Có thể nói, Google đã có một tuần khá bận rộn. Đầu tiên, công ty quyết định sẽ cải tiến Gmail, khiến chúng mang tính tương tác nhiều hơn. Rồi một "Google Stories" đầy hào nhoáng – tính năng theo phong cách của Snapchat và Instagram trong việc hiển thị tin tức dạng ảnh – xuất hiện trong kết quả tìm kiếm của Google.
Quan trọng hơn cả, chúng ta cuối cùng cũng được nhìn thấy ngày Google – "ông trùm" quảng cáo – đưa tính năng chặn quảng cáo vào trong trình duyệt web Chrome nổi tiếng của mình.
Có thể bạn sẽ nghĩ rằng những dự án này của Google chẳng liên quan gì đến nhau, nếu có thì chúng chỉ là những điều mà Google làm để có cái nhìn thiện cảm từ phía công chúng. Công ty đang rất nỗ lực để khiến những trải nghiệm cốt lõi của kỷ nguyên mở - email, tìm kiếm và đọc các trang web – trở nên sạch hơn, tốt hơn và thân thiện hơn.
Điều đó có thể đúng, nhưng đó mới chỉ là một mặt của đồng xu. Trên thực tế, mục tiêu của Google chính là siết chặt hơn đôi tay vốn đang bóp nghẹt Internet của họ.
Theo trang Popular Mechanics, một trong những điểm then chốt của mối liên kết giữa các dự án này chính là "Accelerated Mobile Pages Project", hay còn gọi là AMP. Là một dự án mã nguồn mở do Google dẫn đầu và công bố vào cuối năm 2015, AMP là sự kết hợp của công nghệ và các tiêu chuẩn được thiết kế giúp các trang web tải nhanh hơn trên thiết bị di động.
Bằng cách sử dụng một số đoạn code đặc biệt của AMP và tôn trọng các nguyên tắc của nó, các trang web có thể tạo ra một phiên bản di động có tốc độ tải siêu nhanh – có thể lên tới gấp 3 lần so với thông thường – mà không cần bất kỳ sự thay đổi nào về mạng Internet của người dùng. Hơn nữa, Google sẽ xếp những trang web đó ở thứ hạng cao hơn trong danh sách kết quả tìm kiếm. Người dùng tìm kiếm trên Google bằng thiết bị di động sẽ có trải nghiệm tốt hơn, các trang web sẽ có lưu lượng lớn hơn và thu hút nhiều người dùng hơn, buộc các trang web khác phải làm theo, ai cũng có lợi, phải không?
Nhưng trang web nào cũng nhanh cũng đồng nghĩa với việc…chẳng có trang web nào nhanh cả.
Không có ai hay thứ gì là hoàn hảo cả, và AMP cũng vậy. Các trang web tuân thủ AMP tải nhanh hơn vì những quy tắc được đặt lên chúng đã khiến sự lựa chọn về mặt thiết kế của trang và loại quảng cáo mà chúng được phép hiển thị bị giới hạn đi rất nhiều. Điều này đã khiến các trang web rất đau đầu, khi dù có đứng top kết quả tìm kiếm cũng không kiếm được quá nhiều tiền. Đây là một sự đánh đổi rất lớn và cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng. Có không ít cách để tăng tốc độ tải trang, nắm quyền kiểm soát doanh thu, nhưng chỉ có AMP mới là "tấm vé vàng" để trang web có thứ hạng cao và đảm bảo lưu lượng truy cập. Một trang web không có người truy cập thì làm gì có đối tác quảng cáo, làm gì có lợi nhuận?
Biến Gmail trở nên mang tính tương tác nhiều hơn và đưa "Google Stories" vào kết quả tìm kiếm cũng đều bắt nguồn từ AMP. Các Stories, tuy rất bắt mắt và có vị trí đẹp trên danh sách kết quả tìm kiếm, hiện tại chưa hỗ trợ bất kỳ loại quảng cáo nào, nhưng khi Google bắt đầu triển khai hỗ trợ thì chắc chắn nó sẽ chỉ cho phép các quảng cáo được tối ưu về mặt tốc độ và vị trí đặt để không gây khó chịu cho người dùng. Và rồi câu hỏi lại được đặt ra cho các nhà xuất bản: Dùng hay không dùng?
