Cám cảnh anh trai kể tội em ruột giữa công đường

Ông B đáp lại phần giải thích của tòa: “Không ai phủ nhận ý nghĩa nhân văn trong giáo dục con người. Nhưng đôi khi nhân văn quá dễ dẫn tới phản tác dụng”...

TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm theo đơn kháng cáo của bị cáo Nguyễn Tiến Bẩm (SN 1966, trú ở xã Phương Tú, Ứng Hòa, Hà Nội) về tội “Cố ý gây thương tích”, theo Điều 104 BLHS.

Bị hại trong vụ án là ông Nguyễn Tiến B (SN 1961 – anh ruột bị cáo, trú cùng huyện Ứng Hòa)

Vụ án “Nồi da nấu thịt”

Theo cáo trạng truy tố, ông B vốn là anh ruột của bị cáo Bẩm và là thầy giáo của một trường THPT trên địa bàn huyện Ứng Hòa, còn Bẩm thì là một nhân viên làm việc trong một ngôi trường tiểu học tại địa phương.

Tại tòa, ông B kể lại, vào chiều ngày 26/11/2015, khi ông đang đứng nói chuyện với người thợ mộc và người chị dâu ở xưởng gỗ của gia đình thì Bẩm đi xe máy tới.

Do có sự mâu thuẫn từ trước nên khi thấy Bẩm đi thẳng vào ngôi nhà chung mà bố mẹ để lại ông B đã vội chạy tới nhắc nhở: “Đây là nhà đang tranh chấp, chú không được vào”.

Trả lời anh trai, Bẩm sẵng giọng nói hỗn rồi nhấc tấm gỗ chắn ở lối đi từ xưởng mộc của ông B sang ngôi nhà chung. Tuy nhiên, do đó là tấm gỗ của xưởng gỗ của gia đình nên ông B liền lao tới giằng co khiến hai anh em xảy ra xô xát.

Sau đó, Bẩm rút con dao nhọn trong túi quần ra đâm liên tiếp vào mặt và người ông B tới khi lưỡi dao bị cong gập lại và người thợ mộc của gia đình ông B giằng được hung khí vứt đi Bẩm thì mới chịu dừng lại.

Ông B nhanh chóng được người dân đưa đi cấp cứu và bị tổn hại 7% sức khỏe còn người em trai thì bị TAND huyện Ứng Hòa tuyên phạt 6 tháng tù giam.

Sau đó, Bẩm làm đơn kháng cáo xin được hưởng án treo.

thay giao to em trai gay sat thuong xin hdxx giu nguyen an tu
Bị cáo Bẩm tại tòa (Ảnh: NA)

HĐXX giữ nguyên mức án

Phiên tòa phúc thẩm được mở, góp mặt ở phiên tòa lần này còn một số người là thân thích của cả bị cáo lẫn bị hại. Dù tất thảy những người này đều rất “kín tiếng” nhưng không khó để nhận ra, giữa bị cáo và ông B đang có một bức tường vô hình ngăn cách. Trong tư cách pháp định, họ buộc phải ra hầu tòa với những tâm thế và tâm trạng trái ngược nhau.

Diễn biến vụ án đơn giản chỉ là vậy nhưng khi tận tai nghe rõ từng lời tố cáo của ông B về đứa em trai mới thấy trong vụ án này còn có rất nhiều điều mà không dễ gì đem ra phán xét ở đây.

Theo hồ sơ vụ án, trước khi sự việc xảy ra, ông B với em trai vốn xảy ra xô xát vào dịp cả gia đình họp bàn về chuyện cải táng phần mộ của mẹ. Nhưng trên thực tế thì do mâu thuẫn chuyện đất cát, nhà cửa do cha mẹ ông để lại.

Cụ thể, năm 2004, ngày mẹ ông B còn sống, ông chính là người bỏ tiền ra xây dựng ngôi nhà 3 tầng thay thế ngôi nhà cấp 4 dột nát cho mẹ và đồng thời cũng là để vợ chồng, con cái ông có chỗ nghỉ ngơi mỗi khi về thăm nhà. Năm 2011, mẹ ông mất nhưng không để lại di chúc. Từ đó trở đi, Bẩm cứ giữ khư khư chìa khóa nhà chung với ý đồ chiếm dụng khiến anh em thường xảy ra bất hòa.

Tại tòa, ông B tố cáo thêm, trước đó Bẩm còn gây thương tích cho người chị dâu cùng đứa cháu trai (con trai người anh cả) và đã bị xử lý hành chính. Còn ông đã từng bị Bẩm kéo lê trên mặt đất tới cả chục mét trong một lần cãi vã, xô xát nhau. Còn có một lần ông B bị Bẩm ném chiếc chén uống nước vào mặt, khi thì lại bị bị cáo dùng chai xăng phóng hỏa bất thành.

“Chú ấy rất côn đồ. Tôi đề nghị cấp tòa phúc thẩm giữ nguyên hình phạt tù giam đối với Bẩm” – ông B trình bày tại tòa.

Sau đó, HĐXX cho biết, ông B cần suy nghĩ thật kỹ bởi ý chí của ông sẽ là căn cứ quyết định khiến bị cáo phải ngồi tù hay được hưởng án treo. Phân tích về mối quan hệ nhân thân, chủ tọa cho rằng: “Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”. Hơn nữa, giữa ông và bị cáo còn là “máu mủ ruột già” với nhau.

Nghe tòa giải thích, ông B tỏ rõ là người rất thấu hiểu sự tình cũng như hệ quả tiếp theo. Thế nhưng “chốt lại” vụ án, bị hại một lần nữa bày tỏ thái độ bị cáo phải vào tù. Ông B đáp lại phần giải thích của tòa: “Không ai phủ nhận ý nghĩa nhân văn trong giáo dục con người. Nhưng đôi khi nhân văn quá dễ dẫn tới phản tác dụng”.

Từ đó, HĐXX đã quyết định bác kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên mức án 6 tháng tù giam như cấp sơ thẩm đã tuyên.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.