'Lúc sốt đất, trẻ con cũng có thể làm môi giới, cầm sổ đỏ chào mời khách'

Bên cạnh các nhân viên môi giới tại các sàn giao dịch bất động sản chuyên nghiệp, có không ít người đang hoạt động môi giới tự do, không có chứng chỉ môi giới bất động sản.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã có dự thảo Hồ sơ đề nghị sửa Luật Kinh doanh bất động sản, trong đó có đề xuất quy định phải có Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học môi giới mới được thi sát hạch cấp CCHN môi giới BĐS.

Đáng chú ý có đề xuất các tổ chức, cá nhân hoạt động môi giới đều phải thành lập doanh nghiệp, văn phòng môi giới… có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, cá nhân không được hoạt động môi giới độc lập.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm môi giới, chị Kim Tuyến (TP HCM) cho biết, thực tế có rất nhiều người không phải môi giới chuyên nghiệp, không có chứng chỉ hành nghề nhưng vẫn làm công việc môi giới thường xuyên, hằng ngày. 

"Ai cũng có thể làm môi giới tự do. Từ người bán hàng nước, chạy xe ôm hay thậm chí là bảo vệ cũng có thể giới thiệu bất động sản cho người có nhu cầu cần mua.

Lúc chưa làm môi giới thì tôi chưa biết điều này. Đến khi làm trong ngành, tôi mới nhận ra, nhìn đâu cũng thấy môi giới tự do. Còn nhớ khi xảy ra sốt đất ở Bình Phước, thậm chí, trẻ con cũng theo ô tô khách, chìa sổ đỏ photo để chào mời khách", chị Tuyến cho biết.

'Lúc sốt đất, trẻ con cũng có thể làm môi giới, cầm sổ đỏ chào mời khách' - Ảnh 1.

Sốt đất tại huyện Hớn Quản, Bình Phước vào tháng 2. (Nguồn: Báo Pháp luật TP HCM).

Một bộ phận những người có kiến thức, có kinh nghiệm nhưng lại chọn làm môi giới tự do thay vì làm việc cho các công ty. Họ thường có đội nhóm và khu vực riêng, chứ không hoàn toàn đơn thương độc mã hành nghề.

"Mọi người nghĩ nghề này sẽ được tự do về thời gian. Nhưng thực chất nhiều công ty kiểm soát rất gắt gao về kế hoạch làm việc, chi phí marketing, chỉ tiêu khách hàng, giao dịch... Ngoài ra khi có giao dịch, môi giới sẽ không được nhận "hoa hồng" ngay lập tức mà chỉ được nhận theo tiến độ thanh toán của khách hàng và bị khấu trừ thuế.

Trong khi đó, làm môi giới tự do không bị ai giám sát, quản lý. Khi khách đặt cọc thì môi giới sẽ được nhận đủ "hoa hồng" và không mất chi phí thuế", chị Tuyến cho biết. 

Làm môi giới tự do có những lợi thế như trên, nhưng chị Tuyến và nhiều môi giới chuyên nghiệp khác vẫn thích làm việc và gắn bó với các công ty bất động sản: "Bởi những đơn vị bất động sản lớn sẽ có những dự án mới, kiến tạo những khu dân cư tiêu chuẩn đồng bộ về quy hoạch lẫn chất lượng và pháp lý".

Tuy nhiên, chị Tuyến e ngại, việc quy định cá nhân môi giới không được hoạt động độc lập mà phải thành lập doanh nghiệp, văn phòng môi giới có thể sẽ khó thực hiện ở thời điểm hiện tại. Các cơ quan chức năng sẽ gặp khó khăn trong việc quản lý, rà soát số lượng lớn người hoạt động môi giới tự do, không có chứng chỉ.

Trong khi đó, anh Đặng, làm việc tại công ty phân phối bất động sản, hoàn toàn ủng hộ nội dung dự thảo sửa đổi.

Anh Đặng cho biết, thực tế đã có nhiều trường hợp người mua, bán bất động sản bị lừa, tiền mất tật mang vì thị trường đầy rủi ro, pháp lý còn lỏng lẻo.

"Tôi mong đợi một môi trường giao dịch minh bạch và chuyên nghiệp hơn. Môi giới không phải tự giao dịch, tự làm hết mọi thứ hay đòi hỏi chủ nhà nào cũng phải là chuyên gia, chịu rủi ro khi bắt đầu một giao dịch.

Biết là khó và còn nhiều thứ phải làm về mặt thủ tục nhưng đó là con đường phát triển tất yếu của bất động sản", anh Đặng cho biết.

Một ý kiến khác, anh Nguyễn Tấn Lộc, Giám đốc một doanh nghiệp tư vấn BĐS tại TP HCM chia sẻ, môi giới cần có nhất là sự chuyên nghiệp. Điều này phải được trải qua đào tạo cơ bản và chuyên sâu về BĐS. 

Hơn 10 năm làm nhân viên môi giới độc lập và tại một số sàn giao dịch BĐS, anh Lộc còn thấy rằng, các môi giới cần có sự kiểm soát và ràng buộc thông tin xác thực về dự án mình bán. 

Bởi có nhiều trường hợp sau khi bên mua được môi giới cung cấp toàn bộ thông tin của BĐS, họ sẽ tìm đến chủ nhà để đàm phán giá trực tiếp để đỡ tốn tiền hoa hồng. Điều này khiến nhiều môi giới bất chấp các chiêu trò, ém thông tin BĐS.

"Nhưng quan trọng nhất, những người môi giới cần có thái độ, nhận thức về công việc này là một nghề chứ không đơn thuần là công việc tay ngang bình thường", anh Lộc cho biết. 

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, các giao dịch qua sàn là công cụ tốt để cơ quan chức năng kiểm soát về số lượng và giá trị giao dịch, đánh giá sát với thị trường, đồng thời kiểm soát tốt việc thu thuế.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, hiện nay nguồn nhân lực trong lĩnh vực môi giới bất động sản còn tồn tại những hạn chế, thừa về số lượng nhưng lại thiếu về chất lượng như: Hoạt động thiếu chuyên nghiệp, thiếu kiến thức pháp luật căn bản, nặng tính "chụp giật" kiếm lời, chưa tôn trọng khách hàng, gây thiệt hại cho khách hàng dẫn đến khiếu kiện kéo dài, có tình trạng "lách luật" trốn thuế.

Quy định về chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi hành nghề môi giới khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề là phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng. Mức xử phạt này được Bộ Xây dựng đánh giá còn nhẹ, mới chỉ dừng lại ở mức độ răn đe, dẫn đến việc chứng chỉ môi giới không được coi trọng.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.