Chị L.T.T.H cùng con gái và 2 người cháu, cả ba đều dưới 9 tuổi, đặt xe từ Trung tâm thể dục thể thao Quận 1 (TP HCM) ở số 1 Huyền Trân Công Chúa về nhà ở Quận 4. Theo lời chị kể, tài xế tên P.Q.V chạy xe Toyota Vios 5 màu trắng BS 51F-xxxxx lịch sự gọi điện trước khi đến, và chị có mặt ngay trước cổng để lên xe chứ không để tài xế đợi.
Nhưng ngay khi xe lăn bánh, tài xế mở ứng dụng lên rồi thở dài: “Trời mưa mà Grab tính 40.000 đồng cho 5 km”. “Lúc đó tôi cũng thấy ngại và không nói gì”.
Và từ lúc đó, người tài xế ngay lập tức tỏ thái độ khó chịu với lũ trẻ ngồi phía sau. Ngay khi qua khỏi ngã tư Thủ Khoa Huân và Lý Tự Trọng, người này chỉ buông một câu: “Chị xuống xe đi. Em không thể đi cuốc này”.
Giá cước thấp khiến một tài xế quyết định bỏ khách giữa đườngẢnh chụp màn hình.
Chị H. cho biết chị không phản ứng gì, chỉ yêu cầu anh tấp sát vào lề cho 3 đứa trẻ xuống xe dễ dàng và an toàn, vì trời mưa đường trơn. Bốn người sau đó đứng nép vào hiên nhà của một shop bán trái cây trên đường Thủ Khoa Huân.
“Tôi mở app lên xem thì vẫn không thấy tài xế cancel (hủy chuyến), nên đành chạy ra đường vẫy taxi chạy ngang”, chị H kể lại.
Một câu chuyện nghe qua cũng… thường ngày ở huyện bởi chuyện tài xế hay khách hủy chuyến là bình thường, nhưng đa phần đều xảy ra trước khi hành trình bắt đầu. Điều mà chị H. bức xúc và ngay lúc đó 3 đứa trẻ cứ ngơ ngác không hiểu vì sao phải xuống xe khi chưa đến nhà, là sự vô cảm, lạnh lùng của người tài xế… chỉ vì 40.000 đồng.
Trời mưa, một phụ nữ dắt theo 3 đứa trẻ và 40.000 đồng, người tài xế ấy đã chọn… 40.000 đồng. Không một lời nói cho qua chuyện, tối thiểu cũng là “chị thông cảm cho em”, người tài xế đã đưa ra một quyết định nhanh gọn lẹ, và an ủi khách hàng bằng câu “em sẽ gọi hãng, trả lại tiền cho chị”.
Ở đây, người viết chỉ muốn nói cụ thể “40.000 đồng” chứ không muốn nói chữ “tiền”. Biết đâu, quyết định ấy chