Cầu Thăng Long khánh thành vào năm 1985, đến nay, lớp bê tông nhựa mặt cầu đã bị xô dồn, nứt ngang mặt do độ dính bám giữa bê tông nhựa mới và bản thép phía dưới không đạt yêu cầu.
Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, diện tích mặt cầu phải sửa chữa những năm qua khoảng trên 10.500 m2, tương đương khoảng 40% diện tích mặt cầu. Tình trạng này đã diễn ra trong thời gian dài, nhưng ngành GTVT vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để sửa chữa dứt điểm.
Để giải quyết tình trạng này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã lên kế hoạch thực hiện tu sửa mặt cầu. Theo đó, đơn vị này vừa phát hành hồ sơ mời thầu qua mạng để lựa chọn nhà thầu sửa chữa. Theo kế hoạch trong tháng 7, dự án sẽ bắt đầu được triển khai thi công sửa chữa và hoàn thành vào quý IV năm nay.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, dự kiến kinh phí cho việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long lần này sẽ hết khoảng 270 tỉ đồng.
Trước đó Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có đề xuất Bộ Giao thông - Vận tải cho phép đầu tư dự án lắp đặt hệ thống cân kiểm tra tải trọng xe cố định, tự động để kiểm soát xe quá tải qua cầu Thăng Long. Sẽ có 4 bộ cân được lắp đặt, mỗi chiều đường lắp đặt 2 bộ để kiểm soát 100% xe chở quá tải qua cầu Thăng Long.
Tốc độ xe qua cân được thiết kế nhỏ hơn 80km/h. Thông qua kết quả cân, lực lượng chức năng sẽ căn cứ để xử phạt “nguội” vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và Nghị định số 100/2019 của Chính phủ qui định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.