Ai đang khủng hoảng khi con không 'ngoan' như trước nữa? |
Bố mẹ thời hiện đại dường như thiếu hẳn kỹ năng đồng hành cùng con để trở thành bố mẹ "tốt".
Bố mẹ chỉ biết "ép" hoặc "làm giúp" hoặc "mặc kệ/ bỏ mặc". Ví dụ "em phải ép con ăn cho bằng hết chị ạ, con em không ép không ăn", "em phải nhét ti vô miệng cho con chị ạ, để ti đầu mũi con em nhất định không tự tợp đâu ạ", "thế mẹ không giúp thì bỏ mặc cho gào khóc, cho đói hả chị."
Khuyên bố mẹ không ép, không giúp con chứ đâu có bảo bố mẹ bỏ mặc con đâu?
Không ép, không giúp, mà không bỏ mặc nghĩa là "đồng hành".
"Đồng hành" là "cùng đi", đúng không?
Vậy để bố mẹ và con cùng đi vui vẻ một hành trình dài thì cần có gì?
Lòng tin: bạn có tin con không?
Bạn có tin con vật sơ sinh nào cũng có bản năng sinh tồn không? Con vật nào cũng biết tìm vú mẹ để mút, cũng biết đói thì gào, no thì nhả ti không? Đau sẽ có cơ chế tự lành, buồn sẽ có cách tự an ủi không?
Bạn có tin con bạn là một cá thể độc đáo không? Con bạn có thể khác hẳn bạn, khác hẳn các đứa trẻ khác, khác hẳn anh chị em trong nhà, và đó là sự độc đáo của nó không?
Bạn có tin cái hạt sẽ nẩy mầm thành cây? Hạt gì sẽ thành cây nấy không?
Tôn trọng
Bạn có tôn trọng bản năng của con được không? Bạn có thể không can thiệp, không căng thẳng, không nôn nóng được không?
Bạn có tôn trọng được sự độc đáo của con để đừng bao giờ so sánh "mình ngày xưa", "chị nó/ anh nó", "con nhà người ta" được không?
Thậm chí đứa trẻ còn có thể độc đáo đến mức nó không giống chính nó của ngày hôm qua.
Bạn đã bao giờ nôn nóng giúp một cái mầm cây và làm gẫy cái lá mầm đầu tiên đó chưa?
Tôi đã từng "giúp" một cái mầm cây "thoát" khỏi vỏ hạt và làm gẫy lá mầm đầu tiên, trong khi những cái cây mà tôi "tôn trọng", không "giúp" đều đã thoát được vỏ hạt khi đến thời điểm của nó.
Bình đẳng
Tôn trọng mà hiểu không đúng lại thành "nuông chiều", "đội con trên đầu", "khóc thảm thiết là cho", “muốn gì được nấy!"
Tôn trọng bản năng, nhu cầu, sự khác biệt trong mối quan hệ bình đẳng.
Đây là điều các bố mẹ thấy khó hiểu, khó chấp nhận nhất. Con bé tẹo vậy, không biết gì vậy sao "ngang hàng" với bố mẹ được? Thế nhưng mọi người lại đều được sinh ra bình đẳng, bất kể tuổi tác địa vị. Việc hiểu ý nghĩa của bình đẳng căn bản này sẽ giúp bố mẹ tránh được bạo lực và áp đặt.
Giao tiếp
Khi bạn là người đồng hành cùng con thì việc giao tiếp cực kỳ quan trọng, trò chuyện với tinh thần song phương cởi mở là điều không thể thiếu.
Con chưa biết nói có trò chuyện được không, chưa dùng ngôn ngữ có đối thoại được không?
Được. Việc đối thoại diễn ra từ khi con còn trong bụng mẹ, mẹ lắng nghe con nấc, con đạp, con cù, con vặn người từ trong bụng mẹ và "đối thoại" với con bằng cái vuối ve, chào đáp, an ủi, động viên, giải thích.. đó là đồng hành. Con chưa biết nói, nhưng con đã biết nghe, nếu bạn đồng hành với một người câm, bạn có thể trò chuyện không? Nếu bạn đồng hành với một người điếc, bạn có thể trò chuyện không? Nếu bạn đồng hành với một người mù bạn có thể trò chuyện không? Hãy nghĩ đến mọi cách để sáng tạo và đối thoại.
