Các dự án thua lỗ ngàn tỷ của ngành Công thương đang 'hồi sinh' thế nào?

Mới đây, Chính phủ đã có báo cáo về tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương. 
cac du an thua lo ngan ty cua nganh cong thuong dang hoi sinh the nao
(Ảnh minh họa: KT&ĐT)

1. Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng

Đây là dự án đã hoàn thành và đi vào vận hành thương mại từ năm 2010. Hoạt động sản xuất kinh doanh của dự án có lãi qua các năm đến năm 2015.

Tuy nhiên, sang năm 2016 sản xuất kinh doanh của nhà máy gặp nhiều khó khăn làm phát sinh lỗ khá lớn là 420 tỷ đồng.

Trong năm 2017, sau khi rà soát các vấn đề khó khăn của dự án và chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp về quản trị doanh nghiệp, sắp xếp tổ chức lại sản xuất, lao động để tiết giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, kết quả thời gian chạy máy trong năm đã đạt 265 ngày, lãi 14,8 tỷ đồng.

Trong các tháng đầu năm 2018, tình hình sản xuất kinh doanh của dự án có nhiều thuận lợi và đạt lợi nhuận cao. Trong quý I năm 2018, tổng sản lượng của nhà máy ước đạt 60.398 tấn, giá trị doanh thu ước đạt 547,83 tỷ đồng, lãi 15,8 tỷ đồng (cùng kỳ quí I năm 2017, Dự án bị lỗ 37,6 tỷ đồng).

2. Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai

Đây là Dự án đã được bàn giao tạm thời đưa vào vận hành thương mại từ tháng 7 năm 2015. Từ khi đi vào vận hành sản xuất, nhà máy chỉ đạt công suất từ 50% - 65% (dưới mức công suất thiết kế) do khó khăn về thị trường tiêu thụ.

Đến gần cuối quý III năm 2016, nhà máy đã phải tạm dừng sản xuất khoảng 4 tháng do lượng hàng tồn kho nhiều cho đến gần cuối quí IV năm 2016 nhà máy mới được vận hành chạy lại và chỉ đạt công suất khoảng 35% do tình trạng hoạt động của thiết bị nhà máy không ổn định sau thời gian bị dừng sản xuất.

Tính đến 31 tháng 12 năm 2016 nhà máy đã bị thua lỗ lớn với số lỗ lũy kế là 1.013,17 tỷ đồng.

Đầu năm 2017, nhà máy tiếp tục vận hành sản xuất không ổn định với công suất đạt thấp (chỉ khoảng 35%) cho đến tháng 8 năm 2017, sau một thời gian tích cực rà soát các vấn đề khó khăn của dự án.

Chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp xử lý về kỹ thuật, công tác nhân sự và quản trị nhà máy, công suất vận hành của nhà máy đã được nâng lên khoảng 85%, chất lượng sản phẩm đã đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Từ đó đến nay hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà máy đã từng bước ổn định và hiệu quả hơn, số lỗ của quý IV năm 2017 đã giảm hơn so với quí III năm 2017 là 29,4 tỷ đồng.

Về thời gian chạy máy của nhà máy năm 2017 đã đạt 209 ngày; sản xuất 156.000 tấn DAP, tiêu thụ 160.000 tấn DAP; tồn kho 14.900 tấn; doanh thu 1.254 tỷ đồng, giảm lỗ so với năm 2016 là 375,7 tỷ đồng.

Trong quý I năm 2018, tổng sản lượng của nhà máy ước đạt 55.141 tấn, giá trị doanh thu ước đạt 538,89 tỷ đồng, số lỗ giảm hơn so với cùng kỳ quí I năm 2017 là 183 tỷ đồng.

3. Dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình

Đây là dự án đã được bàn giao đi vào vận hành sản xuất thương mại từ tháng 9 năm 2012. Đến tháng 7 năm 2016, nhà máy đã dừng sản xuất do thua lỗ kéo dài và không còn đủ vốn lưu động.

