Cao tốc Bắc – Nam đoạn qua tỉnh Khánh Hòa thiếu nguồn vật liệu san lấp nền

Dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn Nha Trang - Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa dài khoảng 50 km. Đoạn tuyến này cần đến 3,5 triệu m3 đất san lấp nhưng thiếu gần 2,5 triệu m3.

Dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn qua tỉnh Khánh Hòa chuẩn bị khởi công nhưng đơn vị tư vấn khẳng định thiếu nguồn vật liệu để san lấp nền cho dự án. Đoạn tuyến này dài khoảng 50 km và cần đến 3,5 triệu m3 đất san lấp.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải tại văn bản ngày 26/3/2021, trước mắt trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa cơ bản đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng thông thường, tuy nhiên đối với vật liệu đất đắp nền đường sẽ thiếu gần 2,5 triệu m3 đất san lấp.

Cao tốc Bắc – Nam đoạn qua tỉnh Khánh Hòa thiếu nguồn vật liệu san lấp nền - Ảnh 1.

Các địa phương có cao tốc Bắc - Nam đi qua đang thiếu nguồn vật liệu san lấp nền. (Ảnh: Khải An).

Trong khi đó, các điểm mỏ đất đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mà Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đề nghị bổ sung quy hoạch, cấp phép khai thác để phục vụ san lấp cho dự án đường cao tốc Bắc- Nam đoạn Nha Trang- Cam Lâm đều nằm ngoài Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Khánh Hòa giải đoạn 2016-2020 và định hướng đến 2030.

Các điểm mỏ này cũng không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (chủ yếu là đất quy hoạch trồng rừng sản xuất, đất nông nghiệp...) do đó việc cấp phép khai thác khoáng sản đối với các điểm mỏ này không có căn cứ.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, để đủ điều kiện cấp phép theo quy định, các khu vực nằm ngoài quy hoạch khoáng sản phải được bổ sung quy hoạch khoáng sản của tỉnh.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Quy hoạch việc Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới sẽ do các Bộ, ngành trung ương tổ chức lập quy hoạch theo thẩm quyền.

Do vậy, UBND tỉnh không đủ cơ sở để bổ sung vào Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 25/QĐ-UBND ngày 4/1/2018.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, việc thiếu nguồn vật liệu san lấp nền thực hiện dự án cao tốc cũng là khó khăn và vướng mắc chung đối với các địa phương có dự án đường cao tốc Bắc Nam đi qua.

Vì vậy, đối với tỉnh Khánh Hòa tiến độ cấp phép theo quy định không thể đáp ứng được nhu cầu thực tế cung cấp cho dự án đường cao tốc đoạn Nha Trang – Câm Lâm.

Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị Ủy ban Kinh tế Quốc hội xem xét kiến nghị trình Quốc hội xem xét cắt giảm thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu đắp nền cho dự án đường cao tốc (bao gồm cắt giảm thủ tục: đấu giá, thủ tục thăm dò đối với các mỏ đất đắp có địa hình đơn giản, địa chất không phức tạp, cắt giảm thủ tục lập dự án đầu tư và cấp chứng nhận đầu tư hoặc Quyết định về chủ trương đầu tư...).

Đồng thời, xem xét cho phép Khánh Hòa áp dụng cơ chế đặc thù để được cấp phép khai thác đối với các khu vực nằm ngoài quy hoạch khai thác khoáng sản đã được phê duyệt, nhằm phục vụ dự án.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.