện Hóc Môn, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cùng các địa phương trên địa bàn có dự án đi qua (TP Thủ Đức, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh) ký kết giao ước đẩy nhanh công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án.
Với TP Thủ Đức và huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, các địa phương này cam kết đến tháng 6/2023 bàn giao 70% mặt bằng và đến tháng 12/2023 bàn giao toàn bộ 100% mặt bằng cho chủ đầu tư để triển khai dự án. Đây là thời điểm Nghị quyết số 105 của Chính phủ đặt ra. Tuy nhiên, các địa phương có dự án đi qua cho biết sẽ cố gắng để hoàn thành bàn giao mặt bằng sớm hơn.
Đại diện Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các Công trình Giao thông (chủ đầu tư) cho biết, trong tháng 10 này sẽ hoàn thành toàn bộ việc cắm 1.901 cọc mốc và bàn giao ranh mốc cho 13 phường, xã thuộc bốn địa phương.
Cùng với đó, UBND TP mới đây cũng đã có công văn khẩn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về bổ sung vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ vốn dự kiến tăng thu của thành phố để thực hiện dự án này.
Hiện kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của TP HCM được giao là 142.557 tỷ đồng. Số vốn này là không đủ cân đối để thực hiện các dự án đầu tư mới. Trong khi đó, UBND TP HCM có thể tự cân đối thêm được hơn 119.000 tỷ đồng từ các nguồn: Nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp; nguồn bội chi ngân sách địa phương; nguồn thu phí cảng biển; nguồn thu cổ phần hóa.
Nguồn vốn dự kiến tăng thu này đủ để đảm bảo chi cho đường vành đai 3 đoạn qua địa bàn TP HCM là 19.449 tỷ đồng. Nội dung này cũng đã được HĐND TP HCM thông qua nghị quyết vào tháng 4 về thống nhất chủ trương triển khai dự án vành đai 3 TP HCM. Tuy nhiên, phần vốn này của thành phố chưa được Thủ tướng chấp thuận bổ sung, báo cáo Quốc hội thông qua.
Tại Bình Duơng, UBND tỉnh này vừa quyết định điều chỉnh, bổ sung vào Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 TP Thủ Dầu Một dự án đường vành đai 3 qua phường Phú Hoà, với diện tích thu hồi đất 14 ha.
Tại TP Dĩ An, tỉnh cũng đã bổ sung đường vành đai 3 vào danh mục công trình, dự án thuộc diện thu hồi đất bổ sung với diện tích thu hồi 70,4 ha, là công trình dạng tuyến, đi qua các phường Bình An, Bình Thắng, Tân Bình và Tân Đông Hiệp.
Tại TP Thuận An, vành đai 3 cũng được bổ sung vào danh mục cần thu hồi đất bổ sung với diện tích 36 ha, đi qua các phường Bình Chuẩn, Thuận Giao, An Thạnh và An Sơn.
Về phía Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh, đơn vị đã tổ chức họp với 1.000 hộ dân trên địa bàn TP Thủ Dầu Một, TP Thuận An và TP Dĩ An – nơi có đường vành đai 3 đi qua để công bố chủ trương xây dựng dự án.
Theo kế hoạch, từ ngày 15/11/2022 đến 1/3/2023 Bình Dương sẽ thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; xác định giá đất cụ thể trước ngày 15/3/2023; lấy ý kiến người dân có đất thu hồi về dự thảo phương án bồi thường từ ngày 10/3/2023 đến 15/10/2023;
Chủ đầu tư sẽ tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư theo phương án được duyệt từ ngày 15/4/2023 đến 30/11/2023; đến ngày 30/6/2023 bàn giao tối thiểu 70% diện tích mặt bằng, đến ngày 31/12/2023 bàn giao 100% diện tích mặt bằng.
Hồi giữa tháng 9, UBND tỉnh đã giao bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương (vốn trong nước) giai đoạn 2021 - 2025 là 4.266 tỷ đồng cho 2 dự án thành phần thuộc dự án đường vành đai 3 TP HCM, có chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông.
Cụ thể, tỉnh giao bổ sung cho dự án thành phần 5 - Xây dựng đường vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương (bao gồm nút giao Tân Vạn và cầu Bình Gởi) là 1.266 tỷ đồng; giao bổ sung cho dự án thành phần 6 - Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương là 3.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, giao bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 (vốn nước ngoài) là 1.135 tỷ đồng cho dự án Cải thiện môi trường nước tỉnh Bình Dương, có chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án chuyên ngành nước thải.
Đối với đường vành đai 3 đoạn qua địa bàn Đồng Nai, hồi cuối tháng 9, tại huyện Nhơn Trạch, Bộ GTVT cùng UBND tỉnh Đồng Nai và TP HCM đã khởi công Dự án thành phần 1A của Dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc đường vành đai 3 TP HCM.
Dự án thành phần 1A có chiều dài khoảng 8,2 km, gồm 6,3 km qua địa bàn Đồng Nai và 1,9 km đi qua địa bàn TP HCM, được xây dựng với quy mô đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80 km/h. Bề rộng nền đường từ 20,5 m - 26 m, gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp.
Tổng mức đầu tư dự án là hơn 6.955 tỷ đồng, trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) là 2.250 tỷ đồng (gồm Đồng Nai 651,3 tỷ đồng và TP HCM 1.599 tỷ đồng).
Về công tác bồi thường GPMB, toàn dự án đã bàn giao được khoảng 2,8 km/8,2 km đạt 34,5%. Trong đó, TP HCM được 1,7 km/1.9 km, đạt 91% tuyến chính (không bao gồm 530 m đoạn tuyến chính cuối tuyến đang chuyển sang DATP1B) và tỉnh Đồng Nai được 1,1 km/6,3 km đạt 17,5%.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cam kết trong quý IV, tỉnh sẽ thực hiện xong cơ bản công tác bồi thường GPMB, giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án. Tương tự, TP HCM cũng khẳng định sẽ hoàn thành toàn bộ công tác GPMB trong quý III năm nay.