Hàng trăm suất học bổng dành cho sinh viên Việt Nam | |
ĐH Sydney tuyển thẳng học sinh của 24 trường THPT ở Việt Nam | |
Học phí ĐH công lập có thể lên tới 5 triệu đồng/tháng |
Sáng 21/1, hội thảo Hoàn thiện chính sách, pháp luật về đại học tư thục diễn ra tại ĐH Nguyễn Tất Thành, TP.HCM. Nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu xoay quanh chính sách phát triển cho đại học tư thục.
Tại buổi hội thảo, nhiều đại biểu nêu câu hỏi xã hội phải nhìn nhận đại học tư thục là nhà trường hay doanh nghiệp. Đây là "vấn đề nút thắt" đối với những quyết sách phát triển dành cho các trường. Bởi, việc xác định được chính xác cơ cấu vận hành, quyền lực, tài chính… là một bước để đưa ra các quy định về luật để điều chỉnh, kiểm soát các trường tư thục.
GS Nguyễn Ngọc Trân - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội - thẳng thắn chia sẻ: “Sự hình thành các tập đoàn kinh doanh giáo dục là thực trạng không thể chối cãi hiện nay. Có những tập đoàn đang thao túng các cơ sở giáo dục dân lập. Nhiều trường được mua bán như món hàng”.
GS Nguyễn Ngọc Trân đau lòng trước thực trạng đại học tư hiện nay. Ảnh: Minh Nhật. |
GS Trân đặt câu hỏi các trường dân lập xây dựng nhiều cơ sở, phân hiệu ở các tỉnh để làm gì.
“Liệu có phải để kinh doanh hay không, trong khi lực lượng giảng viên luôn thiếu”, ông nói.
Theo GS Trân, muốn hoàn thiện luật và chính sách dành cho các trường dân lập trước hết phải có thống kê giữa lương của hiệu trưởng, giảng viên và học phí của sinh viên để biết được thực trạng của giáo dục dân lập.
Đồng thời, chúng ta cần xem lại mối quan hệ, môi trường sư phạm trong các trường tư thục như thế nào trong môi trường kinh doanh. Đặc biệt, chỗ đứng của sinh viên như thế nào, vì họ là khách hàng, mặt khác cũng chính là sản phẩm giáo dục.
GS Nguyễn Ngọc Trân đề xuất các trường đại học tư thục sẽ hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhưng có điều kiện riêng, còn Luật Giáo dục Đại học chỉ nên áp dụng cho trường công lập.
Bà Nguyễn Lan Hương - Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Giáo dục Tài nguyên và Môi trường - cho rằng Luật Giáo dục đại học nên quy định rõ cơ cấu tổ chức, cổ phần, cổ phiếu, cổ đông của các trường đại học dân lập. Nếu không quy định rõ ràng, những vấn đề tranh chấp nội bộ về lợi nhuận sẽ nảy sinh.
Theo TS Phạm Thị Ly - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đánh giá Giáo dục Đại học, ĐH Nguyễn Tất Thành, TP.HCM - nguồn gốc sâu xa của tranh chấp nội bộ làm xói mòn năng lực của các trường tư thời gian vừa qua, chính là sở hữu.
Sở dĩ vấn đề này có ý nghĩa cốt lõi đối với giáo dục đại học tư thục vì nó sẽ ảnh hưởng đến cơ chế ra quyết định, hướng đi, mục tiêu của nhà trường. Quan trọng nhất, vấn đề sở hữu liên quan trực tiếp việc sử dụng nguồn vốn, đồng tiền như thế nào.
Giữa vấn đề chất lượng giáo dục và lợi nhuận của các trường đại học tư thục, nguyên tắc minh bạch thông tin sẽ giải quyết được những khúc mắc cho cả người học và cơ quan quản lý giáo dục.
TS Phạm Thị Ly cho rằng minh bạch thông tin và quyền sở hữu là hai vấn đề cốt lõi của đại học tư. Ảnh: Minh Nhật. |
TS Phạm Thị Ly cho rằng việc coi đại học tư như một doanh nghiệp nhất quán với thực tiễn của nhiều nước và phù hợp bối cảnh thực tế của Việt Nam. Tuy nhiên, trường đại học tư thục là một doanh nghiệp đặc biệt, vì dù được xác lập trên quyền sở hữu tư nhân nhưng thực tế đây vẫn là một tổ chức của nhiều bên liên quan.
Theo TS Ly, nếu các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về minh bạch thông tin, các trường đại học dân lập càng phải tuân theo nguyên tắc này hơn thế nữa.
Hiện nay, Dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục Đại học lần thứ ba đang có xu hướng nới lỏng các quy định về quản trị nội bộ nhằm bảo toàn sự linh hoạt cho các trường đại học tư. Điều này đang gây ra những lo ngại về chất lượng giáo dục ở các trường đại học dân lập.
Vấn đề làm đau đầu các cơ quan quản lý hiện nay chính là việc làm sao cân bằng giữa kiểm soát về chất lượng của các trường tư đề bảo vệ lợi ích của người học và khả năng linh hoạt của các trường.
Do đó, TS Ly đề xuất các cơ sở giáo dục dân lập phải tuân thủ nguyên tắc minh bạch thông tin. Chấp nhận các trường đại học dân lập sẽ có mức học phí và chất lượng khác nhau. Nhưng quan trọng là người học, người bỏ tiền ra mua dịch vụ ở các trường này có quyền được thông tin đầy đủ và hiểu rõ chất lượng, giá trị của cái mà mình sẽ mua.
Học phí ĐH công lập có thể lên tới 5 triệu đồng/tháng
Dự kiến học phí ngành cao nhất của các trường công lập có thể lên đến 5,05 triệu đồng/ tháng/ sinh viên vào năm học ... |