Cần Thơ dự kiến quy hoạch hai trung tâm kinh tế động lực

Theo Dự thảo quy hoạch TP Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cần Thơ tới 2030 được xác định có hai trung tâm kinh tế động lực.

Một góc TP Cần Thơ hiện nay. (Ảnh: Báo Thanh niên).

Theo Dự thảo quy hoạch TP Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, về cơ bản, Cần Thơ tới 2030 được xác định có hai trung tâm kinh tế động lực.

Hai trung tâm động lực bao gồm trung tâm động lực phía Bắc, từ Thốt Nốt kéo dọc theo tuyến quốc lộ 80 và Cao tốc Lộ Tẻ, Rạch Sỏi và trung tâm động lực phía Nam, xung quanh khu vực trung tâm hiện hữu Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng.

Về chức năng, trung tâm động lực phía Bắc thiên về công nghiệp, trung tâm động lực phía Nam đa chức năng, nhưng thiên về đô thị, thương mại, dịch vụ.

Hai cụm này được kết nối với nhau bởi tuyến đường đa phương thức Nam sông Hậu. Tới tầm nhìn 2050, có thể hình thành thêm trung tâm thứ 3 ở Ô Môn - Thới Lai, dọc theo tuyến Ô Môn - Giồng Riềng.

Đối với kết nối liên huyện, liên quận, quy hoạch sẽ liên kết bốn quận Ninh Kiều - Bình Thủy - Cái Răng - Phong Điền thành cụm đô thị lưu vực sông Cần Thơ: Trong đó, Ninh Kiều và Cái Răng tạo thành vùng trung tâm, nằm hai bên sông Cần Thơ, Ninh Kiều là đô thị cổ, Cái Răng là nửa đô thị mới, liên kết chặt chẽ với nhau, thành một đô thị hai bên sông.

Liên kết sẽ mở rộng tiếp sang Bình Thủy, Phong Điền, tạo thành một vùng đô thị động lực, với rất nhiều cụm công năng khác nhau, là các vùng công năng cấp vùng và cấp quốc gia, tạo ra các động lực mới cho phát triển Cần Thơ. Tổ hợp này sẽ khiến cho Cần Thơ thực sự có thể trở thành trung tâm vùng ĐBSCL.

Đồng thời, các tổ hợp công năng này cũng cần phải phát huy bản sắc sẵn có của khu vực Bình Thủy, Phong Điền, Cái Răng hiện hữu. Có thể coi vùng này là vành đai thứ hai. Nếu khu vực trong vành đai 1 là vùng lõi đô thị thì vành đai 2 là vùng sản xuất, thương mại dịch vụ. Vùng ngoài cùng sẽ là một phần phía Tây của huyện Phong Điền, xác định là vùng đô thị sinh thái.

Liên kết các quận huyện Ô Môn, Thốt Nốt, Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh thành khu vực phía bắc. Trong đó, vùng lõi đô thị sẽ tập trung chính ở dọc hai bên tuyến quốc lộ 91B, và cải thiện các trung tâm quận, huyện hiện hữu. Vùng công nghiệp chính nằm trên địa bàn Thốt Nốt và Vĩnh Thạnh. Còn lại là khu vực nông nghiệp công nghệ cao.

Liên kết các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh thành vùng đô thị phía tây cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Về phân vùng phát triển nội thành, ngoại thành, vùng phát triển nội thành có diện tích khoảng 35.000 ha, bao gồm khu đô thị trung tâm (Khu đô thị truyền thống Ninh Kiều - Bình Thủy - 10.000 ha, Khu đô thị - công nghiệp Trà Nóc - 4.000 ha, Khu đô thị - công nghiệp Cái Răng - 6.000 ha, khu đô thị sinh thái Phong Điền - 3.000 ha); Khu đô thị mới Ô Môn (6.000 ha); Khu đô thị - công nghiệp Thốt Nốt (6.000 ha).

Vùng phát triển đô thị ở ngoại thành diện tích khoảng 3.000 ha, bao gồm 4 đô thị thuộc huyện TX Cờ Đỏ, thị trấn Thới Lai, thị trấn Thạnh An và thị trấn Vĩnh Thạnh. Chức năng là các trung tâm huyện lỵ, đô thị vệ tinh (TTCN - Dịch vụ) hỗ trợ khu vực trung tâm thành phố.

chọn
Toàn cảnh vị trí sẽ xây hầm chui tại nút giao trục Tây Thăng Long - Vành đai 3
Dự án đầu tư xây dựng hầm chui tại nút giao đường trục Tây Thăng Long - Vành đai 3 có tổng mức đầu tư (dự kiến) 1.156 tỷ đồng.