ASEAN và Trung Quốc ký Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện tháng 11/2002. Trên cơ sở Hiệp định khung, hai bên tiếp tục đàm phán và ký kết các Hiệp định về Thương mại Hàng hóa (có hiệu lực từ tháng 7/2005), Hiệp định về Thương mại Dịch vụ (có hiệu lực từ tháng 7/2007), Hiệp định về Đầu tư (có hiệu lực từ tháng 2/2010) nhằm thiết lập Khu vực thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA).
Năm 2015, các nước ASEAN cùng với Trung Quốc đã nhất trí nâng cấp nhiều nội dung của các Hiệp định ACFTA để tiếp tục tự do hóa, đồng thời tạo điều kiện để gia tăng lợi ích từ ACFTA.
Về thương mại hàng hóa, ACFTA bản nâng cấp không thay đổi gì về Biểu cam kết ưu đãi thuế quan (tức là vẫn giữ nguyên mức cam kết loại bỏ thuế), nhưng có thêm dự kiến về kế hoạch đàm phán loại bỏ thuế tiếp theo và bổ sung thêm nhiều cam kết mới về hải quan và tạo thuận lợi thương mại, qui tắc xuất xứ.
Phần quan trọng nhất trong ACFTA bản nâng cấp về thương mại hàng hóa là những cam kết mới thay thế các cam kết trước đây về qui tắc xuất xứ (ROO) trong ACFTA.
Tuy nhiên, hiện ngoài các nguyên tắc chung đã thống nhất nêu trong Văn kiện ACFTA bản nâng cấp, các vấn đề chi tiết về ROO vẫn đang tiếp tục được các nước ASEAN và Trung Quốc thảo luận, chỉnh lý để có thể có bản cuối cùng.
Thông tin từ cơ quan đàm phán cho biết cơ bản việc sửa đổi ROO trong ASEAN sẽ hướng tới giải quyết những bất cập lớn nhất về qui tắc xuất xứ vốn là nguyên nhân gây cản trở việc cấp chứng nhận xuất xứ mẫu AC, ví dụ: linh hoạt hơn về tiêu chí (thay vì chỉ áp dụng cứng một tiêu chí RVC 40% trước đây), bổ sung qui định về tỉ lệ vi phạm tối thiểu, về C/O giáp lưng (back-to-back C/O) hay cho phép các trường hợp hóa đơn do bên thứ ba cấp…
Các nội dung về thuế quan được trình bày trong Cẩm nang là theo ACFTA bản nâng cấp, về ROO là theo ACFTA bản cũ (với một số điểm cập nhật về xu hướng ROO trong bản nâng cấp mà hiện đang trong quá trình đàm phán).
Theo Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc giai đoạn 2018 - 2022 kèm theo Nghị định số 153/2017/NĐ-CP, đa phần dòng thuế đối với ngành giày dép đã về 0%, chỉ trừ một số dòng sản phẩm bộ phận của giày dép.
Chi tiết Biểu thuế nhập khẩu của Việt Nam thực hiện ACFTA giai đoạn 2018 – 2022
Theo cam kết, Trung Quốc đã cắt giảm tất cả các dòng thuế đối với mặt hàng giày dép về 0%.
Chi tiết Lộ trình cắt giảm thuế của Trung Quốc áp dụng với mặt hàng giày dép theo ACFTA