Đồng thời, trong quá trình sản xuất, nhà máy chưa vận hành ổn định và còn một số thông số kỹ thuật chưa đạt.

Đến tháng 01 năm 2017, sau nhiều nỗ lực của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Chủ đầu tư dự án và các đơn vị liên quan để xử lý các vấn đề kỹ thuật, tài chính, nhân sự...,

Nhà máy đã vận hành trở lại và thời gian chạy máy trong năm 2017 đạt 138 ngày; sản xuất đạt 184.801 tấn urê; tiêu thụ 189.857 tấn urê và không có tồn kho; doanh thu 1.171,37 tỷ đồng, giảm lỗ so với năm 2016 là 179,4 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2018 đến nay, bình quân mỗi ngày nhà máy sản xuất gần 1.300 tấn/ngày và tăng dần lên 1.730 tấn/ngày trong tháng 3 năm 2018.

Trong quý I năm 2018, tổng sản lượng của nhà máy ước đạt 77.197 tấn, giá trị doanh thu ước đạt 434,35 tỷ đồng, số lỗ giảm hơn so với cùng kỳ quí I năm 2017 là 2 tỷ đồng.

3. Dự án nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc

Đây là dự án đã chính thức nghiệm thu và đưa vào vận hành thương mại từ tháng 12 năm 2015 và trong thời gian vận hành liên tục bị thua lỗ.

Đến thời điểm 31 tháng 12 năm 2016, tổng lỗ lũy kế của dự án đã là 1.716 tỷ đồng (cao hơn mức lỗ kế hoạch là 986,5 tỷ đồng).

Sang năm 2017, với sự nỗ lực của Chủ đầu tư và các cơ quan liên quan trong việc xử lý các vấn đề của Dự án, thời gian chạy máy của nhà máy đạt 264 ngày; sản xuất 287.992 tấn urê, tiêu thụ 317.409 tấn urê và không có tồn kho; doanh thu 2.496 tỷ đồng, giảm lỗ so với năm 2016 là 439,8 tỷ đồng.

Trong quí I năm 2018, tổng sản lượng của nhà máy ước đạt 67.376 tấn, giá trị doanh thu ước đạt 670 tỷ đồng, số lỗ giảm hơn so với cùng kỳ quí I năm 2017 là 131,1 tỷ đồng.

4. Công ty DQS

Đây là công ty được bàn giao từ Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (trước đây là Vinashin và hiện nay là SBIC) về Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) từ tháng 6 năm 2010).

Vướng mắc lớn nhất của Công ty là phải chịu gánh nặng tài chính lớn do thua lỗ từ thời kỳ chủ sở hữu là Vinashin;

Chi phí tài sản cố định quá lớn trong khi không có khách hàng để khai thác hết công suất các hạng mục đã đầu tư; cơ sở vật chất của Công ty còn thiếu và chưa đồng bộ, nhiều hạng mục công trình đầu tư còn dở dang và chưa hoàn thành công tác quyết toán.

Trong giai đoạn 2010 - 2016, sau khi được PVN tái cơ cấu, bổ sung nguồn vốn, Công ty hoạt động chủ yếu dựa vào các hợp đồng đóng mới, sửa chữa với các đơn vị thuộc PVN.

Tuy nhiên, nguồn hợp đồng từ các đơn vị thuộc PVN ngày càng giảm, trong khi Công ty không đủ điều kiện để tham gia các hoạt động đấu thầu do các khoản nợ và lỗ lũy kế từ giai đoạn trước quá lớn.

Đến nay, Công ty vẫn tiếp tục có các đơn hàng thi công đóng mới, sữa chữa cho một số các tàu hàng dịch vụ của các đơn vị trong ngành, tuy nhiên giá các đơn hàng này không lớn.

Năm 2017 doanh thu của Công ty DQS đạt 463,85 tỷ đồng, trong đó nộp ngân sách Nhà nước 19,29 tỷ đồng và hạch toán lãi 1,07 tỷ đồng (trong trường hợp không tính lãi phạt của nhà thầu YMC-TRANSTECH của Trung Quốc và Công ty Tài chính Công nghiệp tàu thuỷ-VFC thì lãi là 27,15 tỷ đồng).

