Báo Chính phủ dẫn phát biểu của Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Văn Thắng cho biết để gỡ những "nút thắt" giao thông ảnh hưởng đến sự phát triển và năng lực cạnh tranh của vùng Đông Nam Bộ, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu hiện nay là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng gắn với các vùng lân cận và cảng biển, sân bay thông qua các tuyến đường bộ cao tốc.
Phấn đấu nâng tổng số km đường bộ cao tốc vùng Đông Nam Bộ là 772 km trong giai đoạn 2021 - 2030, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng khoảng 413.000 tỷ đồng.
Trong đó, giai đoạn 2021 - 2026 sẽ tập trung đầu tư hoàn thành các tuyến đường bộ cao tốc quan trọng có tính chất liên vùng và kết nối với sân bay Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải. Tổng nhu cầu vốn khoảng 167.746 tỷ đồng.
Giai đoạn còn lại sẽ phấn đấu hoàn thành đầu tư xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc, vành đai trong vùng theo quy hoạch được duyệt, cụ thể là đường Vành đai 4 TP HCM và các tuyến cao tốc. Tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn này khoảng 250.165 tỷ đồng.
Hiện, vùng Đông Nam Bộ có đầy đủ 5 phương thức vận tải bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không. Song, dự báo trong giai đoạn đến năm 2030 cho thấy vùng có nhu cầu vận tải vượt xa so với năng lực đáp ứng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.
Giao thông vùng vẫn còn nhiều hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Vùng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối liên Vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ.
Các quốc lộ chính yếu (QL1, QL13, QL51, QL22, QL14) có nhiều đoạn đã mãn tải, trong khi hệ thống cao tốc liên vùng, hướng tâm, vành đai, các tuyến nối cảng biển, cảng hàng không và các cửa khẩu quốc tế là trục xương sống của hệ thống đường bộ đang triển khai chậm, mới đưa vào khai thác 95 km/911 km cao tốc theo quy hoạch.