“Gia đình khó khăn thật nhưng không bán cây sưa!”
Ông Nguyễn Văn Ba (63 tuổi, ngụ thôn Thuận An, xã Tam Anh Bắc, huyện Núi Thành) là chủ nhân của cây sưa đỏ 300 năm tuổi được trồng trong khuôn viên gia đình. Ông Ba là thế hệ thứ 6 bảo vệ cây sưa đỏ của tổ tiên trồng.
Ông Ba giới thiệu, cây sưa này có chiều cao từ gốc tới ngọn khoảng 50m. Tán cây sưa tỏa ra, bao trùm cả một sào đất. Ảnh: Văn Luận. |
Trò chuyện với chúng tôi, ông Ba cho biết, ông từng nghe cha ruột kể rằng cây sưa được tổ tiên đem từ một tỉnh miền Bắc vào trồng khi định cư ở xã Tam Anh Bắc, huyện Núi Thành.
“Cây sưa đó là loại sưa đỏ thật, chục năm trước, khi gió bão, một đoạn cành bị gãy. Đoạn cành này có màu đỏ rực từ ngoài vỏ cho đến lõi bên trong. Ngoài ra nó còn có mùi thơm nồng cho đến tận bây giờ”, ông Ba vừa nói vừa lấy cho chúng tôi xem.
Ông Ba cầm đoạn cây sưa khô cất giữ chục năm qua. Ảnh: Văn Luận. |
Theo quan sát của chúng tôi, đoạn cành trên đã để chục năm nhưng không hề bị mối mọt. Từ bên ngoài đến bên trong đều có màu đỏ và có mùi thơm thoang thoảng.
Ông Ba cười cho biết thêm: “Tôi không hề biết giá trị vật chất cũng như công dụng của cây sưa đỏ. Vừa qua có một số người từ Sài Gòn, Hà Nội đến tham quan và xem cây sưa, ra giá tiền tỷ nhưng tôi lắc đầu với họ".
Theo ông Ba, vợ chồng ông sinh được 5 người con. Hai người con gái đã đi lấy chồng, ba người con còn lại đang sống cùng ông.
“Nói thật là hoàn cảnh gia đình đang khó khăn, giờ ba con trai cũng cũng đang đi làm, chưa có vợ con vì còn cực quá. Gia đình tôi đang ở trong ngôi nhà thờ tự hơn 300 tuổi, có từ đời cha ông để lại.
Hiện giờ ngôi nhà đang xuống cấp nghiêm trọng nhưng chúng tôi không có nhiều tiền để sửa, cứ nhà hư đến đâu là sửa sơ sơ đến đó!”, ông Ba nói.
Ngôi nhà ông Ba đang ở cùng ba con trai. Ảnh: Văn Luận. |
Do cuộc sống khó khăn nên vợ ông Ba đã bỏ đi từ lâu. Để nuôi các con nên người, ông Ba làm nông, tranh thủ lúc nhàn rỗi, ông nhận thêm việc làm thuê.
Cuộc sống khó khăn, ông Ba cho biết, tiền cũng rất cần nhưng ông nhất định không bán cây sưa đỏ trăm tuổi. “Nếu có thể làm du lịch giới thiệu cho mọi người biết đến cây sưa đỏ cổ thụ thì tôi sẵn sàng làm. Mỗi năm tới tháng 3, cây sưa nở hoa đẹp lắm!”, ông Ba nói.
Chính quyền sẽ khảo sát, làm đề án để cây sưa đỏ được công nhận là cây Di sản
Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Nhân, Trưởng thôn Thuận An cho biết, cây sưa gia đình ông Ba trồng chính là sưa đỏ.
Ông Nhân trưởng thôn Thuận An. Ảnh: Quang Nam |
“Giá trị vật chất cây sưa đỏ của gia đình ông Ba trồng ra sao thì tôi không dám nói, bởi tôi không biết rõ. Tuy nhiên, về giá trị tinh thần thì từ bao đời này, nó như nguồn sống, bảo vệ cả làng làm ăn. Ngay cả cụ già cao tuổi nhất thôn năm nay đã 90 mà còn nói cây sưa đỏ có từ trước khi cụ ra đời”, ông Nhân chia sẻ.
Chính quyền địa phương sẽ làm đề án để đưa cây sưa đỏ được công nhận là cây Di sản rồi tổ chức cho mọi người tham quan. Ảnh: Văn Luận. |
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch xã Tam Anh Bắc (huyện Núi Thành) cho biết, chính quyền xã đã có sự quan tâm, tìm hiểu về cây sưa đỏ cổ thụ được trồng tại gia đình ông Nguyễn Văn Ba.
Chính quyền xã đã làm xong báo cáo về giá trị cây sưa đỏ, gửi lên UBND huyện Núi Thành xem xét. Trong thời gian tới, đoàn công tác của huyện sẽ xuống nhà ông Nguyễn Văn Ba tìm hiểu thực tế giá trị của cây.
Qua đó, xã sẽ từng bước làm đề án để đưa cây sưa đỏ được công nhận là cây Di sản rồi tổ chức cho mọi người tham quan, tìm hiểu, đem lại lợi nhuận kinh tế cho gia đình ông Ba cũng như cho địa phương.
Hai vụ phá rừng ở Quảng Nam: Đình chỉ công tác nhiều cán bộ Kiểm lâm
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam đã đình chỉ công tác 1 tháng đối với nhiều cán bộ kiểm lâm địa bàn Ban quản ... |
Chuyện ông 'cụt' giữ lửa nghề, mang thúng chai đi khắp trời Tây
Ông Trần Dư (81 tuổi, trú khối Hà Quảng, phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) được biết đến là người đầu tiên ... |