Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế đang phát triển với số lượng ngày càng tăng của các tầng lớp trung lưu, tỷ phú và các cá nhân có giá trị tài sản ròng cao (HNWI). Đây là nhóm đối tượng có nhu cầu đầu tư vào bất động sản hàng hiệu. Theo Savills, Việt Nam được dự đoán sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn nhất của các dự án hàng hiệu trong giai đoạn 2022 - 2024.
Tại Việt Nam, tất cả bất động sản hàng hiệu đều được quản lý và vận hành bởi các thương hiệu nghỉ dưỡng quốc tế.
Marriott là công ty dẫn đầu thị trường từ năm 2002 cho đến nay. Doanh nghiệp này đã bắt tay với nhiều thương hiệu khách sạn tại Việt Nam, và sắp tới đây sẽ kết hợp với tập đoàn Masterise Homes để ra mắt khu căn hộ hàng hiệu Grand Marina Sài Gòn tại trung tâm quận 1 (TP HCM). Dự án sẽ là khu căn hộ hàng hiệu lớn nhất thế giới của Marriott và đầu tiên tại Việt Nam.
Tập đoàn Banyan Tree - tập đoàn quốc tế với các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, spa, biệt thự và condotel nghỉ dưỡng tại 28 quốc gia cũng đang chuẩn bị cho một dự án tại Việt Nam.
Sau thành công của dự án nghỉ dưỡng mang thương hiệu Việt Nam đầu tiên là Laguna Lăng Cô Central tại Huế, tập đoàn hiện đang hợp tác với Madison Land với dự án mới là Angsana Residences Ho Tram. Hiện dự án đã đi vào hoàn thiện và dự kiến sẽ được bàn giao vào quý III năm nay.
Accor cũng là thương hiệu nổi bật tại thị trường. Trên toàn cầu, Accor đứng thứ 5 về số lượng dự án hạng sang năm 2021, tăng từ vị trí thứ 6 trong năm 2020.
Thương hiệu này được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng và vươn lên vị trí số hai toàn cầu, chỉ sau Marriott. Tính đến tháng 1 năm nay, Việt Nam là thị trường phát triển nhất của Accor tại Đông Nam Á với 12 thương hiệu khách sạn.
Ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành, Savills Việt Nam cho rằng bất động sản hàng hiệu sẽ là phân khúc rất “thú vị và hoàn hảo” cho thị trường Việt Nam. Sự hợp tác giữa các thương hiệu hàng đầu quốc tế sẽ mang tiêu chuẩn toàn cầu trong lĩnh vực bất động sản nhà ở vào thị trường Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển của sản phẩm nhà ở siêu sang như ở New York, London, Dubai hay các thành phố lớn trên thế giới.
Đưa lời khuyên cho các nhà đầu tư bất động sản hàng hiệu tại Hội nghị Bất động sản Việt Nam VRES 2021 do Batdongsan.com.vn tổ chức, TS Sử Ngọc Khương cho biết, bản chất giá trị của phân khúc này là giá trị thương hiệu, giá trị phần mềm. Ngoài ra, các sản phẩm phân khúc này thường có vị trí đẹp ở các đô thị lõi, đô thị trung tâm nên có nhiều tiềm năng gia tăng giá trị trong tương lai, bên cạnh giá trị thương hiệu. Tuy nhiên, cũng có những rủi ro đầu tư có thể gặp phải khi tham gia vào thị trường này.
"Khi nhà phát triển bất động sản kết hợp với một thương hiệu để tạo ra sản phẩm bán ra thị trường thì liên kết giữa hai bên đối tác này thông thường là liên kết về quản lý tài sản theo hợp đồng 5 năm hoặc 50 năm hoặc theo chu kỳ dự án. Tuy nhiên, nếu xảy ra trường hợp thương hiệu phá sản, hợp đồng không được thực hiện hoặc thay bằng thương hiệu khác thì giá trị phần mềm của bất động sản thương hiệu sẽ mất đi. Đây là một điểm các nhà đầu tư cần cân nhắc", TS Sử Ngọc Khương nói.