Đối thoại có nghĩa là lắng nghe và tiếp nhận thông tin từ người kia để trao đổi, chứ không chỉ để nói ý của mình, làm kiểu mình, phải như mình. Áp đặt không phải là đối thoại. Nghe để thấu hiểu, nghe để thông cảm, nghe để trao đổi, nghe để tôn trọng... Nghe là phần chính trong cuộc trò chuyện.
Nếu bạn nghĩ rằng "con em đâu biết nói đâu mà trò chuyện" và bạn đợi đến khi con biết đối đáp bằng lời nói để trò chuyện, thì bạn cũng chưa chắc đã biết đối thoại với con như thế nào, vì bạn chưa thấu đạt ý nghĩa của trò chuyện.
Giúp đỡ
Người đồng hành giúp đỡ lẫn nhau để cùng đi đến đích. Đồng hành không có nghĩa là cõng người kia đi hết con đường, mà là để người kia tự đi bằng đôi chân của họ, vì điều đó mang lại cho họ sức mạnh, không chỉ cho đôi chân mà cho cả cơ thể từ thể chất đến tinh thần.
Giúp đỡ không chỉ là giúp vật chất, mà sự giúp đỡ tinh thần của người đồng hành là quan trọng nhất. Tin tưởng, động viên, khuyến khích.
Liệu bạn có đi đến đích được không nếu bạn có một người đồng hành nghi ngờ khả năng của bạn, nói những câu như: "liệu đủ sức đi nữa không? Coi chừng xỉu dọc đường nhé? Còn xa lắm đó, chắc đi không đến kịp đâu”?
Liệu hành trình của bạn có dễ hơn nếu bạn được nghe người đồng hành động viên: "chắc chắn sẽ được! không còn xa lắm! cứ đi sẽ đến! chân cứng đá mềm!..."
Con bạn cũng vậy thôi, nếu bạn giúp đúng cách, nếu bạn tin, thì hành trình của con bạn sẽ dễ "thành công" hơn rất nhiều.
Xác định đích đến
Khi bạn "đồng hành", ai là người xác định đích đến?
Con bạn có biết đích đến không? Bạn có chấp nhận nếu đích đến con chọn khác với đích mà bạn muốn không? Bạn dẫn đường hay bạn đi cạnh? Bạn mở đường phá hết chướng ngại vật sẵn cho con bạn đi, hay bạn lùi lại một chút chờ con tự phá chướng ngại vật?
Vai trò của người đồng hành sao trọn vẹn được nếu bạn nói: "Đi lối mẹ chọn, hoặc là mẹ sẽ bỏ mặc con tự đi?" hay bạn sẽ nói, "mẹ sẽ đồng hành cùng con mọi nẻo!"
Trước nguy hiểm
Sợ con bay nguy hiểm, nên cắt cánh của con?
Có ai làm vậy không? Có đó, chúng ta thường xuyên làm vậy. Sợ con đánh vỡ đồ thuỷ tinh nên la toáng lên để cái ly thuỷ tinh không vỡ, nhưng bên trong là sự tự tin của con đã bị đánh vỡ.
Có rất nhiều nguy hiểm bạn có thể giải thích cho con, có một số giới hạn bắt buộc bạn phải đặt ra một cách nghiêm khắc và tuân thủ nghiêm ngặt, mà muốn nghiêm khắc được đó phải là số ít rất ít "bị cấm".
Nghiêm khắc không có nghĩa là to tiếng, la mắng, đánh đập... mà "nhẹ nhàng nhưng cương quyết".
Hạnh phúc là hành trình không phải là đích đến
Người đồng hành phải hiểu điều này. Mỗi bước chân, mỗi khung cảnh, mỗi chướng ngại trên đường, mỗi nhận thức mới, mỗi kỹ năng mới... hãy tận hưởng và giúp con bình an cảm nhận và tận hưởng. Đích chính là ở đó, hạnh phúc chính là ở đó, chứ đừng nhắm mắt đua theo đám đông để mong sau này thành ông nọ bà kia.
Thời gian trôi qua nhanh lắm. Tuổi thơ con chẳng mấy chốc sẽ vụt qua đi mất. Hãy dành thời gian cho con thật nhiều để tận hưởng hạnh phúc của mỗi phút giây của hành trình làm bố mẹ.
(Ảnh: Annietaophotography)