Tại kỳ họp thứ II, khóa XVI ngày 17/10, HĐND TP Hà Nội đã thống nhất chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường vành đai 4 – vùng Thủ đô, với ba dự án thành phần.
Tuyến có tổng chiều dài khoảng 111,2 km; đi qua địa phận Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Ngoài ra còn có hai tỉnh khác có kết nối gần, trực tiếp hưởng lợi từ dự án là Bắc Giang, Vĩnh Phúc.
Mặt cắt ngang tuyến rộng 120 m, gồm 6 làn xe cao tốc có đường song hành hai bên. Đường vành đai 4 sẽ vượt qua ba con sông là sông Hồng, sông Đuống và sông Cầu.
Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 94.127 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách Trung ương (31.904 tỷ đồng), ngân sách địa phương (33.583 tỷ đồng), vốn của nhà đầu tư và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
Thời gian làm đường vành đai 4 dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2028; trong đó năm 2021 - 2022 chuẩn bị công tác lập hồ sơ đầu tư dự án,năm 2022 - 2025 thực hiện GPMB, 2022 - 2026 thi công đường gom đô thị đi bằng, từ 2022 đến 2028 thi công đường cao tốc trên cao.
Tại Hà Nội, đường vành đai 4 dài 58,2 km; đi qua 6 quận huyện, bao gồm Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín.
Đây là tuyến đường quan trọng, giao cắt với nhiều tuyến đường hướng tâm theo quy hoạch của TP Hà Nội như Đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 32, đường Trục Hồ Tây – Ba Vì, Tây Thăng Long,...
Vì vậy, vành đai 4 được kỳ vọng là "lối thoát chiến lược" cho những tình huống ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển cho thành phố, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, phát triển kinh tế đô thị và nông thôn.
Đồng thời, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường và tăng khả năng kết nối giữa các quận, huyện của Hà Nội; các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Việc thống nhất chủ trương đầu tư và xác định trong giai đoạn tiếp theo, Hà Nội dồn lực đầu tư cho đường vành đai 4 đoạn qua địa bàn thành phố - vốn được coi là một trong những động lực cho sự phát triển kinh tế thủ đô trong 5 năm tới.
Chỉ tính riêng tại Hà Nội, vành đai 4 đã đi qua gần trăm dự án quy mô từ vài chục đến hàng trăm ha tại 6 quận, huyện.
"Siêu dự án" bắt đầu tại Km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai thuộc xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Từ đây, tuyến đi theo hướng tây nam và qua địa phận huyện Mê Linh. Theo quy hoạch, vành đai 4 qua huyện Mê Linh có chiều dài khoảng 8,7 km tính từ đường đê tả sông Hồng.
Tuyến đi qua xã Thanh Lâm, Đại Thịnh, cắt đường 23 ở gần chùa Nội Đồng và đi qua ngay sát bên hông của Khu đô thị Thanh Lâm Đại Thịnh II (tên thương mại là HUD Mê Linh Central). Nhìn từ bản đồ quy hoạch, khu đô thị này nằm phía đông của vành đai 4. Từ HUD Mê Linh, vành đai 4 tiếp tục cắt tuyến đường DT35 đi UBND xã Thanh Lâm.
Đây là dự án do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị HUD rót vốn với tổng mức đầu tư 810 tỷ đồng. Quy mô khoảng 55 ha, gồm khu chung cư, khu biệt thự nhà vườn, khu nhà ở xã hội.
Một dự án gần đó giáp mặt đường Mê Linh và cách Vành đai 4 khoảng hai km về phía đông là Khu đô thị Hana Garden City Mê Linh (CEO Mê Linh).
Quy mô 20,3 ha gồm 40 căn biệt thự và 528 căn liền kề và khu nhà ở xã hội. Dự án do CEO Group là chủ đầu tư với tổng mức vốn khoảng 1.400 tỷ đồng.
