Căn hộ tại KĐT Thanh Hà dao động 15 - 25 triệu/m2, giá 'mềm' nhưng không dễ giao dịch

KĐT Thanh Hà giai đoạn năm 2016 được mở bán với giá 8,5 triệu/m2, là một trong những dự án NOXH rẻ nhất ở Hà Nội. Hiện nay, các căn hộ tại Thanh Hà đang được rao bán khoảng 1,2 - 1,9 tỷ đồng/căn, tuy nhiên những '"vết gợn" pháp lý của Tập đoàn Mường Thanh khiến các căn hộ ở trong tình trạng khó sang nhượng.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10 mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, sau sự cố cư dân thiếu nước sạch sinh hoạt, hiện nay, việc cấp nước đã dần ổn định và tích nước tại các bể ngầm, bể mái của Khu đô thị Thanh Hà.

Đến ngày 26/10, lưu lượng nước của nguồn sông Đà cấp về khu đô thị tiếp tục duy trì 5.700 m3/ngày đêm và giảm xuống 3.800 m3/ngày đêm do các tích trữ trong bể mái, bể ngầm của các khu đô thị đã đầy nước. Được biết, khu đô thị này có quy mô dân số khoảng 26.500 người, lượng nước sử dụng khoảng 3.500 m3/ngày đêm.   

Từng là dự án NOXH có giá rẻ bậc nhất Thủ đô

Một góc KĐT Thanh Hà (Ảnh: Hạ Vũ). 

Khu đô thị Thanh Hà, hay còn gọi là Thanh Hà Cienco 5, nằm trên địa phận quận Hà Đông và huyện Thanh Oai. Theo điều chỉnh quy hoạch năm 2015, KĐT có tổng diện tích hơn 416 ha. Quy mô hiện nay bao gồm 26 tòa chung cư cùng nhiều khu nhà ở liền kề, thấp tầng và các hạng mục khác.

Năm 2008, dự án được khởi công và từng là điểm nóng trên thị trường bất động sản Thủ đô, tuy nhiên sau nhiều năm vẫn chưa hoàn thành. Đến năm 2016, Tập đoàn Mường Thanh đã chi 3.500 tỷ đồng để mua lại dự án này từ CTCP Địa ốc Cienco 5 Land.

Giai đoạn đó, doanh nghiệp của ông Lê Thanh Thản tập trung mạnh vào phân khúc khách hàng là người lao động thu nhập thấp, cho ra đời loạt dự án chung cư giá rẻ như tổ hợp 12 tòa nhà HH Linh Đàm, Kim Văn Kim Lũ, chung cư Đại Thanh, chung cư Xa La,... và KĐT Thanh Hà cũng là một trong số đó.

Thời điểm mở bán, giá những căn chung cư tại KĐT Thanh Hà được chủ đầu tư rao bán với giá dưới 10 triệu đồng/m2, được giới thiệu là mức rẻ nhất tại Hà Nội lúc bấy giờ. Diện tích mỗi căn hộ khoảng 64,25 - 106,23 m2. Như vậy, với số tiền chưa đến 1 tỷ đồng, nhiều người dân khi đó đã có thể an cư ở Thủ đô.

Một góc KĐT Thanh Hà (Ảnh: Di Anh).

Chia sẻ với người viết, anh Đ., một cư dân Thanh Hà cho biết, khoảng 6 - 7 năm trước, giá chung cư ở đây rất rẻ, chỉ khoảng 8,5 triệu đồng/m2. Trừ những căn ở tầng 1 thì có khoảng 500 - 700 triệu trong tay là có thể mua được nhà ở đây. Sở dĩ những căn hộ ở tầng 1 có giá thành đắt đỏ hơn các căn ở tầng trên là do có lợi thế khai thác kinh doanh, buôn bán.

Là một trong những cư dân đầu tiên chuyển đến KĐT Thanh Hà sinh sống và làm ăn, bà T., một chủ hộ kinh doanh tại tầng 1, tòa nhà HH01C chia sẻ, ban đầu bà thuê mặt bằng rộng 40 m2 để mở hàng ăn với giá thuê 9 triệu đồng/tháng. Đến đầu năm 2019, vợ chồng bà quyết định mua đứt lại căn hộ từ người chủ cũ để làm ăn lâu dài với giá 1,2 tỷ đồng, tức 30 triệu/m2.

"Thời điểm đó, các căn hộ ở tầng 1 thường được chủ nhà rao bán với giá 1 - 1,5 tỷ đồng/căn. Riêng những căn nằm ở vị trí góc, có 2 mặt tiền kinh doanh thì đắt hơn, khoảng 1,6 - 1,8 tỷ đồng/căn.

Vị trí cửa hàng nhà tôi bị khuất, nằm sâu bên trong KĐT, xe cộ khó ra vào nên việc kinh doanh có phần kém hơn so với các hộ kinh doanh hàng ăn ngoài mặt đường, khách mua chủ yếu là cư dân các tòa lân cận. Đổi lại thì ở trong này an ninh đảm bảo và yên tĩnh hơn các căn gần mặt đường. Căn nhà tôi vừa để bán hàng, vừa để ở nên cuộc sống khá thoải mái”, bà T. nói.

Người dân nói gì về sự cố mất nước?

Trở lại với sự cố mất nước mới đây, theo ghi nhận của người viết, tính đến đầu tháng 11, việc cấp nước sinh hoạt đã diễn ra trở lại bình thường, song một số người dân vẫn tiếp tục chứa nước trong nhà để đề phòng bị mất nước bất chợt.

