Cặp mũ cứu hỏa ‘cổ vật’ và tâm sự của người lính PCCC

Với ông, cặp mũ chuyên dụng trong chữa cháy có từ thời chống Mỹ luôn là một tài sản vô giá chẳng khi nào mua được bằng tiền. Bởi nó tượng trưng cho sự vất vả, khắc nghiệt của nghề và luôn nhắc nhở, động viên tinh thần chiến đấu cho anh em trong đơn vị. 

Là đơn vị giành giải nhất toàn đoàn tại “Hội thao nghiệp vụ chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ năm 2016” vừa được tổ chức tại Hà Nội, PV Việt Nam Mới đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Đỗ Anh Quyến – Trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy – Chữa cháy số 12, thuộc Cảnh sát PCCC Hà Nội để hiểu hơn những nỗi vất vả, nguy hiểm của nghề được coi là “nguy hiểm” nhất hành tinh này.

cap mu cuu hoa co vat va tam su cua nguoi linh pccc 5547
Thượng tá Đỗ Anh Quyến – Trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy – chữa cháy số 12, Cảnh sát PCCC Hà Nội (Ảnh: Nhật Cường).

Cặp mũ chữa cháy “cổ vật”

Trong gần 30 năm công tác tại ngành PCCC, ông vẫn không thể quên được một kỷ vật thiêng liêng của đời lính mình. Đó là cặp mũ chuyên dụng của người lính chữa cháy có từ thời kỳ đầu thành lập ngành từ những năm 60 của thế kỷ trước.

Ông tâm sự: “Đó là một trong số những kỷ vật hay đúng hơn là ‘báu vật’ đối với tôi. Khi tôi còn đang công tác tại Đội Cảnh sát PCCC Tứ Kỳ (đường Ngọc Hồi, Hà Nội) giai đoạn 2003 - 2012, trong khi dọn kho thì phát hiện 2 chiếc mũ của lực lượng cứu hỏa bằng đồng và nhôm đã cũ”.

“Hai chiếc mũ này có tuổi đời đến hơn 50 năm và có từ những ngày đầu thành lập lực lượng PCCC. Hình ảnh hai chiếc mũ này dường như có một sức hút kỳ lạ với tôi. Anh em cứ bảo cho vào đống đồ thanh lý để đi tái chế nhưng ý chí tôi mách bảo, phải quyết giữ lại hai ‘cổ vật’ này làm kỷ niệm”, vị trưởng phòng cho biết.

cap mu cuu hoa co vat va tam su cua nguoi linh pccc 5547
Dù đã hoen ố màu của thời gian, cặp mũ chữa cháy "cổ vật" này vẫn là kỷ vật vô giá và được gìn giữ cẩn thận (Ảnh: Nhật Cường).

Dù cả hai chiếc mũ giờ chỉ còn lại phần chóp làm bằng chất liệu kim loại đã hoen ố, bào mòn bởi thời gian, dây mũ đã bị đứt nhưng với ông, đó sẽ là những “cổ vật” vô giá mà các thế hệ lính cứu hỏa đi trước đã để lại cho thế hệ sau này.

Giờ đây, cặp mũ “cổ vật” này vẫn được đặt trang trọng trong chiếc tủ kính tại phòng tiếp khách của đơn vị như một lời động viên, nhắc nhở anh em cán bộ chiến sĩ luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ trong công tác PCCC, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.

cap mu cuu hoa co vat va tam su cua nguoi linh pccc 5547
Đội hình chiến đấu của lực lượng PCCC và cứu nạn, cứu hộ luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu (Ảnh: Nhật Cường).

Tác phong nhanh nhẹn và cực kỳ tập trung cao độ mỗi khi vào ca trực, Thượng tá Đỗ Anh Quyến vẫn không quên động viên anh em cán bộ, chiến sĩ trong toàn đơn vị phải luôn trau dồi kiến thức, kỹ chiến thuật tác chiến chứ tuyệt đối không được mất tập trung.

“Trong hội thao vừa qua do Cục Cảnh sát PCCC tổ chức tại Mỹ Đình hôm 1/10, đơn vị chúng tôi cũng như các đơn vị bạn đều tích cực tập luyện, tham gia với tinh thần tập trung cao nhất. Đội thi của chúng tôi có may mắn hơn vì giành được giải nhất toàn đoàn. Là chỉ huy đơn vị, tôi cảm thấy rất vui mừng trước thành tích này. Chỉ mong anh em đồng đội giữ vững ý chí và luôn nêu cao tinh thần cảnh giác khi có thảm họa liên quan đến cháy, nổ”, trưởng phòng 12 PCCC nói thêm.

