Để được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định này, hàng hóa phải đáp ứng được các qui tắc xuất xứ của Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN – Trung Quốc (ACFTA).
Cụ thể, hàng hóa sẽ được coi là có xuất xứ tại một bên (Việt Nam hoặc Trung Quốc) nếu:
Trường hợp 1: Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một bên (hàng có xuất xứ thuần túy); hoặc
Trường hợp 2: Không có xuất xứ thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một bên (hàng hóa có xuất xứ không thuần túy) nhưng đáp ứng những yêu cầu được qui định trong Hiệp định về hàng hóa có xuất xứ không thuần túy.
Đối với trường hợp 2, Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy trong Hiệp định được xác định dựa trên các tiêu chí:
- Có không dưới 40% hàm lượng giá trị có xuất xứ từ bất kỳ Bên nào; hoặc
- Nếu tổng giá trị của các nguyên vật liệu, một phần hoặc cả sản phẩm có xuất xứ từ bên ngoài lãnh thổ của một Bên (không phải là thành viên của ACFTA) không vượt quá 60% giá trị của sản phẩm tính theo giá FOB được sản xuất hoặc thu được, với điều kiện công đoạn sản xuất cuối cùng được thực hiện trong phạm vi lãnh thổ của Bên đó.
Công thức tính 40% hàm lượng giá trị ACFTA như sau:
(Trị giá của nguyên vật liệu không có xuất xứ ACFTA Giá trị của các nguyên vật liệu không rõ xuất xứ) / Giá FOB x 100% ≤ 60%
Do đó, hàm lượng ACFTA = 100% - nguyên vật liệu không có xuất xứ ACFTA = ít nhất 40%
Giá trị của các nguyên vật liệu không có xuất xứ sẽ là (i) Giá CIF tại thời điểm nhập khẩu của các nguyên vật liệu, hoặc (ii) Giá tại thời điểm mua sớm nhất của sản phẩm chưa xác định được xuất xứ trong lãnh thổ của nước thành viên nơi thực hiện các công đoạn gia công hoặc chế biến.
Như vậy, khác với nhiều FTA khác, qui tắc xuất xứ của ACFTA đối với hàng hóa có một phần nguyên liệu không xuất xứ (trường hợp 3) rất chặt, chỉ cho phép duy nhất tiêu chí RVC mà không cho phép lựa chọn giữa RVC và chuyển đổi mã số HS hàng hóa - CTC (trừ qui tắc xuất xứ cụ thể mặt hàng (PSR) cho phép một số trường hợp sử dụng tiêu chí chuyển đổi mã HS), Điều kiện xuất xứ chặt này được cho là một trong những lý do khiến tỷ lệ tận dụng ACFTA thấp.
Trong đàm phán ACFTA phiên bản nâng cấp về qui tắc xuất xứ (hiện chưa hoàn tất đàm phán), điền kiện chặt này được cho là sẽ được cải thiện theo hướng bố sung thêm tiêu chí chuyển đổi HS bên cạnh tiêu chí RVC để doanh nghiệp có thể lựa chọn linh hoạt hơn.
Hiệp định có qui định về qui tắc xuất xứ riêng cho một số nhóm mặt hàng. Tuy nhiên, theo Phụ lục 1 Thông tư số 36/2010/TT-BCT của Bộ Công Thương, mặt hàng rau quả không có qui định về qui tắc cụ thể mặt hàng. Như vậy, qui tắc xuất xứ áp dụng cho mặt hàng rau quả trong ACFTA sẽ áp dụng theo qui tắc xuất xứ chung.
Qui tắc Tỷ lệ tối thiểu (De Minimis)
Hiệp định có qui định về Tỷ lệ tối thiểu (De Minimis) 10%, theo đó cho phép lô hàng rau quả không đáp ứng được tiêu chí CTC vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan nếu trị giá của nguyên liệu không có xuất xứ được sử dụng để sản xuất ra hàng hóa không đạt tiêu chí CTC không được vượt quá 10% tổng trị giá hàng hóa.
Qui tắc cộng gộp
Các sản phẩm đáp ứng các yêu cầu xuất xứ theo hàm lượng ACFTA và được sử dụng tại một bên như là đầu vào của một sản phẩm hoàn chỉnh đủ điều kiện được hưởng ưu đãi theo Hiệp định được coi là các sản phẩm xuất xứ tại Bên gia công, chế biến sản phẩm cuối cùng miễn là tổng hàm lượng ACFTA (được áp dụng đối với tất cả bên) của sản phẩm cuối cùng không nhỏ hơn 40%.
Sản phẩm thỏa mãn quy tắc xuất xứ quy định trong Hiệp định sẽ được coi là trải qua chuyển đổi cơ bản và sẽ được coi là có xuất xứ của Bên diễn ra quá trình chuyển đổi cơ bản đó.
Trường hợp một sản phẩm có sự tham gia sản xuất của từ hai Bên trở lên thì sản phẩm đó sẽ có xuất xứ của Bên diễn ra qui trình chuyển đổi cơ bản cuối cùng.