Giải quyết dứt điểm những vướng mắc dự án cao tốc Bắc - Nam

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận có chiều dài khoảng 61,5 km đi qua 5 huyện là Thuận Bắc, Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Sơn và Bác Ái, với tổng diện tích đất thu hồi hơn 445 ha/1.229 hộ và 33 tổ chức; trong đó, diện tích đất rừng cần chuyển mục đích là hơn 81 ha.

Dự án này khi hoàn thành sẽ tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội cho Ninh Thuận phát triển, do đó, tỉnh này đang quyết tâm giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc có liên quan để dự án được đẩy nhanh tiến độ thi công.

Khai thông nhiều vướng mắc

Để thực hiện dự án, có hai huyện là Ninh Sơn và Thuận Nam phải xây dựng khu tái định cư, dự kiến bố trí cho 55 hộ tái định cư tập trung với chi phí bồi thường, hỗ trợ khoảng 556 tỷ đồng. Đồng thời, phải di dời 28 công trình hạ tầng kỹ thuật gồm đường dây điện 220V, 22kV, 110kV, 220kV và các tuyến đường ống nước, các đường dây, cáp ngầm thông tin.

Ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Ninh Thuận cho biết, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn qua địa bàn tỉnh rất khó khăn bởi có nhiều đoạn của tuyến cao tốc đi qua dính nhiều dự án đã đầu tư trước đây, cần phải di dời. 

Tuy nhiên, tất cả những vướng mắc liên quan đến dự án luôn được UBND tỉnh quan tâm và tập trung giải quyết rốt ráo. Nhờ đó, đến nay dự án đã cơ bản hoàn thành được một số phần việc quan trọng, đó là giải phóng mặt bằng và xây dựng khi tái định cư…

Tính đến ngày 31/5, tỉnh Ninh Thuận đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho tất cả 1.229 hộ. Các địa phương vùng dự án đã tổ chức chi trả tiền cho các hộ dân với tổng số hộ đã nhận tiền bồi thường là 1.217/1.229 hộ. Hiện nay, còn lại 12 hộ chưa nhận tiền đền bù; trong đó, tại huyện Ninh Phước còn 1 hộ, huyện Thuận Nam còn 1 hộ và huyện Ninh Sơn còn 10 hộ.

Việc thi công xây dựng các khu tái định cư cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đối với khu tái định cư thôn Nha Hố, UBND xã Nhơn Sơn (huyện Ninh Sơn) đã hoàn thành việc tổ chức bốc thăm, giao đất cho 9 hộ thuộc đối tượng ưu tiên phải bố trí tái định cư và 15 hộ thuộc diện tái định cư theo nhu cầu. Đối với khu tái định cư tại xã Nhị Hà, UBND huyện Thuận Nam đã hoàn thành tổ chức bốc thăm, giao đất cho 20 hộ dân.

Về di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, UBND các huyện đã cơ bản hoàn thành di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật ra khỏi phạm vi thi công dự án. Riêng một số vị trí phải chờ hào kỹ thuật của đường cao tốc sẽ tiến hành thi công song song với việc thi công các hào kỹ thuật.

Đối với vị trí giao cắt giữa tuyến đường dây 22kV phục vụ công tác vận hành đường ống kênh chính thuộc dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ với tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn huyện Bác Ái vẫn đang chờ ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đẩy nhanh dự án

Tỉnh Ninh Thuận hiện đang tập trung giải quyết những phần việc có liên quan để đẩy nhanh tiến độ dự án. Việc này nhằm đảm bảo đúng tiến độ bàn giao mặt bằng cho dự án theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 686/CĐ-TTg ngày 27/5/2021 về việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành khối lượng giải phóng mặt bằng còn lại và xử lý một số vướng mắt trong quá trình thực hiện dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Văn Vinh cho hay, giải pháp trước mắt là Sở Giao thông Vận tải đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện: Ninh Sơn, Ninh Phước và Thuận Nam tổ chức cưỡng chế đối với các hộ dân không bàn giao mặt bằng, hoàn thành trước ngày 20/6 này, đảm bảo bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho nhà đầu tư triển khai thi công.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Phan Tấn Cảnh, trong năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải đã bố trí cho tỉnh với tổng kinh phí 29.005 triệu đồng để thực hiện giải phóng mặt bằng. 

Tuy nhiên, tính đến ngày 31/5, các địa phương nơi có dự án chỉ giải ngân được 6.579 triệu đồng, đạt tỷ lệ 22,7%; trong đó, có không ít địa phương giải ngân rất thấp, như ở huyện Bác Ái chưa giải ngân được đồng nào, huyện Thuận Bắc chỉ đạt 1,2%, huyện Thuận Nam chỉ đạt 9,9%. Do đó, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương phải tiếp tục quan tâm, đẩy nhanh giải ngân vốn của năm nay.

Đối với vật liệu phục vụ thi công, mỗi năm đều có mỗi khó khăn do nhiều dự án đầu tư có liên quan đến vấn đề xây dựng. Tuy nhiên, UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ mời 11 chủ mỏ tại tỉnh họp để có ý kiến xem có đủ trữ lượng phục vụ dự án và có giải pháp thế nào để có đủ vật liệu phục vụ.

UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đề nghị Ban Quản lý dự án 85 tiếp tục báo cáo Bộ Giao thông Vận tải sớm cho ý kiến về hướng xử lý đối với việc giao cắt giữa tuyến đường dây 22kV phục vụ việc vận hành đường ống kênh chính thuộc dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ với tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn huyện Bác Ái.

Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải nên có chỉ đạo các nhà đầu tư trúng thầu có trách nhiệm phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, UBND các huyện trong tỉnh có tuyến cao tốc đi qua hoàn trả kết cấu hạ tầng giao thông của địa phương bị hư hỏng do quá trình vận chuyển vật tư, thiết bị thi công tuyến cao tốc.

Ông Nguyễn Thanh Vân, Giám đốc Ban Quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông Vận tải), chủ đầu tư dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Ninh Thuận và Bình Thuận cho biết, do đây là dự án trọng điểm Quốc gia nên đơn vị cũng rất mong muốn tỉnh sớm bàn giao mặt bằng sạch; đồng thời phải đảm bảo an ninh trật tự khi triển khai thi công.

Bên cạnh đó, ông Vân kiến nghị tỉnh cần quan tâm giải quyết, xem xét, đánh giá trữ lượng và chất lượng vật liệu, nguồn nước trên địa bàn tỉnh để phục vụ thi công. Đối với các dự án hạ tầng kỹ thuật, đơn vị cũng đã rà soát, dự kiến kinh phí, đề xuất Bộ Giao thông Vận tải hướng xử lý (đường điện, hệ thống ống nước) sớm nhất.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, đoạn qua Ninh Thuận và Bình Thuận có tổng vốn đầu tư khoảng 13.687 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn nhà đầu tư hơn 4.370 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện dự án hơn 9.300 tỷ đồng để thi công đoạn đường với chiều tuyến hơn 78 km, diện tích sử dụng đất hơn 550 ha.

chọn
Dòng tiền đáo hạn tại ngân hàng có thể tìm đến đất nền
Theo các chuyên gia VARS, dòng tiền đáo hạn tại ngân hàng bắt đầu tìm các kênh đầu tư đem lại mức lợi nhuận hấp dẫn hơn, trong đó có bất động sản, đặc biệt là sản phẩm đất nền giá không quá cao, tiềm năng sinh lời lớn.