Hàn Quốc, một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 ngoài Trung Quốc, đã chứng kiến số ca nhiễm giảm dần trong 4 ngày liên tiếp, trong lúc sự chú ý của quốc tế đã chuyển sang Italy và Iran.
Hàn Quốc trung bình ghi nhận hơn 500 ca nhiễm mới mỗi ngày trong suốt 2 tuần trước, nhưng hôm 6/3, con số này giảm còn 438, sau đó là 367 ngày 7/3, 248 ngày 8/3 và 131 ngày 9/3. Thống kê tăng trở lại hôm 10/3 với 242 ca nhiễm mới, nhưng vẫn thấp hơn một nửa so với những tuần trước đó.
Hiện nước này ghi nhận tổng cộng 7.755 ca nhiễm, bao gồm 60 người tử vong, theo thống kê được công bố sáng 11/3. Để so sánh, trong gần như cùng giai đoạn tại Italy, số ca nhiễm đã lên đến hơn 10.000 với 631 ca tử vong.
Sự giảm đều của số ca nhiễm được cho là xuất phát từ nhiều yếu tố, bao gồm việc xét nghiệm hàng loạt, cải thiện việc kết nối với người dân và ứng dụng công nghệ, theo South China Morning Post.
Việc xét nghiệm mở rộng đối với thành viên của giáo phái Tân Thiên Địa, liên quan đến hơn 60% ca nhiễm tại Hàn Quốc, đã hoàn thành.
Giới chức Hàn Quốc đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc khống chế dịch bệnh, nói việc phong tỏa toàn thành phố, như được Trung Quốc áp dụng tại Vũ Hán, nơi khởi phát dịch bệnh, là rất khó để thực hiện trong một xã hội mở.
Trung Quốc cũng thực hiện việc cách li xã hội nghiêm ngặt và giám sát rộng rãi công dân, đảm bảo họ tuân thủ các biện pháp phòng ngừa bằng hình phạt và phần thưởng, dẫn đến việc số ca nhiễm mới giảm đáng kể.
"Không làm tổn hại đến nguyên tắc của một xã hội minh bạch và mở, chúng tôi đề xuất một hệ thống phản ứng kết hợp sự tham gia tự nguyện của công chúng với các ứng dụng sáng tạo của công nghệ tiên tiến", Thứ trưởng Bộ Y tế Hàn Quốc Kim Gang Lip nói với báo giới.
Ông nói các biện pháp thông thường và mang tính cưỡng ép, như phong tỏa các khu vực bị ảnh hưởng, có những hạn chế, làm tổn hại tinh thần dân chủ và khiến công chúng, những người lẽ ra cần tham gia tích cực vào các nỗ lực phòng ngừa, cảm thấy bị cô lập và xa lánh.
"Sự tham gia của công chúng phải được bảo đảm thông qua sự cởi mở và minh bạch", Thứ trưởng Kim nói.
Hàn Quốc chủ động cung cấp cho công dân của mình thông tin cần thiết để giữ an toàn, bao gồm 2 cuộc họp báo mỗi ngày và cảnh báo khẩn cấp được gửi qua điện thoại di động tới những người sống hoặc làm việc ở các quận/huyện nơi đã xác nhận các ca mới.
Thông tin về lịch sử đi lại của bệnh nhân cũng được công khai trên các trang web của chính quyền, dù đôi khi có cả thông tin về nơi cư trú hoặc nơi làm việc của bệnh nhân, gây lo ngại về quyền riêng tư.
Tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh tốt cũng đã được nhấn mạnh. Người Hàn Quốc hiếm khi rời khỏi nhà mà không đeo khẩu trang, với nhiều tòa nhà để biển báo "Không đeo khẩu trang, không được vào". Phục vụ nhà hàng và nhân viên bán hàng đeo khẩu trang trong khi giao tiếp với khách hàng.
"Tôi không thích đeo khẩu trang vì tôi phải ngửi hơi thở của chính mình. Tôi chẳng buồn đeo như mọi khi và tôi hắt hơi vài lần trên tàu điện. Sau đó, những người khác cau mày với tôi và đi ra chỗ xa tôi. Đến lúc đó, tôi mới quyết định theo xu hướng và đeo khẩu trang", Min Gyeong Wook, nhân viên văn phòng 35 tuổi, nói.
Hàn Quốc cũng đã đưa ra các biện pháp sáng tạo, bao gồm khoảng 50 điểm xét nghiệm virus không cần đỗ xe trên toàn quốc, nơi người ta chỉ mất 10 phút để thực hiện toàn bộ quy trình. Kết quả xét nghiệm sẽ có chỉ sau vài giờ.
Việc xét nghiệm Covid-19 rất tốn kém ở nhiều quốc gia nhưng ở Hàn Quốc, tất cả xét nghiệm đều miễn phí. Quốc gia này cũng có khả năng xử lý tới 15.000 xét nghiệm chẩn đoán mỗi ngày và tổng số xét nghiệm đã lên tới gần 200.000
Các chuyên gia y tế cho biết khả năng xét nghiệm đã giúp nước này xác định bệnh nhân sớm và giảm thiểu tác động có hại. Đều này cũng dẫn đến việc Hàn Quốc từng đứng thứ hai thế giới về số ca nhiễm được xác nhận, chỉ sau Trung Quốc, cho đến khi Italy vượt qua trong tuần này.
Hàn Quốc đã ban hành "các thủ tục nhập cảnh đặc biệt" để theo dõi người đến nước này trong 2 tuần mà không phải áp dụng biện pháp cấm nhập cảnh.
