Từ cuối tháng 9, nhiều địa phương đã gỡ dần các biện pháp hạn chế chống dịch, kích hoạt trở lại các hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế trong bối cảnh bình thường mới. Do đó, thị trường bất động sản bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, thậm chí một số khu vực còn xảy ra sốt đất cục bộ, có dấu hiệu "ngáo giá".
Tại Hà Nội, một lô đất trồng chuối tại quận Cầu Giấy được trả giá hơn 364 triệu đồng/m2.
Cụ thể, trong phiên đấu giá đất tại khu X4, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy tổ chức ngày 30/10, dù chỉ có 25 lô đất được mang ra đấu giá nhưng có tới hơn 700 bộ hồ sơ tham gia. Nhu cầu mua cao, nhiều miếng đất đã được trả giá gấp 1,5 - 2,6 lần mức giá khởi điểm.
Đáng chú ý, ô đất B12 diện tích 44,5 m2 mặt phố Dương Khuê (Mai Dịch, Cầu Giấy) có mức giá khởi điểm là 182,3 triệu đồng/m2 nhưng được trả giá lên tới 364,3 triệu đồng/m2, gấp gần hai lần so với giá khởi điểm.
Tại thời điểm đấu giá, lô đất này đang được quây tôn xung quanh, bên trong được trồng chuối. Một mảnh đất khác nằm vị trí lô góc, diện tích 43,7 m2, mức giá khởi điểm 110,2 triệu đồng/m2 nhưng mức giá trúng cao gấp 2,6 lần, lên tới 289,2 triệu đồng/m2.
Không chỉ tại khu vực trung tâm, đất đấu giá tại nhiều huyện ngoại thành cũng có dấu hiệu "sốt nóng". Đặc biệt, ba huyện có thông tin quy hoạch "thành phố trong thành phố" gồm Mê Linh, Sóc Sơn và Đông Anh là những điểm nóng hơn cả.
Trên một diễn đàn nhà đất Mê Linh, hoạt động rao bán, chia sẻ thông tin diễn ra khá sôi động. Hầu hết các bài đăng rao bán đất nền, thổ cư trong thời gian gần đây đều nhận được nhiều lượt bình luận hỏi thông tin, giá cả, hoặc nhờ tư vấn. Không ít bài rao nhấn mạnh vào lợi thế như "tiềm năng tăng giá", "khả năng thanh khoản cao vì Mê Linh sắp lên thành phố".
Ngày 15/11 tới đây, Hà Nội sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng 26 thửa đất tại khu nhà ở để bán Quang Minh - Vinaconex 2, thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh. Giá khởi điểm của vòng 1 là hơn 13,4 triệu đồng/m2. Tổng giá trị quyền sử dụng đất tính theo giá khởi điểm vòng 1 là hơn 75 tỷ đồng. Đáng chú ý, người tham gia đấu giá phải đặt trước số tiền 10 tỷ đồng/hồ sơ.
Tại huyện Đông Anh, phiên đấu giá quyền sử dụng 22 thửa đất tại điểm X1 thôn Lê Xá, xã Mai Lâm đã ghi nhận 62 khách hàng với 137 bộ hồ sơ đấu giá. Giá khởi điểm từ 43 - 50 triệu đồng/m2 nhưng giá trúng cao nhất lên tới 80,1 triệu đồng/m2, ngang ngửa với một số khu vực trong nội thành.
Tại Sóc Sơn, theo phản ánh của TTXVN, giá đất khu vực này đang được "thổi bùng" một cách khó ngờ.
Một mảnh đất sát hồ Đồng Đò (xã Minh Tân) là đất ở lẫn đất vườn liền kề được rao bán khoảng 12 triệu đồng/m2 trong khi một năm trước chỉ có giá gần 5 triệu đồng/m2. Tại khu vực xóm Núi của xã Minh Phú, giá đất ở cũng đã tăng 30% so với cách đây một năm. Tại xã Minh Trí, giá đất tăng lên trên 10 - 12 triệu đồng/m2, trong khi thời điểm đầu và giữa năm 2021 chỉ ở mức 7 - 8 triệu đồng/m2.
Đất đấu giá tại một số tỉnh thành cũng có dấu hiệu "sốt" trong thời gian trở lại đây. Đơn cử như tại Nam Định, thông tin UBND tỉnh này phê duyệt giá khởi điểm "cao ngất ngưởng" cho một số lô đất đấu giá khiến các nhà đầu tư quan tâm đến thị trường này một phen xôn xao.
