Liên quan đến việc ông Vương Duy Bảo (Cháu nội “Vua Mèo” Vương Chí Sình hay còn gọi là Vương Chí Thành) có đơn gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tòa dinh thự họ Vương tại xã Sa Phìn, huyện Đồng Văn (Hà Giang), chiều 20/8, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Vương Duy Bảo.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Vương Duy Bảo cho biết, sau khi biết thông tin Sở TN&MT tỉnh Hà Giang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tòa dinh thự Nhà Vương cho phòng văn hóa và thông tin huyện Đồng Văn, ông đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng.
Chủ nhân của tòa dinh thự họ Vương (dân tộc Mông ở huyện Đồng Văn) là ông Vương Chính Đức (1865 – 1947). Hơn một thế kỷ trước, với nghề trồng và buôn thuốc phiện, dòng họ Vương đã thống lĩnh toàn bộ vùng cao nguyên rộng lớn và được bà con gọi là vua Mèo. (Ảnh: Dân trí) |
Theo đó, ngày 24/7, ông Hoàng Văn Nhu, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hà Giang đã ký văn bản gửi Sở VH-TT&DL về việc phối hợp giải quyết đơn thư của ông Vương Duy Bảo liên quan đến di tích quốc gia khu Nhà Vương (xã Sà Phìn, Đồng Văn).
Văn bản nêu rõ, sau khi nghiên cứu kiểm tra các hồ sơ liên quan và nội dung đơn của ông Bảo, Sở TN&MT có ý kiến.
Đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Vương đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là phòng văn hóa và thông tin huyện Đồng Văn (Hà Giang). Mục đích sử dụng: Đất có di tích danh thắng.
Văn bản của Sở TN&MT tỉnh Hà Giang căn cứ vào quyết định của Bộ Văn hóa Thông tin về việc công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật khu Nhà Vương (xã Sà Phìn, Đồng Văn, Hà Giang).
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang cấp cho Phòng văn hóa thông tin huyện Đồng Văn. |
Theo quy định của Luật Đất đai năm 2003: “Đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định bảo vệ thì phải được quản lý nghiêm ngặt”.
Khoản 1 Điều 54 Nghị định 181/2004/NĐ-CP về việc thi hành luật đất đai quy định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: “Đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh độc lập thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho tổ chức trực tiếp quản lý di tích lịch sử - văn hóa danh lam thắng cảnh”.
“Như vậy, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Phòng văn hóa và thông tin huyện Đồng Văn là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật”, văn bản nêu rõ.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Vương Duy Bảo cho hay, văn bản của Sở TN&MT tỉnh Hà Giang có nhiều điều vô lý.
“Tôi là nhân chứng lịch sử, con cháu trong nhà và là người đã từng ở ngôi nhà đó mà khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đo diện tích tôi không được biết.
Đất khu vực nhà Vương chúng tôi sinh sống bao đời nay và từ trước đến nay thuộc sở hữu của gia đình chúng tôi bỗng nhiên lại thuộc quyền sở hữu của người khác”, ông Bảo nhấn mạnh.
Ông Vương Duy Bảo cho hay, dòng họ ông chưa hiến tặng, chưa trao đổi, cho ai (Ảnh: Công Phương). |
Ông Bảo cho biết thêm, năm 2002, bố ông là Vương Quỳnh Sơn đã vận động mọi người trong dinh thự nhà Vương chuyển ra ngoài sinh sống và đề nghị nhà nước hỗ trợ 230 m2 đất và tiền để dựng nhà cửa nhưng nhà nước chỉ hỗ trợ mỗi gia đình được 100 m2.
Ngoài ra, nhà nước trích hỗ trợ tổng 500 triệu đồng cho ba chủ thể sở hữu dinh thự họ Vương ra ngoài sinh sống. Đây là số tiền giúp mọi người xây nhà ở khu đất mới.
“Chúng tôi chưa quyết định hiến dinh thự cho nhà nước. Chúng tôi không cho, không bán, không hiến tặng và trao đổi với ai”, ông Bảo nhấn mạnh.
Theo ông Bảo, trong văn bản nêu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có ghi rõ: chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Tuy nhiên, tại giấy chứng nhận số BB120672 cấp cho Phòng Văn hóa thông tin huyện Đồng Văn chỉ có thửa số và tờ bản đồ.
“Di tích Nhà Vương có ba ngôi nhà chính và nhiều cây lâu năm nhưng trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không hề ghi. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ ghi diện tích sử dụng”, ông Bảo nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ Văn hóa thông tin công nhận di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh đối với khu Nhà Vương (xã Sà Phìn, Đồng Văn, Hà Giang) là di tích kiến trúc – nghệ thuật.
Trong văn bản thông báo do ông Phạm Việt Long, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa thông tin ký ngày 20/3/3002 truyền đạt ý kiến của Bộ trưởng Bộ Văn hóa thông tin Phạm Quang Nghị nêu rõ: Khu nhà của dòng họ Vương ở xã Sà Phìn (Đồng Văn, Hà Giang) là di tích kiến trúc nghệ thuật.
“Việc Nhà nước công nhận các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật trên đất nước Việt Nam, trong đó có di tích Nhà Vương là sự ghi nhận về mặt pháp lý và tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị ấy trong hiện tại và tương lai.
Đó là mục đích và việc làm đúng đắn, có tác dụng tốt cho cả chủ sở hữu các di tích, cho các địa phương có di tích và cho toàn xã hội.
Quyết định này không quốc hữu hóa quyền sở hữu ngôi nhà của những người trong gia đình được quyền thừa kế hợp pháp.
Bộ Văn hóa Thông tin cùng với địa phương và gia đình dòng họ Vương không những có trách nhiệm quản lý, giữ gìn giá trị vật chất, kiến trúc của di tích, không để hư hỏng, xuống cấp, mà còn phải giữ gìn nâng cao và phổ biến các giá trị văn hóa, nghệ thuật của di tích thông qua việc bảo tồn, tôn tạo, giới thiệu di tích góp phần xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam”, văn bản nêu rõ.
Hà Giang sẽ kiểm tra quy trình cấp sổ đỏ dinh thự Vua Mèo
Dự kiến tuần tới, tỉnh Hà Giang lập tổ công tác kiểm tra nội dung liên quan đến đơn kiến nghị của cháu nội Vua ... |
Vụ cháu nội Vua Mèo kêu cứu lên Thủ tướng: Cận cảnh tòa dinh thự rộng cả ngàn m2 ở Hà Giang
Dinh thự của Vua Mèo Vương Chí Sình nằm ở thung lũng Sà Phìn (Đồng Văn, Hà Giang) là một công trình kiến trúc tinh ... |
Thăm dinh vua Mèo - Điểm đến chưa bao giờ hết 'hot' ở Hà Giang
Dinh thự vua Mèo bề thế gần trăm năm tuổi nằm giữa vùng thung lũng trên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) với kiến ... |