Các dự án kết nối Hà Nội - Hưng Yên đang triển khai đến đâu

Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên kéo dài, đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 33 km với tổng mức đầu tư hơn 2.800 tỷ đồng.

Một đoạn đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên. (Ảnh: Hạ Vũ)

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Hưng Yên, vừa qua, lãnh đạo tỉnh đã đến kiểm tra tiến độ triển khai một số công trình giao thông trọng điểm của tỉnh.

Các dự án lãnh đạo tỉnh kiếm tra gồm đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; xây dựng đường bên của tuyến nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên; nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên kéo dài, đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên.

Theo báo cáo của các đơn vị, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có tổng chiều dài 19 km, qua địa bàn các huyện: Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 5.200 tỷ đồng.

Đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích thu hồi trong phạm vi giải phóng mặt bằng của dự án đạt 239 ha. Trong đó, các huyện đã di chuyển được 738 ngôi mộ. Quỹ phát triển đất của tỉnh đã tạm ứng 42 tỷ đồng để các địa phương tổ chức chi trả cho Nhân dân di chuyển mộ và thực hiện đồng thời công tác xây dựng nghĩa trang mới hoặc mở rộng, các công việc khác có liên quan.

Đối với đường bên của tuyến nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên có tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng; giá trị xây lắp đến ngày 7/2 ước đạt hơn 231 tỷ đồng.

Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội – Hưng Yên kéo dài, đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 33 km. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 2.800 tỷ đồng.

Đến nay, nhà thầu thi công đã nhận bàn giao 27/33 km mặt bằng. Hiện nay, đơn vị thi công đã triển khai thi công trên toàn bộ phạm vi mặt bằng được bàn giao với lũy kế giá trị xây lắp hoàn thành từ khởi công đến nay đạt khoảng 753 tỷ đồng trên giá trị hợp đồng xây dựng. Từ đầu năm 2022 đến ngày 15/1/2023 đã giải ngân cho dự án được 900 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch vốn được giao năm 2022.

Lãnh đạo yêu cầu các sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư và các đơn vị thi công tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án.

Trong đó, tập trung xử lý vướng mắc về bãi đổ thải tại Dự án xây dựng đường bên của tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đoạn qua địa phận tỉnh Hưng Yên; khẩn trương thực hiện giải phóng mặt bằng theo đúng tiến độ đã cam kết.

Sở GTVT phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể cho việc triển khai từng dự án; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công xây dựng. Các đơn vị nhà thầu huy động tối đa máy móc, phương tiện để thi công những đoạn đã được bàn giao mặt bằng. 

chọn
Điều gì đang diễn ra trên thị trường BĐS công nghiệp?
Viện Kinh tế Xây dựng đánh giá Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư BĐS công nghiệp ngoại, giá thuê đất bình quân và giá thuê nhà xưởng, kho bãi trong quý I đã tăng 2-3% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo quý II, nhu cầu thuê và tỷ lệ lấp đầy tại các KCN có thể tăng nhẹ.