Trong quý I năm 2018, doanh thu ước thực hiện đạt 73,78 tỷ đồng, đạt 98,62% so với kế hoạch; đã nộp Ngân sách nhà nước 2,28 tỷ đồng.

5. Dự án Nhà máy thép Việt Trung

Từ thời điểm 31 tháng 12 năm 2016 trở về trước, dự án gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ cả quặng sắt và phôi thép.

Từ khi đi vào hoạt động, phần Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ Quý Xa khai thác với công suất thấp hơn nhiều so với công suất được cấp phép,

Còn phần Dự án nhà máy gang thép Lào Cai gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm do giá phôi thép trên thị trường giảm mạnh và liên tục ghi nhận lỗ qua các năm và số lỗ lũy kế tính đến hết năm 2016 là hơn 1.000 tỷ đồng.

Sang năm 2017, sau rất nhiều nỗ lực của đơn vị và sự hỗ trợ của các Bộ ngành, việc đàm phán sửa đổi, bổ sung Hợp đồng liên doanh, Điều lệ Công ty đã hoàn tất, tạo điều kiện cho Công ty chủ động trong việc mua nguyên liệu chính (than coke), tiêu thụ sản phẩm tinh quặng sắt phù hợp với cơ chế thị trường, góp phần giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, Công ty đã rà soát, thực hiện quyết liệt một loạt các giải pháp cải tiến kỹ thuật, giảm các chỉ tiêu tiêu hao nguyên vật liệu đầu vào, quản trị doanh nghiệp, tổ chức lao động... để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Nhờ vậy, hiệu suất vận hành thiết bị được cải thiện, nhà máy luyện gang, luyện thép đã vận hành vượt công suất thiết (có tháng đã đạt được trên 50.000 tấn phôi thép/tháng, tương đương với 600.000 tấn/năm so với công suất thiết kế là 500.000 tấn/năm), sản lượng khai thác và chế biến quặng Quý Xa đạt công suất thiết kế; chỉ tiêu tiêu hao quặng, than cốc đều giảm.

Trong năm 2017, sản xuất phôi thép 463.612 tấn và tiêu thụ 462.909 tấn; sản xuất quặng đạt 2.396.710 tấn và tiêu thụ đạt 2.584.061 tấn, trong đó, xuất khẩu 1.156.010 tấn và tiêu thụ nội địa 1.428.051 tấn; lợi nhuận trước thuế 423 tỷ đồng.

Đến hết quý I năm 2018, sản lượng sản xuất phôi thép đạt 121.873 tấn bằng 111% so cùng kỳ năm 2017; khai thác quặng Quý Xa đạt 671.390 tấn đạt, bằng 126% so cùng kỳ năm 2017.

Lợi nhuận ước đạt 319 tỷ đồng, góp phần giảm số lỗ lũy kế xuống còn 446 tỷ đồng, nộp ngân sách 140 tỷ đồng.

6. Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ

Đây là dự án đã hoàn thành đi vào vận hành thương mại từ tháng 5 năm 2014. Tuy nhiên, nhà máy liên tục bị thua lỗ trong quá trình hoạt động do chi phí sản xuất tăng cao hơn giá bán sản phẩm (giá bán không đủ bù chi phí biến phí) và đến ngày 17 tháng 9 năm 2015 nhà máy đã phải dừng sản xuất.

Sau gần 31 tháng phải dừng sản xuất, đến ngày 10 tháng 4 năm 2018, với sự quyết liệt chỉ đạo của Ban Chỉ đạo và sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của Tập đoàn PVN, Chủ đầu tư Dự án và các đơn vị liên quan, Dự án nhà máy xơ sợi polyeste Đình Vũ đã khởi động lại được một phần với việc vận hành lại 3 dây chuyền của Phân xưởng sợi Filament.

