Cáo trạng đại án OceanBank

Hôm qua (22.12), Viện KSND tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố Hà Văn Thắm (41 tuổi, ở Q.Tây Hồ, TP.Hà Nội), nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) và 47 bị can khác.
cao trang dai an oceanbank

Hà Văn Thắm (ảnh nhỏ) gây thiệt hại 14.000 tỉ đồng trong đại án OceanBank

Đây là các bị can trong vụ án vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại OceanBank và một số đơn vị liên quan.

Nợ xấu hơn 14.000 tỉ đồng

Trong đó, Hà Văn Thắm bị truy tố về 3 tội: vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trong 47 bị can khác còn có: Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Minh Thu (đều là nguyên Tổng giám đốc OceanBank); Nguyễn Văn Hoàn, Lê Thị Thu Thủy (nguyên Phó tổng giám đốc) và nguyên một số lãnh đạo các hội sở đến chi nhánh, phòng giao dịch trong hệ thống OceanBank và lãnh đạo của Công ty CP BSC VN (gọi tắt là BSC).

Theo cáo trạng, trong quá trình điều hành OceanBank, bằng thủ đoạn thành lập các công ty sân sau, ông Thắm chỉ đạo cấp dưới thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật để phục vụ cho lợi ích cá nhân, dùng nhiều thủ đoạn để rút tiền của NH, gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng không có khả năng thu hồi. Đến ngày 31.3.2014, các vi phạm của ông Thắm và đồng phạm dẫn đến nợ xấu là hơn 14.000 tỉ đồng. Ngày 6.5.2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định mua lại Ngân hàng TMCP Đại Dương với giá 0 đồng.

Trong quá trình tham gia quản trị, điều hành OceanBank, với cương vị người đứng đầu NH, ông Thắm đã chỉ đạo Ban Tổng giám đốc OceanBank giải quyết cho vay 500 tỉ đồng đối với Công ty TNHH MTV thương mại và dịch vụ Trung Dung không đảm bảo điều kiện vay vốn, không có tài sản bảo đảm, khách hàng sử dụng vốn vay không đúng mục đích, trái với quy định của NHNN về quy chế cho vay và quy trình, thủ tục cho vay của OceanBank, trực tiếp gây thiệt hại cho OceanBank 343 tỉ đồng.

Thu phí ngoài hợp đồng khi cho vay

Cuối năm 2008, Tập đoàn dầu khí VN (PVN) ký thỏa thuận và trở thành cổ đông, đối tác chiến lược của OceanBank, đồng thời giới thiệu Nguyễn Xuân Sơn làm thành viên HĐQT và Tổng giám đốc của OceanBank. Đầu năm 2009, ông Sơn và Thắm bàn bạc về việc huy động vốn cho OceanBank, Sơn đã chủ động đề nghị với Thắm về việc OceanBank phải chi cho mình ngoài lãi suất tiền gửi quy định trong hợp đồng với mức trên, dưới 1%/năm/tổng số tiền gửi để huy động vốn từ nhóm khách hàng dầu khí. Ông Thắm chấp nhận đề nghị của Sơn. Nhưng để có tiền chi cho Sơn, OceanBank phải tăng lãi suất khi cho vay nhằm đảm bảo NH không bị lỗ, trong khi NHNN lại quy định trần lãi suất, nên muốn “vượt trần” thì cần có một công ty sân sau đứng ra thu phần chênh lệch này. Vì vậy, 2 người bàn bạc và thống nhất sẽ “thu phí” chênh lệch lãi suất của khách hàng vay vốn thông qua BSC - công ty “sân sau” của ông Thắm.

Sau đó, Thắm đưa Phạm Hoàng Giang (Phó phòng Pháp chế - khối tuân thủ OceanBank) về BSC làm tổng giám đốc để điều hành hoạt động công ty này và giao cho Nguyễn Văn Hoàn, Phó tổng giám đốc phụ trách tín dụng, thông báo chủ trương và triển khai thực hiện hoạt động “thu phí” chênh lệch lãi suất trên toàn hệ thống OceanBank.

Bán ngoại tệ cũng… thu phí ngoài hợp đồng

Cùng thời điểm triển khai việc “thu phí” chênh lệch lãi suất ngoài hợp đồng tín dụng, OceanBank phát sinh bán ngoại tệ cho khách hàng, chủ yếu là khách hàng vay vốn bằng ngoại tệ đến kỳ hạn thanh toán. Theo lời khai của Nguyễn Minh Thu, năm 2009, thị trường ngoại tệ khan hiếm nhưng theo quy định thì OceanBank không thể bán ngoại tệ với tỷ giá cao hơn tỷ giá trần do NHNN niêm yết cũng như không được thu thêm bất kỳ các khoản phí nào khi bán ngoại tệ đối với các hợp đồng mua bán ngoại tệ giao ngay. Khi Thu báo cáo tình hình này với Sơn thì được Sơn chỉ đạo phải bán ngoại tệ cho các khách hàng đang có quan hệ vay vốn tại OceanBank và khách hàng khác. Ngoài ra, phải thu phần chênh lệch tỷ giá ngoại tệ ngoài hợp đồng thông qua Công ty BSC bằng các hợp đồng dịch vụ. Sau đó, Thu phổ biến lại chủ trương này cho khối nguồn vốn để thu phí chênh lệch tỷ giá ngoại tệ trên toàn hệ thống của OceanBank.

Việc làm này của ông Thắm và Sơn gây thiệt hại cho OceanBank và khách hàng 68 tỉ đồng. Ông Thắm còn chỉ đạo thống nhất với lãnh đạo OceanBank về chủ trương chi trái với các quy định của nhà nước về trần lãi suất và chế độ tài chính, kế toán gây thiệt hại cho OceanBank hơn 1.500 tỉ đồng.

chọn
Doanh nghiệp bất động sản: Đầu tư NOXH trong 7 năm, lợi nhuận mỗi năm chỉ đạt 1,3 - 1,5%
Theo Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành, không ít doanh nghiệp sau khi thực hiện một dự án NOXH đã không muốn tiếp tục khi thấy lợi nhuận quá thấp, thủ tục phức tạp, khâu hậu kiểm về giá bán, thanh tra nhiều áp lực...