Những người đến từ Trung Quốc, bao gồm Hong Kong và Macao nhưng trừ Đài Loan, được kiểm tra thân nhiệt, trong khi thông tin liên hệ của họ được xác minh và họ được yêu cầu trả lời bảng câu hỏi về sức khỏe. Họ cũng được yêu cầu tải xuống ứng dụng tự chẩn đoán trên điện thoại di động và được quản lý tập trung nếu có triệu chứng.
Hàn Quốc cũng đang sử dụng công nghệ IT tiên tiến và hệ thống camera giám sát phổ biến để theo dõi các nguồn lây nhiễm, xác định sự di chuyển của các ca bệnh được xác nhận dựa trên giao dịch thẻ tín dụng và dấu vết điện thoại di động của họ, cũng như tiết lộ thông tin này để giúp theo dõi những người có thể đã tiếp xúc với họ.
Những người có nguy cơ được yêu cầu tự cách li và quản lý toàn diện theo từng cá nhân bởi các cơ quan y tế.
Để đối phó với tình trạng thiếu giường bệnh, Hàn Quốc đã cải tạo nhiều trung tâm đào tạo nghề và các địa điểm công cộng khác thành "trung tâm điều trị và sinh hoạt", nơi bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ được đưa vào cách li.
Giáo sư Kim Woo Joo tại Đại học Y khoa Hàn Quốc cho biết nước này đã có kinh nghiệm từ việc xử lý các tình huống khẩn cấp về sức khỏe trước đây, như đại dịch cúm H1N1 năm 2009, với khoảng 750.000 ca bệnh và 180 ca tử vong ở Hàn Quốc, cũng như Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS) năm 2015, với 186 người nhiễm và ít nhất 39 người tử vong ở nước này.
"Hàn Quốc đã rút ra được những bài học quý giá từ các đợt bùng phát dịch bệnh này", giáo sư Kim nói. "Nhận thức của công chúng về sự cần thiết của vệ sinh cá nhân như rửa tay và đeo khẩu trang cũng được nâng lên rất nhiều, nhờ vào kinh nghiệm của họ trong các dịch bệnh trước đây".
Nước này sau đó đã đào tạo nhân viên y tế để đối phó với các đại dịch, đặc biệt là việc xét nghiệm để phát hiện lây nhiễm, theo dõi và cách li người có tiếp xúc.
"Không có nhiều quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc có cả bộ não và cơ sở vật tư cần thiết để đối phó với sự bùng phát virus", Hwang Seung Sik, giáo sư về y tế công cộng tại Đại học Quốc gia Seoul, nhận xét.
Dù vậy, giáo sư Kim nói rằng sẽ rất khó để một xã hội mở như Hàn Quốc hay các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, gồm 36 nước phát triển) áp dụng biện pháp "phong thành" như đã thấy ở Trung Quốc.
Điều này được nhấn mạnh khi nghị sĩ Hong Ik Pyo bị buộc phải từ chức phát ngôn viên chính của đảng Dân chủ cầm quyền sau khi ông bị chỉ trích vì phát biểu rằng thành phố Daegu, tâm điểm của dịch bệnh tại Hàn Quốc, nên bị phong tỏa.
Phát biểu xuất hiện giữa lúc nhạy cảm về chính trị, khi cuộc bầu cử quốc hội dự kiến được tổ chức vào ngày 15/4.
Giáo sư Kim cảnh báo rằng không nên lạc quan quá sớm, lưu ý việc đã có những cụm nhiễm trùng nhỏ ở một số bệnh viện, căn hộ, nhà thờ và viện dưỡng lão ở những nơi khác ngoài Daegu, bao gồm Seoul và thành phố Seongnam gần đó.
Quận Guro của Seoul hôm 9/3 cho biết ít nhất 46 người đã nhiễm bệnh tại tổng đài của một công ty bảo hiểm, nơi nhân viên làm việc trong phòng kín và không được phép đeo khẩu trang để có thể nói rõ ràng qua điện thoại. Đến hết ngày 10/3, tổng cộng 93 ca bệnh được xác nhận có liên quan đến nơi này, bao gồm người nhà của nhân viên tổng đài.
"Kịch bản tốt nhất là virus chết dần vào cuối tháng 3... Kịch bản tệ nhất là virus lây lan rộng ở vùng đô thị Seoul và tỉnh Gyeonggi xung quanh", giáo sư Kim nói. Gần một nửa trong số 51 triệu dân Hàn Quốc sống ở khu vực này.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In hôm 9/3 lưu ý đến "xu hướng giảm" số ca nhiễm mới tại đất nước nhưng cảnh báo: "Chúng ta hoàn toàn không nên tự mãn".
Kim Dong Hyun, chủ tịch Hội Dịch tễ học Hàn Quốc, cho biết khó để ngăn chặn virus Covid-19 lây lan trong cộng đồng vì việc virus có thể lây nhiễm trong giai đoạn người bệnh không có triệu chứng.
"Các quốc gia nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa quyết liệt, ngay cả ở giai đoạn đầu của đợt bùng phát virus", ông nói.
Thị trường 00:14 | 21/09/2021
Kinh doanh 23:48 | 23/07/2021
Kinh doanh 20:07 | 18/07/2021
Kinh doanh 18:43 | 18/07/2021
Quy hoạch 22:32 | 18/05/2021
Đấu giá - Đấu thầu 20:31 | 18/05/2021
Kinh doanh 15:26 | 18/05/2021
Kinh doanh 15:13 | 18/05/2021