Tại xã Tiền Phong, cách vành đai 4 khoảng 4 - 5 km về phía đông là loạt dự án như KĐT Hà Phong (41,8 ha; CTCP Hà Phong làm chủ đầu tư); KĐT Cienco 5 Mê Linh (73 ha; Công ty Xây dựng Công trình 547 – Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 làm chủ đầu tư); KĐT Tiền Phong (40 ha), và Rose Valley Mê Linh (75,4 ha; do Dragon Village làm chủ đầu tư).
KĐT Hà Phong (bìa phải) và Rose Valley Mê Linh gần với Cienco 5. (Ảnh: Hạ Vũ).
Các dự án trên được giao đất triển khai từ giai đoạn 2004 - 2008; tuy nhiên đến nay vẫn chưa triển khai, hoặc triển khai một phần; hiện đang xin điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Điểm kết thúc vành đai 4 qua huyện Mê Linh là cầu Hồng Hà vượt sông Hồng. Phía bắc cây cầu tại xã Văn Khê, huyện Mê Linh. Phía nam tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng.
Từ đây, đường vành đai 4 qua địa bàn huyện Đan Phượng, Hà Nội với chiều dài khoảng 4,3 km và qua các xã Liên Hồng, Hồng Hà, Hạ Mỗ và Tân Hội.
Ngay điểm đầu của huyện Đan Phượng, một dự án sẽ hưởng lợi trực tiếp khi vành đai 4 thành hình đến từ ông lớn BĐS Vingroup - Vinhomes Wonder Park.
Đây là khu đô thị phức hợp gồm nhà ở cao tầng, thấp tầng, trung tâm thương mại, văn phòng, trường học… tại hai xã Tân Hội và Liên Trung, huyện Đan Phượng.
Vinhomes Wonder Park được quy hoạch với diện tích 133 ha, mật độ xây dựng khu căn hộ khoảng 35%.
Theo quy hoạch, đường vành đai 4 đoạn qua huyện Đan Phượng sẽ tính từ cầu Hồng Hà đến QL 32. Với vị trí này, tuyến đường cách dự án rất gần, khoảng 2 km về phía đông, thông qua tuyến đường Hạ Mỗ - Tân Hội.
Hiện tại, Vinhomes Wonder Park Đan Phượng vẫn chưa rõ ngày khởi công. Dự án đã được đưa vào kế hoạch dụng đất năm 2021 của huyện Đan Phượng, địa phương dự kiến sẽ thu hồi 103,44 ha đất để triển khai khu đô thị này.
Một dự án khác gần đó, dự kiến giáp trực tiếp vành đai 4 là The Phoenix Garden. Khu đô thị quy mô 45 ha thuộc địa bàn thị trấn Phùng và xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng.
The Phoenix Garden giáp đường vành đai 4 về phía tây, kết nối thông qua đường Tân Hội. Khi tuyến này được mở, dự án sẽ có 4 mặt tiền gồm đường Tân Hội, Hoàng Quốc Việt kéo dài, đường An Bài và vành đai 4.
Dự án do Công ty TNHH đầu tư & Phát triển DIA làm chủ đầu tư, với tổng vốn khoảng 1.400 tỷ đồng. Theo quy hoạch trước đây, The Phoenix Garden gồm 468 căn biệt thự có diện tích từ 200 - 800 m2.
Sau đó, dự án được UBND TP Hà Nội cho phép chia nhỏ diện tích biệt thự. Sau khi điều chỉnh, tổng số lô đất của toàn dự án từ 468 căn biệt thự lên khoảng 626 căn. Hiện tại, nhiều công trình tiện ích tại dự án đã hoàn thành và đi vào sử dụng, các lô biệt thự cũng đã mở bán.
Điểm kết thúc vành đai 4 tại huyện Đan Phượng là điểm giao với QL32. Cách vị trí này khoảng 2,5 - 3 km về phía đông là Khu đô thị Tân Tây Đô và Khu đô thị Lideco.
