Đời sống người dân bấp bênh, hạ tầng tạm bợ, ô nhiễm môi trường... là những hệ lụy đang tồn tại nơi đây.
Dự án được công bố từ năm 2005, với qui mô 176 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 6.000 tỉ đồng. Ban đầu, dự án Trung tâm văn hóa Tây Đô do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa Tây Đô làm chủ đầu tư bao gồm khu trung tâm văn hóa 60ha, khu vui chơi giải trí đa chức năng 56ha; khu tái định cư giai đoạn 1 45 ha, khu tái định cư giai đoạn 2 11,81ha.
Có qui hoạch chưa có vốn
Ngày 27/9/2011, UBND thành phố đã ban hành quyết định sáp nhập Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng Trung tâm văn hóa Tây Đô vào Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng thành phố và nhiệm vụ làm chủ đầu tư của dự án được giao cho Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng thành phố.
Dự án đã được UBND TP Cần Thư phê duyệt qui hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 từ năm 2012, tuy nhiên không được giao kế hoạch vốn nên chưa thể triển khai.
Đến nay, khu tái định cư của Trung tâm văn hóa Tây Đô giai đoạn 1 diện tích 45ha đã được Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng thành phố xây dựng xong.
Riêng khu Trung tâm văn hóa Tây Đô 116ha, UBND thành phố đã phê duyệt qui hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 từ năm 2012, tuy nhiên không được giao kế hoạch vốn nên chưa thể triển khai. Hiện nay, mặt bằng của khu này vẫn cho địa phương quản lý.
Nhiều người dân có đất nằm trong qui hoạch Dự án Trung tâm Văn hóa Tây Đô (giai đoạn 2) đang gặp khó khăn vì không biết đến khi nào mới được nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Ông Nguyễn Văn Năm, ở khu vực 3, Phường Hưng Thạnh bức xúc: "Phần diện tích đất và nhà của tôi bị ảnh hưởng bởi dự án là 650m2. Từ khi qui hoạch đến nay, các cơ quan chức năng đã 2 lần kiểm kê đất, nhà, vật kiến trúc nhưng chưa tiến hành bồi thường cho người dân. Chúng tôi không biết khi nào dự án này mới tiến hành chi trả bồi thường".
Do qui hoạch kéo dài 15 năm qua, phần đất bị thu hồi đã có quyết định thu hồi đất nên người dân gặp khó khăn trong việc vay vốn để kinh doanh mua bán.
Bà Trần Thị Hà, ở khu vực 3, cho biết: "Gia đình tôi muốn thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn kinh doanh, nhưng đem đến các ngân hàng đều không vay được do đất đã có quyết định thu hồi. Tôi đề nghị các ngành, các cơ quan chức xem xét và có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các hộ có đất nằm trong các dự án qui hoạch chậm thực hiện, được vậy vốn khi có nhu cầu”.
Suốt 15 năm qua, người dân sống trong điều kiện hết sức khó khăn vì không được đầu tư hạ tầng giao thông, nước sạch: Nhiều năm qua, nguồn nước dưới rạch Cái Da bị ô nhiễm, người dân không có nước sạch sử dụng.
Bà Nguyễn Thị Đường, Chủ tịch UBND phường Hưng Thạnh cho biết, dự án Trung tâm Văn hóa Tây Đô giai đoạn 2 do Ban quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng thành phố làm chủ đầu tư. Do qui hoạch kéo dài thời gian thực hiện, quyền lợi của người dân bị thiệt thòi. "Tôi đề nghị các ngành, các cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện phương án hỗ trợ, bồi thường và tái định cư thuộc dự án này để đảm bảo quyền và lợi ích cho người dân có đất nằm trong dự án".
Tuy nhiên, bao nhiêu năm qua, điều mà người dân nơi đây phải đối diện là những câu trả lời chung chung hay những lời hứa không có hồi kết. Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng thành phố, kể từ cuối năm 2011, sau khi sáp nhập, Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng thành phố đã tiếp nhận dự án của chủ đầu tư cũ để thực hiện. Đến nay, giai đoạn 1 khu tái định cư Trung tâm Văn hóa Tây Đô có diện tích 45ha, đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Đối với giai đoạn 2 dự án, diện tích 116ha để thực hiện các hạng mục chức năng bị chậm tiến độ vì nguyên nhân, ngay trong năm 2011 khi dự án vừa có quyết định triển khai thì phải thực hiện Chỉ thị 1792 của Thủ tướng Chính phủ về thắt chặt quản lý đầu tư công nên việc đầu tư từ nguồn vốn ngân sách gặp nhiều khó khăn.
Từ năm 2014 đến nay, Ban vẫn đang tiếp tục rà soát để triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng 43ha rất chậm. Riêng 72ha còn lại, năm 2018, UBND thành phố đang giao Sở Xây dựng thành phố rà soát tỉ lệ 1/500 để báo cáo UBND thành phố xem xét để trong thời gian tới có hướng giải quyết.