Nhiều lô đất tại xã Mỹ Thắng, huyện Mỹ Lộc được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt giá khởi điểm từ 30 - 50 triệu đồng/m2, tương đương với giá mỗi lô đất 2,3 tỷ đồng đến 6,4 tỷ đồng, tùy vào diện tích. Đặc biệt, 6 lô đất tại vị trí đường xã (từ giáp địa giới xã Mỹ Hưng đến Cầu Thịnh) có giá khởi điểm 110 triệu đồng/m2, tương đương khoảng 9 - 11 tỷ đồng/lô.
Tại Nghệ An, theo thông tin của một số môi giới tại khu vực này, có những lô đất không có động lực tăng giá vì mật độ dân số không quá cao, không khu công nghiệp, không kế hoạch phát triển đô thị hay cầu đường… nhưng vẫn được đấu giá rất cao.
Đất mặt đường liên xã tại xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương có giá trên 1 tỷ đồng. Đất đấu giá tại xã Thanh Phong có giá dao động từ 1 - 1,8 tỷ đồng. Theo lời môi giới, một xã khác còn hẻo lánh hơn, không có ATM, điện yếu nhiều khi không bật nổi tivi nhưng đất mang đi đấu giá vẫn cao. Đất trong khu dân cư giá 700 - 900 triệu đồng, đất mặt đường khoảng 1,5 tỷ đồng.
Môi giới tại các địa phương khác như Hưng Yên, Quảng Trị, Hà Tĩnh... cũng phản ánh tình trạng tương tự.
Nhiều ý kiến cho rằng những phiên đấu giá đất sôi nổi tại các địa phương có thể chỉ là tình trạng sốt ảo. Theo các môi giới, một bộ phận người tham gia đấu giá không thực sự có ý định mua đất mà chỉ nhằm mục đích thổi giá, trục lợi. Một số tham gia để "lướt cọc", bán sang tay. Nếu không sang tay được sẽ bỏ cọc.
"Họ chỉ đặt cọc, lướt cọc mà thôi. Lô đất 4 - 5 tỷ đồng thì cọc 100 triệu đồng, lô từ 1 - 2 tỷ đồng thì cọc 20 - 50 triệu đồng rồi thổi giá để sang cọc. Cọc vài chục triệu mà làm tăng giá cả khu, lãi vài trăm phần trăm. Ai xuống tiền ôm thì người đó chịu thiệt", một môi giới phân tích.
Thực tế, thời gian qua, chính quyền nhiều địa phương đã phải hủy kết quả đấu giá, tổ chức đấu giá lại những mảnh đất mà người trúng đấu giá bỏ cọc.
Đơn cử như tại Mê Linh, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện này mới đây đã có thông báo về việc lựa chọn đơn vị thực hiện đấu giá tài sản thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đối với 8 lô đất liền kề đã hủy kết quả trúng đấu giá tại điểm X2 và 6 lô đất liền kề đã hủy kết quả trúng đấu giá tại điểm X3, thôn Văn Lôi, xã Tam Đồng.
Đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh trả lời tờ Tiền Phong, lý do tổ chức đấu giá lại hàng loạt lô đất vì có những trường hợp đầu cơ bỏ cọc. Khi tham gia đấu giá, nhà đầu cơ trả giá rất cao, gấp 2 - 3 lần so với giá khởi điểm nhưng đến hạn nộp cọc thì bỏ cọc với nhiều lý do khác nhau. Số tiền dự kiến nhà đầu tư bỏ cọc lên đến khoảng 60 tỷ đồng.
"Người dân cần nghiên cứu kỹ thị trường, đồng thời, phải tính toán tiềm năng, tiềm lực của mình khi tham gia đấu giá để không phải bỏ cọc, mất hàng trăm triệu tiền đặt trước cho lô đất đấu giá", vị này cho biết.
Nhằm bảo đảm minh bạch thông tin thị trường, ngăn chặn các hiện tượng lừa đảo, đầu cơ thổi giá để thu lợi bất chính, mới đây Bộ Xây dựng đã đề nghị các địa phương thực loạt giải pháp.
Một trong số đó là tổ chức công bố, công khai thông tin về thị trường; công bố thông tin cho các cơ quan, tổ chức, người dân nắm rõ về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đầu tư phát triển hạ tầng và việc sát nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương; các dự án đã được phê duyệt; các chủ đầu tư dự án đủ điều kiện huy động vốn theo quy định...