Việc thêm vào tính năng chặn quảng cáo đã được Google lên kế hoạch từ cách đây hơn một năm, khi trang Wall Street Journal đưa tin rằng công ty sẽ "ra tay" chọn xem loại quảng cáo nào được phép hiển thị trên Chrome. Sau bản cập nhật ngày 15/2 vừa qua, Chrome sẽ bắt đầu chặn quảng cáo, đặc biệt là những quảng cáo được cho là gây khó chịu cho người dùng: Pop-up, video tự động phát, nhạc,…
Điều này sẽ khiến cho việc lướt web trở nên dễ chịu hơn rất nhiều, đồng thời cho các trang web cơ hội để thích ứng. Trong suốt thời gian qua, chúng ta đã bị vướng vào cuộc "chạy đua vũ trang" giữa người dùng sử dụng trình chặn quảng cáo bên thứ ba để loại bỏ toàn bộ quảng cáo và các trang web cần tiền để duy trì, phát triển. Việc Google đưa tính năng chặn quảng cáo vào Chrome chính là lối thoát duy nhất của cuộc chiến này, khi các trang web được phép đặt các quảng cáo mà Google coi là "không gây khó chịu", thậm chí còn được cung cấp các công cụ để chuyển đổi, và người dùng không còn cần phải dùng đến trình chặn quảng cáo nào khác nữa.
Tuy nhiên, một lần nữa, đây mới chỉ là một mặt của đồng xu. Mục tiêu thực sự của Google là khẳng định vị thế độc tôn của mình trong lĩnh vực quảng cáo. Công ty chiếm gần 75% lưu lượng tìm kiếm trên web, gần 60% việc duyệt web được thực hiện trên Chrome. Năm 2017, doanh thu quảng cáo của công ty chiếm 42% thị trường số của Mỹ, mang lại cho họ 35 tỷ USD. Bằng AMP và chặn các quảng cáo "gây khó chịu" trên Chrome, Google có thể sử dụng tầm ảnh hưởng khổng lồ của mình để thay đổi cả thị trường, khi các trang web muốn có lợi nhuận tốt hơn hết hãy sử dụng quảng cáo của họ. Mặt khác, người dùng, tránh được những quảng cáo khó chịu thì lại phải sống chung với việc liên tục bị theo dõi, khi các quảng cáo sẽ được định hướng để phù hợp với xu hướng tìm kiếm.
Ông Mark Mayo, phó Chủ tịch sản phẩm của Mozilla Firefox chỉ ra rằng Google đã hoàn toàn bỏ qua yếu tố này trong tuyên bố của mình với trang Popular Mechanics:
"Chúng tôi nghĩ rằng trình chặn quảng cáo mới của Google là một bước đi rất tích cực, giảm bớt sự lộn xộn của trang web cũng như sự khó chịu của người dùng đối với quảng cáo. Tại Mozilla, mục tiêu của chúng tôi là cải thiện trải nghiệm web tổng thể của người dùng đồng thời bảo vệ họ khỏi những mối nguy hại thực sự, như là bị theo dõi. Liên minh vì Quảng cáo Tốt hơn (Coalition for Better Ads – CBA) tuy có giải quyết những vấn đề hữu hình về quảng cáo trực tuyến nhưng lại không hề đả động đến các cỗ máy theo dõi vô hình được sử dụng để tạo ra các hồ sơ về sở thích và hoạt động của người dùng".
Trong trình duyệt mới được làm lại có tên Firefox Quantum, Mozilla đã tích hợp tính năng Tracking Protection để ngăn chặn việc theo dõi người dùng, còn Google, "ông trùm" quảng cáo và là "chuyên gia" trong việc theo dõi người dùng, không hề có tính năng nào tương tự như vậy trên Chrome.
Google được sinh ra và lớn lên trong kỷ nguyên web mở, một thời kỳ bùng nổ của sự liên kết giữa người với người. Khi mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến và các ứng dụng nhắn tin xuất hiện ở khắp mọi nơi, Google đã bị bỏ lại ở phía sau. Google Plus không khác gì một trò đùa. Một loạt các ứng dụng trò chuyện của Google – Gchat, Hangouts, Google Voice, Duo, Allo – không tài nào cạnh tranh được với các đối thủ.
Nhưng khi nhắc đến tìm kiếm, trình duyệt hay email, Google vẫn có tầm ảnh hưởng rất lớn, và chắc chắn công ty sẽ làm mọi cách để giữ vững được tầm ảnh hưởng đó.
Tuy vậy, là người dùng, thứ mà bạn nên bận tâm nhất ở thời điểm này chính là làm thế nào để làm quen được với tốc độ và sự "sạch sẽ" mà những thay đổi mới mang lại. Trải nghiệm khi duyệt web đã bớt khổ sở hơn, và trang web mà bạn yêu thích vẫn có một nguồn thu nhất định để duy trì và phát triển. Tất nhiên, những lợi ích đó vẫn đòi hỏi phải có những sự đánh đổi nhất định, nhưng nhiều khả năng bạn chẳng thể nhìn thấy những gì mà mình đã mất đâu.