Những tâm sự nghẹn lòng của lính PCCC

Là chỉ huy đơn vị trưởng thành từ một người lính chữa cháy chuyên nghiệp, Thượng tá Đỗ Anh Quyến dường như thấu hiểu tất cả những nỗi vất vả, hy sinh mà người lính cứu hỏa phải trải qua. Bản thân ông cũng không phải là ngoại lệ.

“Người lính cứu hỏa dường như không hề có ngày nghỉ nào theo đúng nghĩa. Cứ có cháy là anh em từ chỉ huy cho tới chiến sĩ đều có mặt đầy đủ để cùng tham gia cứu hỏa. Cho dù đang và dở bát cơm hay gội đầu chưa kịp xả bọt xà phòng vẫn lên đường chiến đấu”, ông tâm sự.

cap mu cuu hoa co vat va tam su cua nguoi linh pccc 5547
Áp lực công việc cao đòi hỏi ý chí chiến đấu của lính cứu hỏa luôn phải nâng cao (Ảnh: Chí Hiếu).

Kỷ niệm thì nhiều vô kể, nhưng một trong số vụ hỏa hoạn mà ông không thể quên được đó là vụ cháy xảy ra tại Ga Giáp Bát vào chiều tối ngày 6/5/2009.

Ông nhớ lại: “Khi đó, tôi đang trên đường từ đơn vị về nhà tới Ngã Tư Sở thì nghe tin có cháy ở Ga Giáp Bát. Sẵn có bộ quần áo chữa cháy khi đi tập luyện, tôi lập tức quay lại hiện trường tham gia chữa cháy cùng đồng đội trong điều kiện ngược gió.

Khi nhóm công nhân đang kiểm kê hàng để bốc lên tàu hỏa chở vào TP HCM thì xuất hiện tia lửa điện gây cháy toa chở hàng, sau đó cháy lan sang các nhà xưởng. Tại hiện trường sau đó, Công an đã phát hiện có chất cấm (gây cháy, nổ) đã bị vận chuyển trái phép khiến hỏa hoạn bùng phát khiến hàng chục người thương vong. Đến khoảng 3h sáng hôm sau, đám cháy mới được dập hoàn toàn khiến anh em ai cũng như kiệt sức”.

Ngành nghề nào cũng có những đặc thù của nó, và đối với lính PCCC nói riêng, kíp trực chỉ huy và chiến đấu luôn đặt trong tình trạng báo động cao, trực 24/24 đề phòng có báo cháy.

cap mu cuu hoa co vat va tam su cua nguoi linh pccc 5547
Dù đêm tối hay bất cứ thời gian nào có hỏa hoạn, lính cứu hỏa đều lên đường khẩn trương thực hiện nhiệm vụ (Ảnh: Nhật Cường).

Với lính PCCC, thời gian được quây quần bên vợ con, gia đình chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay vì yêu cầu công tác. Đặc thù nghề nghiệp bắt buộc người lính PCCC phải trực chiến và phục vụ mỗi khi đất nước có sự kiện lớn như các kỳ cuộc, hội nghị quốc tế hay nguyên thủ nước ngoài tới thăm.

Thượng tá Quyến nhớ lại: “Kết hôn năm 1997, nhưng cả hai lần sinh con thì tôi đều ‘phó mặc’ vợ mình cho ông bà hai bên trông nom. Vào tháng 12/2003, vợ đang chuẩn bị sinh cháu thứ hai cũng là lúc chúng tôi gần như trực toàn đơn vị tại SVĐ Quốc gia Mỹ Đình để bảo vệ cho Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games 22) được Việt Nam đăng cai tổ chức.

Vì yêu cầu công tác không thể rời vị trí chốt trực, tôi không thể ở bên lúc vợ mình ‘vượt cạn’ được. Nhưng vợ tôi vẫn rất tự hào và thông cảm cho nỗi khổ của lính PCCC. Sau này lúc các con lớn hơn, khi đau ốm cũng nhờ ông bà trông nom giúp, thực sự những giờ phút được quây quần bên gia đình là vô cùng quý giá”.

Nhờ có hậu phương vững chắc, các cán bộ chiến sĩ PCCC luôn yên tâm công tác để hoàn thành mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.