Ngâm chanh đào để 'đối phó' với thời tiết giao mùa | |
Hen phế quản không phải bệnh lây nhiễm như nhiều người vẫn nghĩ | |
'Điểm mặt' các căn bệnh hay gặp mùa mưa bão |
Nước ta là nước nhiệt đới gió mùa, khí hậu nóng ẩm, thời tiết hay thay đổi kèm theo ô nhiễm môi trường do sự phát triển công nghiệp, do đó tỉ lệ mắc bệnh đường hô hấp ngày càng tăng. Vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào đường hô hấp khi trẻ hít vào. Nhiễm trùng hô hấp là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều trẻ phải đến bệnh viện khám, nặng có thể dẫn đến mắc bệnh viêm phổi.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, số trẻ tử vong do viêm phổi chiếm 15% tổng số tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. (Ảnh: Wiki Phununet) |
Trẻ em trong giai đoạn trên 6 tháng tuổi sẽ dễ mắc bệnh hô hấp hơn bởi lúc này những kháng thể từ sữa mẹ không còn được truyền sang trẻ. Điều này đồng nghĩa trẻ buộc phải tự tạo ra kháng thể và nếu không đảm bảo được điều đó sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
PGS.TS.BS Đào Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sức khoẻ trẻ em cho biết: “Tỷ lệ mắc bệnh và tử vong luôn cao nhất trong các bệnh lý ở trẻ em – Nhiễm trùng hô hấp ngày càng trở thành vấn đề lớn, thách thức cao các bác sĩ Nhi khoa. Căn nguyên chủ yếu là do các loại virus và nhiều loại vi khuẩn, ký sinh trùng. Nhiễm trùng hô hấp tái nhiễm nhiều lần dẫn đến suy giảm đề kháng, song song với tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn đã đe doạ đến tính mạng của nhiều trẻ em”.
PGS.TS.BS Đào Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sức khoẻ trẻ em. (Ảnh: KT) |
Nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ gồm một số bệnh lý cụ thể sau đây: viêm mũi, viêm họng cấp, viêm thanh quản, viêm xoang, viêm tiểu phế quản, viêm phổi và hen suyễn.
Vào mùa lạnh, nếu thấy trẻ có biểu hiện: Mệt mỏi, sốt nhẹ, hắt hơi, sổ mũi nước trong và kèm theo ho, thở nhanh bất thường… phụ huynh nên thận trọng, vì có thể bé đang bị cảm lạnh hoặc nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính. Phụ huynh nên đưa trẻ tới bệnh viện khám và điều trị theo sự hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý mua thuốc cho trẻ uống khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.
(Ảnh: ViCare) |
Để phòng tránh nhiễm trùng hô hấp hay tránh làm lây lan bệnh cho người khác, phụ huynh cần:
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với người bệnh, cho trẻ nghỉ ở nhà khi bị bệnh, không cho trẻ đến những nơi công cộng đông đúc như siêu thị, rạp chiếu phim…
- Khi ra đường phải đeo khẩu trang cho trẻ vì siêu vi, vi trùng gây nhiễm trùng hô hấp có thể lây lan từ người này sang người khác.
- Tránh dùng chung ly, chén khi ăn uống.
- Thường xuyên cho trẻ rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi hắt hơi, xì mũi… Không được để trẻ sờ tay vào mắt, mũi, miệng để hạn chế đem siêu vi, vi trùng vào cơ thể.
- Giữ nền nhà sạch sẽ, lau nhà bằng dung dịch sát khuẩn, các bề mặt khác như mặt bàn, bếp, tay nắm cửa cũng phải được lau sạch bằng dung dịch sát khuẩn.
- Ngoài ra, để phòng các bệnh về hô hấp trong mùa lạnh, quan trọng nhất là một chế độ chăm sóc và dinh dưỡng tốt, trẻ dưới 6 tháng tuổi cần bú sữa mẹ hoàn toàn, tiêm phòng đầy đủ. Cho trẻ uống nhiều nước và hạn chế cho trẻ ngủ trong phòng máy lạnh.
- Dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi, họng cho trẻ nhiều lần trong ngày. Bên cạnh đó, phụ huynh cần giữ ấm cơ thể và hạn chế cho trẻ ra khỏi nhà khi đang có các triệu chứng bệnh.