Khu đô thị Lideco (bìa trái) và Tân Tây Đô trên đường 32, gần vành đai 4. (Ảnh: Hạ Vũ).
Khu đô thị Tân Tây Đô do CTCP Đầu tư Hải Phát rót khoảng hơn 1.100 tỷ đồng đầu tư. Dự án có diện tích 21 ha, nằm trên địa bàn xã Tân Lập, huyện Đan Phượng.
Khu đô thị Lideco (Khu đô thị Bắc Quốc lộ 32) nằm trên trục Quốc lộ 32, thuộc thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức. Dự án do CTCP phát triển đô thị Từ Liêm (Lideco) đầu tư với quy mô hơn 38,9 ha; khởi công xây dựng vào năm 2007 và hoàn thiện từ năm 2013. Đến nay, dự án vẫn đang trong tình trạng hoang hoá và tiếp tục xây dựng.
Qua Đan Phượng, sang đến địa phận huyện Hoài Đức, đường vành đai 4 dài khoảng 17 km qua 11 xã gồm: Đức Thượng, Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế, Yên Sở, Đắc Sở, Tiền Yên, Song Phương, An Thượng, Đông La, La Phù.
Tại đây quy tụ hàng loạt các khu đô thị lớn, quy mô vài chục ha cách vành đai 4 về phía đông từ 2 - 4 km. Đơn cử như Khu đô thị Splendora Bắc An Khánh (2,5 km); Khu đô thị Vườn Cam (4 km); Khu đô thị An Lạc Green Symphony - KĐT đại học Vân Canh (4 km); Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch, tên thương mại là Hinode Royal Park (4 km); Khu đô thị Vân Canh Hud (hơn 5 km); Athena Complex Xuân Phương (5 km); Hateco Xuân Phương (5 km); Khu chung cư CT Number One (5 km);...
Khu đô thị Splendora Bắc An Khánh (1); Khu đô thị An Lạc Green Symphony - KĐT đại học Vân Canh (2); Khu đô thị Vườn Cam (3); Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch (4). (Ảnh: Hạ Vũ).
Đáng chú ý, khi vành đai 4 khép kín, các dự án này sẽ có vị trí thuận lợi khi giáp 4 trục đường lớn như vành đai 4 ở phía tây, QL32 phía bắc, Đại lộ Thăng Long ở phía nam và đường Xuân Phương - Tây Mỗ ở phía tây.
Tuy nhiên, một số hạng mục thuộc các khu đô thị lớn trên như Bắc An Khánh, Kim Chung - Di Trạch, Vân Canh, Vườn Cam,... bỏ hoang nhiều năm nay, nhiều căn biệt thự, liền kề không sử dụng.
Vành đai 4 tiếp tục đi xuống phía nam huyện Hoài Đức, qua Đại lộ Thăng Long; sau đó đến địa bàn quận Hà Đông.
Ở khu vực giao cắt giữa vành đai 4 với Đại lộ Thăng Long, dù không thuộc địa bàn các quận huyện mà vành đai 4 đi qua, tuy nhiên một dự án khác đến từ Vingroup dự kiến cũng được hưởng lợi là Vinhomes Smart City, với một mặt giáp đại lộ Thăng Long.
Theo bản đồ quy hoạch, dự án nhà Vingroup cách vành đai 4 khoảng 5 km về phía đông.
Vinhomes Smart City quy mô 280 ha; nằm trên trục đường đại lộ Thăng Long thuộc phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Dự án được khởi công từ quý IV/2018 và bàn giao từ cuối năm 2020.
KĐT Nam An Khánh Sudico (1), tiếp giáp với KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn (2), khu biệt thự Thiên Đường Bảo Sơn (3). (Ảnh: Hạ Vũ).
Ngoài ra, có nhiều dự án khác tập trung ở khu vực này như KĐT Nam An Khánh Sudico (cách vành đai 4 khoảng 3 km), tiếp giáp với KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn (135 ha, cách 5 km), khu biệt thự Thiên Đường Bảo Sơn (cách 5 km),...