Một số người dân cho biết, Ban quản lý tòa nhà đã thông báo cho các hộ dân ngày 8/11 sẽ tiếp tục cắt nước để kiểm tra hệ thống phòng cháy, chữa cháy, tuy nhiên sẽ tiến hành cắt thay phiên các tòa, người dân có thể xin nước của nhau để sử dụng.

Nước đã được cấp lại, song việc đảm bảo chất lượng nước chưa được giải quyết triệt để. Nhiều người dân vẫn lo ngại nước có thể nhiễm khuẩn, không đảm bảo sức khỏe nên nhiều người hàng ngày vẫn sử dụng nước uống đóng bình để sinh hoạt.

"Vấn đề về chất lượng nguồn nước khiến cửa hàng tôi giảm khoảng 50% lượng khách, cư dân lo ngại chất lượng nguồn nước nên cũng hạn chế ăn hàng quán trong dự án. Trước đó, nhiều người đã phản ánh gặp phải các vấn đề về sức khỏe, da liễu khi sử dụng nước vòi để sinh hoạt. Có người đã tự bỏ chi phí để tiến hành test chất lượng nước liên tục. 

Trong đợt mất nước mới đây, các hộ đều đồng loạt treo băng rôn ở ban công nhằm kêu gọi được cấp nước sạch để sử dụng và phản đối tình trạng mất nước kéo dài. Có hộ gia đình đã tính đến chuyện bán nhà để chuyển đi nơi khác sinh sống”, bà T. cho hay. 

Tuy nhiên, bà T. cho biết, trong 6 năm sinh sống tại KĐT Thanh Hà, bà mới chứng kiến 2 lần xảy ra tình trạng mất nước kéo dài. So với lần mất nước cách đây 5 - 6 năm (mất nước luân phiên các tòa nhà) thì lần này sự cố mất nước nghiêm trọng hơn (mất nước đồng loạt).  

Theo anh Đ., anh sống ở KĐT Thanh Hà đã vài năm thì chỉ có lần thiếu nước sạch này là cư dân phản ứng căng thẳng nhất, còn lại tình trạng nguồn nước vẫn được đảm bảo ổn định. Anh Đ. tỏ ra lạc quan rằng vấn đề nước sạch của KĐT sẽ sớm được giải quyết ổn thỏa hơn.

Trên thực tế, vào năm 2018, KĐT Thanh Hà từng nằm trong danh sách những dự án nhà ở xã hội chất lượng do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam bình chọn.  

Cư dân KĐT Thanh Hà treo băng kêu gọi được cấp nước sạch và phản đối tình trạng mất nước kéo dài (Ảnh: Di Anh).

Vẫn còn nhiều "vết gợn" pháp lý

Khảo sát trên một số trang mua bán bất động sản trực tuyến, phổ giá chung cư tại KĐT Thanh Hà chủ yếu dao động 15 - 25 triệu đồng/m2, tức 1,2 - 1,9 tỷ đồng/căn có diện tích 66 - 80 m2. So với thời điểm mở bán năm 2016, giá căn hộ tại đây đã tăng khoảng 7 - 17 triệu đồng/m2.

Nhìn chung, giá chung cư tại Thanh Hà vẫn ở mức thấp so với mặt bằng chung trên thị trường. Báo cáo về thị trường nhà ở của Bộ Xây dựng cho biết, tính đến quý III, giá bán trung bình của các căn hộ mở bán mới tại Hà Nội đạt khoảng 50,8 triệu đồng/m2, giá bán trung bình thứ cấp khoảng 32 triệu đồng/m2.

Mặc dù giá thấp hơn mặt bằng chung, song do các vấn đề về giấy tờ, pháp lý mà việc mua bán bất động sản ở đây tương đối ảm đạm. 

Đơn cử như căn hộ đang kinh doanh hàng ăn ở tầng 1 tòa HH01C của bà T., theo giá thị trường, căn hộ có thể rao bán ở mức 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, chủ nhân căn hộ cho biết chưa thể bán được dù từng có nhiều người hỏi mua. 

Lý do là bởi thời gian qua, các thông tin liên quan đến vụ việc ông Lê Thanh Thản bị cáo buộc xây dựng sai quy hoạch được phê duyệt, bán căn hộ khi không được công nhận quyền sử dụng đất đã ảnh hưởng phần nào đến tâm lý người muốn mua nhà tại KĐT Thanh Hà. Do vướng mắc giấy tờ mà bà Thanh cũng không thể làm thủ tục sang tên đổi chủ cho người khác nếu họ mua lại căn hộ.

Theo kết luận điều tra của Công an TP Hà Nội hồi tháng 4/2021, nhiều dự án bất động sản trên cả nước của Tập đoàn Mường Thanh đã vướng sai phạm. Trong đó, KĐT Thanh Hà vướng sai phạm xây thêm diện tích tại tầng áp mái của 9 tòa chung cư thuộc các ô đất B1.4 - HH01 và B1.4 - HH02.

chọn
'Đất huyện ven trúng đấu giá gấp nhiều lần khởi điểm là đúng thực tế'
Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường cho rằng các địa phương đã kiểm soát chặt công tác đấu giá nhưng thời điểm giao thoa giữa luật cũ và mới phần nào khiến giá trúng tăng cao.