Kết quả vận hành ban đầu cho thấy máy móc hoạt động ổn định, chất lượng sản phẩm tốt (đạt 99,25% chất lượng), đảm bảo tiêu chuẩn yêu cầu của khách hàng. Đến ngày 31 tháng 5 năm 2018, nhà máy đã tiêu thụ được 67 tấn sản phẩm.

Dự kiến đến tháng 12 năm 2018, nhà máy sẽ chạy đủ 29 dây chuyền của phân xưởng kéo sợi. Ngoài ra, ngày 27 tháng 4 năm 2018, PVTex đã ký kết Biên bản ghi nhớ về Hợp tác sản xuất kinh doanh và vận hành Nhà máy với liên doanh Tập đoàn An Phát và các đối tác nước ngoài với mục tiêu sẽ ký kết Hợp đồng hợp tác trong tháng 7 năm 2018 làm cơ sở điều động chuyên gia nước ngoài, cấp kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa nhằm đưa Nhà máy vận hành lại hoàn toàn vào tháng 12 năm 2018.

7. Dự án nhà máy sản xuất NLSH Quảng Ngãi

Kể từ thời điểm nghiệm thu, bàn giao đưa dự án vào vận hành thương mại tháng 01 năm 2014, sau gần 2 năm hoạt động, nhà máy đã vận hành được 7 đợt sản xuất với 151 ngày chạy máy, công suất vận hành chỉ đạt 54% so với công suất thiết kế do hạng mục công trình xử lý nước thải không đạt yêu cầu.

Đến tháng 4 năm 2015, nhà máy đã dừng sản xuất do không có thị trường tiêu thụ sản phẩm, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp và thiếu vốn lưu động phục vụ sản xuất.

Để thực hiện mục tiêu sớm khởi động, vận hành lại nhà máy, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty Cổ phần nhiên liệu sinh học Dầu khí Miền Trung (BSR-BF) và Tổ hỗ trợ từ các cổ đông đã rất nỗ lực để hoàn thành công tác kiểm tra, bảo dưỡng sửa chữa nhà máy;

Đồng thời, BSR-BF và các cổ đông đã tìm kiếm, lựa chọn đối tác hợp tác sản xuất kinh doanh (là Công ty cổ phần xuất nhập khẩu tạp phẩm Tocontap) để có kinh phí vận hành lại nhà máy.

Các bên đã hoàn thành đàm phán Hợp đồng, đang thực hiện các thủ tục phê duyệt nội bộ để ký Hợp đồng trong tháng 5 năm 2018.

Sau khi ký Hợp đồng, đối tác sẽ ứng tiền kinh phí để BSR-BF vận hành lại Nhà máy, dự kiến trong tháng 6 năm 2018.

Song song với đó, công tác khắc phục hệ thống xử lý nước thải đang được khẩn trương thực hiện để đảm bảo nhà máy sẽ vận hành đạt 100% công suất thiết kế (đến nay đã hoàn thành được khoảng 90%).

Tổng công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC) cũng đã đồng ý ứng trước kinh phí triển khai thi công lại hồ cigar để khắc phục hệ thống xử lý nước thải và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối Quí II năm 2018.

8. Dự án nhà máy sản xuất NLSH Bình Phước

Dự án đã hoàn thành và đi vào vận hành thương mại từ tháng 4 năm 2012, đến tháng 4 năm 2013 phải dừng sản xuất do gặp khó khăn về thị trường sản phẩm đầu ra dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh đạt thấp và bị thua lỗ.

Hiện nay, các đơn vị đang tích cực thực hiện các công việc chuẩn bị cho việc khởi động lại Nhà máy, dự kiến vào quí II năm 2018 (gồm công tác bảo dưỡng, sửa chữa máy móc thiết bị, tuyển dụng và đào tạo nhân sự, đàm phán với các đối tác về thị trường đầu vào, đầu ra của nhà máy).

9. Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam

Đây là dự án đã được Chính phủ đồng ý về chủ trương bán đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho của nhà máy.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tổng công ty Giấy Việt Nam triển khai việc bán đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho của nhà máy nhưng không thành công do giá trị thẩm định của dự án theo các qui định hiện hành là quá cao và vướng mắc về việc chưa có cơ sở pháp lý trong việc điều chỉnh giá khởi điểm để tiếp tục triển khai bán đấu giá Dự án trong trường hợp bán đấu giá lần đầu không thành công.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang làm việc với các Bộ ngành liên quan để hoàn thiện phương án bán đấu giá trình Thủ tướng Chính phủ xem xét thông qua để tiếp tục triển khai bán đấu giá lần hai sau khi bán đấu giá Dự án không thành công lần đầu tiên.

10. Dự án nhà máy sản xuất NLSH Phú Thọ

Đây là dự án đầu tư xây dựng dở dang, khởi công từ quý III năm 2009 nhưng đã phải tạm dừng thi công từ tháng 11 năm 2011 do không đạt được thống nhất của các bên tham gia về chi phí phát sinh, tiến độ mới đạt khoảng 78% khối lượng công việc.

Hiện nay, Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB) đang tiếp tục triển khai phương án tìm kiếm đối tác đầu tư triển khai tiếp Dự án theo nguyên tắc đối tác hợp tác sẽ góp toàn bộ vốn còn thiếu để triển khai, hoàn thành Dự án.

11. Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên

Đây là dự án đầu tư xây dựng dở dang, được khởi công từ tháng 9 năm 2007 nhưng đã phải tạm dừng thi công từ quí I năm 2013 do gặp khó khăn trong việc thu xếp nguồn vốn vì dự án bị kéo dài và tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng cao;

Mặt khác, hợp đồng EPC ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu Trung Quốc đã phát sinh tranh chấp, vướng mắc đến nay vẫn chưa giải quyết được làm cho dự án càng bị kéo dài và khó khăn hơn.

Trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ ngành đã quyết liệt chỉ đạo và đến nay đã thực hiện thành công việc rút về 1.000 tỉ đồng vốn của SCIC góp vào dự án, bảo toàn được vốn nhà nước.

Song song với đó, Chủ đầu tư đã tích cực làm việc với nhà thầu để quyết toán các công việc đã thực hiện, xác định khối lượng công việc cần triển khai tiếp.

Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên (TISCO) đã hoàn thiện Dự thảo phương án giải quyết các tồn tại vướng mắc của Dự án với Tổng thầu MCC để tiếp tục đàm phán với nhà thầu vào cuối quí II năm 2018.

Tổng công ty Thép Việt Nam cũng đang tiếp tục triển khai các hoạt động để thực hiện phương án thoái vốn nhà nước tại TISCO theo chỉ đạo của Chính phủ;

Làm việc với Vietinbank về việc giải phóng nghĩa vụ bảo lãnh của Tổng công ty đối với khoản vay của TISCO cho Dự án.

Sau khi thoái vốn nhà nước tại dự án thành công, Công ty sẽ huy động vốn bổ sung để tiếp tục triển khai Dự án.

cac du an thua lo ngan ty cua nganh cong thuong dang hoi sinh the nao Clip tài xế rút dao chém barie, tát nhân viên trạm BOT Tân Đệ

Nhiều tài xế không trả phí qua trạm BOT Tân Đệ thậm chí có người dùng dao chém barie, đánh nhân viên thu phí.

cac du an thua lo ngan ty cua nganh cong thuong dang hoi sinh the nao Tài xế hất tung barie BOT Tân Đệ: Tasco nói làm đúng chủ trương và sẽ cung cấp thông tin cho công an

Liên quan đến việc tài xế không trả phí, phản đối trạm BOT Tân Đệ, Tasco cho biết đơn vị này làm đúng chủ trương ...

chọn
Hình ảnh cầu Tam Tòa nối Nam Định - Ninh Bình sau 7 tháng thi công
Cầu Tam Tòa vượt sông Đáy trên tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình sau 7 tháng thi công đã dần thành hình.