Cải tạo tập thể cũ ở Thành Công: Từng có phương án được người dân chấp nhận nhưng phải dừng?

Theo một người dân từng 17 năm làm tổ trưởng tổ dân phố ở khu A tập thể Thành Công, đã có một phương án cải tạo khu A được nhiều người dân đồng thuận nhưng đã phải dừng lại trước khi dự án được duyệt.

Từng có một phương án được người dân chấp thuận 

Ông Phan Văn Giang (72 tuổi, nhân vật xin đổi tên) là người gắn bó với khu tập thể Thành Công từ những ngày đầu khu được xây dựng và có đến 17 năm làm tổ trưởng tổ dân phố ở khu A (có 7 toà từ A1 tới A6 và A6A), tập thể Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội).

Cải tạo tập thể cũ ở Thành Công: Từng có một phương án được người dân chấp nhận nhưng phải dừng  - Ảnh 1.

Khu A tập thể Thành Công có 7 tòa được đánh số từ A1 tới A6 và A6A. Đây là một trong những khu tập thể gần sát và nhìn ra hồ Thành Công. (Ảnh: Minh Anh).

Trong kí ức của ông Giang, có một công ty đã từng nhận được sự đồng thuận của người dân trong việc lên kế hoạch cải tạo khu A tập thể Thành Công.

"Năm 2010, một công ty gọi là Công ty 34 (Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng số 34 - PV) đã làm dự án cho cả khu A và đó là một dự án đã được trưng bày tỉ lệ 1/500 ngoài phường. Người dân khi đó rất đồng thuận. Tuy nhiên, năm đó, cơ quan chức năng có qui định mới về 4 quận nội thành không xây dựng quá 20 tầng nên dự án phải dừng lại", ông Giang cho hay.

Ông Giang nhớ lại: "Năm đó dân ủng hộ Công ty 34 vì lúc đó tôi làm tổ trưởng tổ dân phố, đi lấy ý kiến người dân ở 600 hộ dân nên tôi biết. Khi dự án chưa được duyệt thì có quyết định về qui hoạch số tầng được phép xây dựng. Nhưng xét đến thành công về việc dân đồng ý cao chỉ có hai vấn đề.

Cải tạo tập thể cũ ở Thành Công: Từng có một phương án được người dân chấp nhận nhưng phải dừng  - Ảnh 2.

Do vướng qui hoạch về số tầng nên phương án xây dựng ba toà nhà của Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng số 34 đã phải dừng lại. (Ảnh: Minh Anh).

Vấn đề thứ nhất là năng lực của công ty đứng ra xây dựng lại khu tập thể để đảm bảo tiến độ. Có những người ngoài 70 tuổi mà đi tạm cư thì biết đến bao giờ có nhà để về. Công ty 34 đã giải quyết được vấn đề là có chỗ để đưa người dân đến tạm cư và có hứa thời gian người dân có thể trở về. Thứ hai là hệ số trả để người dân chấp nhận được (2,5).

Ngày đó, Công ty 34 đưa ra phương án xây dựng ba toà nhà gồm: một toà 45 tầng ở giữa, hai tầng hai bên ôm chéo cánh gà nhìn ra hồ Thành Công cao 37 tầng. Hai toà nhà 37 tầng thì chủ đầu tư lấy 7 tầng ở dưới cùng, 30 tầng còn lại thì trả cho người dân (đủ cho 600 hộ dân). Còn toà 45 tầng thì chủ đầu tư có quyền quyết định".

Người dân khu A Thành Công không muốn tạm cư nơi khác vì "tấm gương" nhà C1?

Trao đổi với chúng tôi, chị Phạm Thị Thu H. (46 tuổi, nhà A6A, Khu Tập thể Thành Công) cho biết nhiều người dân ở Thành Công dứt khoát không dời khỏi Thành Công và muốn tái định cư tại chỗ. Người dân ở Thành Công sợ tạm cư ở nơi khác rồi thì không biết bao giờ mới quay trở lại khu mình từng ở nữa. 

"Vì thế như nhà G6, hai đơn nguyên của toà này đã nứt ra nhưng người dân nhất quyết không chuyển. Kể cả người dân ở rất chật cũng không đồng ý đi vì người ta sợ khi cho người dân tạm cư ở nơi khác thì không biết đến bao giờ mới quay trở lại nữa. 

Cải tạo tập thể cũ ở Thành Công: Từng có một phương án được người dân chấp nhận nhưng phải dừng  - Ảnh 3.

Nhà C1 của khu tập thể Thành Công sau nhiều năm vẫn chưa hoàn thành. (Ảnh: Minh Anh).

Như nhà C1 của khu tập thể Thành Công, hơn 10 năm nay, người dân vẫn chưa trở về. Toà nhà này làm ảnh hưởng tới lòng tin của người dân. Có những người mất rồi mà đến nay người dân vẫn chưa trở về", chị H. chia sẻ.

Chị H. cho biết thêm: "Nhà tôi gắn liền với Thành Công khoảng 40 năm nay rồi. Với những người như thế hệ bố mẹ chồng tôi, những người từng làm ở xí nghiệp xây dựng chính khu Thành Công này chắc sẽ không muốn tạm cư tại nơi khác. Chúng tôi còn trẻ thì còn có thể chấp nhận tạm cư ở nơi khác. 

Bởi ở Thành Công quá tiện lợi nên nhiều người dân không muốn chuyển đi. Trong một phường có hai trường mầm non, hai trườn tiểu học và một trường THCS, đạt chuẩn quốc gia. Người dân không muốn rời đi cũng bởi họ muốn con họ được học trường chuẩn quốc gia. Nhiều người chuyển đi rồi nhưng hộ khẩu vẫn ở đó".

Cải tạo tập thể cũ ở Thành Công: Từng có một phương án được người dân chấp nhận nhưng phải dừng  - Ảnh 4.

Hồ Thành Công là một trong những điểm nhấn tiện ích của khu tập thể Thành Công. (Ảnh: Minh Anh).

Chị H. cũng không quên nhắc đến trường hợp cải tập khu tập thể D2 Giảng Võ như một hình mẫu đáng mơ ước của bà con ở tập thể Thành Công.

"Phương án như D2 Giảng Võ cũng là một phương án hay, xây dựng trong thời gian ngắn. Người dân cũng chỉ mong được như vậy thôi, nhân với hệ số đền bù khoảng 2.0 - 2.2 thì người dân chắc sẽ đồng ý", chị H. cho hay.

Cải tạo tập thể cũ ở Thành Công: Từng có một phương án được người dân chấp nhận nhưng phải dừng  - Ảnh 5.

Phương án xây dựng như nhà D2 Giảng Võ được người dân ghi nhận như một phương án hay trong việc cải tạo khu tập thể cũ. (Ảnh: Minh Anh).

Nói về việc người dân ở khu tập thể Thành Công chỉ muốn tạm cư tại chỗ như chị H. nói, ông Giang lại cho hay việc nhiều người dân không muốn tạm cư xa khu Thành Công thì cũng có một phần tâm lí đó chứ không phải hoàn toàn là từ hiệu ứng của khu tập thể C1. 

Theo ông Giang, khu tập thể C1 cho đến giờ người dân vẫn chưa thể vào ở bởi do mâu thuẫn về hệ số bồi thường giữa người dân và chủ đầu tư. Và ông Giang cho rằng câu chuyện về thoả thuận hệ số đền bù chắc chắn cũng sẽ là một vấn đề cần được quan tâm hàng đầu khi bất cứ một chủ đầu tư nào đó có ý định đầu tư, xây dựng và cải tạo các khu tập thể cũ ở HN. 

Tòa nhà tập thể C1 Thành Công sau nhiều năm xây dựng vẫn chưa hoàn thành. (Video: Minh Anh).

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.