Cảnh báo đầu tư bất động sản hàng hiệu

Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) đã có cảnh báo về đầu tư bất động sản hàng hiệu trên thị trường hiện nay.

Theo HoREA, thời gian qua, xuất hiện thông tin quảng bá rầm rộ dự án bất động sản hàng hiệu đầu tiên tại TP HCM với mác thương hiệu bất động sản nổi tiếng thế giới, tọa lạc tại các khu đất vàng nằm ở trung tâm thành phố. 

Giá bán bất động sản hàng hiệu lên đến trên dưới 500 triệu đồng/m2, với giá căn hộ lên đến vài chục tỷ đồng, dành cho giới rất giàu và siêu giàu trong nước và người nước ngoài. 

Cảnh báo đầu tư bất động sản hàng hiệu - Ảnh 1.

Dự án nhà ở tại TP HCM. (Ảnh tư liệu: Minh Hằng).

HoREA giải thích, bất động sản hàng hiệu (Branded residences) là loại hình bất động sản hợp tác giữa một thương hiệu quản lý bất động sản nổi tiếng toàn cầu với một doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản cao cấp hạng sang, siêu sang. Bất động sản hàng hiệu xuất hiện lần đầu tiên tại New York cách đây gần 100 năm. 

Khi mua bất động sản hàng hiệu hình thành trong tương lai, khách hàng đã đặt niềm tin vào đẳng cấp của sản phẩm. Trước hết là tin vào uy tín của đơn vị sở hữu thương hiệu toàn cầu của bất động sản hàng hiệu (phía nước ngoài), kế đến là uy tín thương hiệu của chủ đầu tư dự án (phía trong nước).

Theo HoREA, có doanh nghiệp được thành lập chưa lâu lại phát triển được dự án bất động sản hàng hiệu. Thực chất đây là hoạt động đầu tư kinh doanh sản phẩm dự án nhà ở cao cấp hạng sang, siêu sang theo phương thức "đứng trên vai người khổng lồ", mượn uy tín thương hiệu của bất động sản hàng hiệu nước ngoài để khẳng định đẳng cấp sản phẩm nhà ở để kinh doanh. 

HoREA cảnh báo khách hàng, nhà đầu tư, về mặt kinh doanh thì "không có bữa ăn nào miễn phí". Để được sử dụng tên của bất động sản hàng hiệu thì chủ đầu tư dự án phải trả chi phí không hề nhỏ cho đơn vị quản lý thương hiệu. Chi phí này chắc chắn được tính đủ trong giá bán nhà mà người mua nhà phải thanh toán chi phí mượn tên này, kể cả chi phí quảng bá sản phẩm ở trong nước và ở nước ngoài đều được tính đủ vào giá bán nhà.

Về thời hạn được sử dụng tên thương hiệu của bất động sản hàng hiệu. Nếu do chính chủ sở hữu thương hiệu bất động sản hàng hiệu là chủ đầu tư phát triển dự án, thì tên thương hiệu được sử dụng ổn định lâu dài theo dự án. 

Nhưng, đối với dự án ở nước ta được chuyển nhượng quyền sử dụng tên thương hiệu "bất động sản hàng hiệu", thì thời hạn sử dụng tên thương hiệu phải theo giao kết của Hợp đồng. Ví dụ trong 10 năm, 15 năm... Sau thời hạn thỏa thuận trong Hợp đồng thì không còn được phép sử dụng tên thương hiệu bất động sản hàng hiệu này nữa.

Về chi phí quản lý vận hành dự án bất động sản hàng hiệu, thì chủ sở hữu nhà chung cư chính là người thanh toán chi phí này, kể cả chi phí quản lý vận hành toà nhà trong giai đoạn trước khi thành lập Ban quản trị nhà chung cư do chủ đầu tư dự án chi trả trước đó. 

Nếu chủ sở hữu bất động sản hàng hiệu không thuê đơn vị quản lý vận hành đạt chuẩn của đơn vị quản lý tên thương hiệu bất động sản hàng hiệu, không đảm bảo chất lượng công tác quản lý vận hành, thì toà nhà có nguy cơ không được tiếp tục sử dụng tên thương hiệu bất động sản hàng hiệu nữa.

Dự án bất động sản hàng hiệu chỉ giải quyết nhu cầu nhà hàng hiệu cho giới nhà giàu rất giàu, siêu giàu và cho các lãnh đạo tập đoàn nước ngoài cần lưu trú. Đây không phải là sân chơi dành cho các doanh nghiệp bất động sản, hoặc nhà đầu tư tay mơ.

HoREA đề nghị các chủ đầu tư dự án bất động sản hàng hiệu luôn thể hiện uy tín thương hiệu, cung cấp đầy đủ thông tin dự án, căn hộ, giải thích cặn kẽ hợp đồng mua bán nhà cho khách hàng để thực sự mang đến luồng gió mới bất động sản hàng hiệu tại nước ta.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.