Khu đô thị mới Dương Nội (phường Dương Nội, quận Hà Đông) do Tập đoàn Nam Cường đầu tư và triển khai trên lô đất cạnh đường Tố Hữu với tổng diện tích 197 ha. Dự án này nằm ở phía tây, cách vành đai 4 khoảng 3 km.
Qua địa phận huyện Thanh Oai và Thường Tín, một số dự án có thể được hưởng lợi từ Vành đai 4 là KĐT Đồng Mai, KĐT Mỹ Hưng Cienco 5, KĐT Thanh Hà Cienco 5 cùng hàng loạt các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở Thường Tín.
Đáng chú ý, Khu đô thị Thanh Hà A và B và Khu đô thị Mỹ Hưng nằm trên địa bàn các phường Phú Lương và Kiến Hưng, quận Hà Đông, xã Cự Khê, Mỹ Hưng, Tam Hưng, Bình Minh, huyện Thanh Oai. Đây là các dự án đối ứng, thanh toán giá trị đất cho dự án BT đường trục phía nam tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội).
Các khu đô thị Mỹ Hưng, Đồng Mai tiếp giáp Vành đai 4; KĐT Thanh Hà cũng khá gần tuyến vành đai này. (Ảnh: Hạ Vũ).
KĐT Thanh Hà A Cienco 5 (195,51 ha), Thanh Hà B Cien co 5 (193,22 ha), cách Vành đai 4 khoảng 2 km về phía Tây. Hiện tại, dự án của CTCP Tập đoàn Mường Thanh cơ bản đã hoàn thành nhiều hạng mục, dân chuyển về sinh sống nhiều năm nay. Tuy nhiên, nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là trường học chưa đồng bộ.
Trong khi đó, tiếp giáp với KĐT Thanh Hà - KĐT Mỹ Hưng có vị trí gần Vành đai 4 hơn, cách 1,5 km. Tuy nhiên, do tranh chấp 182 ha đất làm dự án giữa hai doanh nghiệp, khu đô thị đến nay vẫn chưa rõ ngày khởi công, dù đã được phê duyệt đầu tư từ 2008.
Vành đai 4 qua Thanh Oai tiếp tục đi theo hướng đông nam, giao Quốc lộ 1A và đường Pháp Vân - Cầu Giẽ tại xã Vân Bình, huyện Thường Tín; vượt sông Hồng bằng cầu Mễ Sở tại vị trí cách phà Mễ Sở khoảng một km về phía thượng lưu.
Sau đó, tuyến đường tiếp tục đi qua địa bàn huyện Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm (Hưng Yên); huyện Thuận Thành, Quế Võ, TP Bắc Ninh (Bắc Ninh).
Tại hai tỉnh này, đường vành đai 4 đi qua một loại các khu đô thị, khu công nghiệp lớn như khu đô thị Ecopark, KĐT Xuân Cầu; khu đô thị Dream City và Đại An (Văn Lâm, Hưng Yên); đô thị mới phía Nam thị trấn Hồ; khu đô thị Đức Việt, Trung Quý (xã Gia Đông, Bắc Ninh); khu đô thị An Bình; khu đô thị Hồng Hạc (xã Xuân Lâm, Bắc Ninh); khu đô thị, khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh); cụm công nghiệp Châu Long – Đức Long (Quế Võ, Bắc Ninh);...
Quy hoạch 06:45 | 30/09/2024
Quy hoạch 06:45 | 26/09/2024
Quy hoạch 06:45 | 25/09/2024
Quy hoạch 07:00 | 22/06/2024
Quy hoạch 07:11 | 21/06/2024
Quy hoạch 06:45 | 20/06/2024
Quy hoạch 06:30 | 14/06/2024
Quy hoạch 06:30 | 13/06/2024