Theo Asian Nikkei Review, tính đến giữa tháng 8 năm nay, đã có hơn 50 doanh nghiệp đang di dời chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế nhập khẩu của Mỹ. Trong đó, không thiếu các tên tuổi lớn như HP, Dell, Apple, Google hay Nintendo,…
"Gói tái định cư" này được phê duyệt bởi nội các kinh tế, bao gồm ưu đãi về thuế, mặt bằng và cải cách về luật. Ủy ban Đầu tư (BOI) cho biết gói hỗ trợ này sẽ tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc.
Tờ Reuters đánh giá đây là cách để chính phủ Thái Lan thúc đẩy nền kinh tế đang tăng trưởng với tốc độ ì ạch. Trong quý II/2019 vừa qua, nền kinh tế Thái Lan đã có đà tăng yếu nhất trong gần 5 năm qua, khi xuất khẩu sụt giảm.
Gói hỗ trợ mới sẽ giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trong 5 năm cho các công ty có vốn đầu tư thực tế ít nhất 1 tỉ baht (khoảng 32,61 triệu USD). Chủ các công ty có thể nộp đơn xin ưu đãi vào năm 2020.
Trước đó, chính phủ nước này đã cung cấp cho các công ty trong Hành lang kinh tế phương Đông (EEC) được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên tới 13 năm và giảm 50% thuế tối đa 5 năm.
Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện tại của Thái Lan là 20%.
Trước làn sóng doanh nghiệp kéo sang Đông Nam Á, Thái Lan mong thu hút được vốn nước ngoài nhờ ưu đãi thuế. (Ảnh: Asian Nikkei Review).
Ngoài ra, để khuyến khích đào tạo công nhân lành nghề, Thái Lan còn giảm thuế để bù đắp chi phí xây dựng trung tâm đào tạo và cung cấp các chương trình phát triển nhân viên cho các công ty nước ngoài. Các quy tắc lao động sẽ được nới lỏng, để giúp người nước ngoài có tay nghề cao làm việc tại Thái Lan.
Văn phòng Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Thái Lan, chia sẻ với Asian Nikkei Review rằng có 48 công ty đa quốc gia, bao gồm nhà sản xuất chip Hoa Kỳ Western Digital, đang xem xét chuyển sản xuất sang Đông Nam Á từ Trung Quốc. "10 trong số các công ty này là ứng cử viên mạnh mẽ để đầu tư vào Thái Lan", theo văn phòng này nhận định.
Duangjai Asawachintachit, người đứng đầu BOI, cho biết gói "tái định cư" sẽ giúp cơ quan này đạt được mục tiêu 750 tỉ baht (24,45 tỉ USD) trong cam kết đầu tư tổng thể trong năm nay, và giúp các nhà đầu tư nước ngoài đưa ra quyết định nhanh chóng.
BOI đang nhắm đến việc thu hút 100 công ty, chủ yếu là các công ty Trung Quốc. Giáo sư Kobak Pootrakool, thư kí của nội các kinh tế, cho biết gói đầu tư cộng với khoản kích thích 10 tỉ USD đã được công bố trước đây, sẽ giúp nâng mức tăng trưởng kinh tế lên 3% trong năm nay, sau mức ì ạch chỉ 4,1% vào năm ngoái.
Giáo sư Kobak Pootrakool tự tin chia sẻ với Reuters: "Chúng tôi tin tưởng rằng những ưu đãi này chắc chắn sẽ khiến chúng tôi cạnh tranh hơn Việt Nam. Ưu đãi thuế của chúng tôi không ít hơn so với của họ, nhưng chúng tôi cần phải thực hiện dựa trên các hiệp định thương mại tự do".
Thái Lan tự tin có mức cạnh tranh cao hơn Việt Nam trong việc đón đầu vốn FDI chảy ra từ Trung Quốc. (Ảnh: Apparel Resources).
Thuế doanh nghiệp tiêu chuẩn của Việt Nam hiện là 20%, nhưng với các công ty đầu tư mới vào khu công nghệ cao hoặc hoạt động trong lĩnh vực công, môi trường… sẽ được áp dụng thuế 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% thuế trong 9 năm. Ngoài ra, Chính phủ còn cung cấp nhiều khoản hỗ trợ hào phóng khác.
Charnon Boonnuch, chuyên gia kinh tế của Nomura tại Singapore, cho biết gói hỗ trợ của Thái Lan đang thiếu một "kế hoạch thực hiện cụ thể", và một ưu đãi thuế có thể cũng không thúc đẩy đầu tư, nếu việc triển khai các dự án của EEC vẫn chậm chạp.
Thái Lan đã thu hút một số công ty nước ngoài tìm cách di chuyển sản xuất từ Trung Quốc để thoát thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc. Nhưng theo Reuters, Việt Nam mới là điểm đến hàng đầu của các công ty bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại.
Theo Báo cáo cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới 2018, Thái Lan xếp thứ 38 về năng lực cạnh tranh tổng thể, trong khi Việt Nam chỉ xếp thứ 77. Nhưng trong nửa đầu năm 2019, vốn FDI của Thái Lan chỉ đạt tổng cộng 4,8 tỉ USD. Con số này của Việt Nam là 18,74 tỉ USD, gấp gần 4 lần so với xứ sở chùa vàng.
Google đã công bố sẽ chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại sang Việt Nam, mua lại nhà máy cũ của Nokia. (Ảnh: KTTD).
Thái Lan đã nằm trong danh sách các điểm đến lí tưởng mà các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm cách "tái định cư". Nhưng theo giáo sư Kobak, quy trình và quy định đầu tư của nước này đã khiến các nhà đầu tư đi nơi khác.
"Chúng tôi luôn là một phù dâu, không bao giờ là một cô dâu", ông nhận định.
Chính phủ nước này sẽ thành lập một ủy ban "một cửa", để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài và giải quyết những trở ngại của họ, nhằm thúc đẩy đầu tư và cải thiện sự dễ dàng trong kinh doanh của đất nước.
Bộ thương mại sẽ gấp rút hoàn thiện các hiệp định thương mại tự do Thái Lan - EU cùng sự hội nhập vào Hiệp định toàn diện và tiến bộ cho quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trước đó, Việt Nam đã đi trước một bước, khi Chính phủ đặt bút thành công trên Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU vào cuối tháng 6 năm nay.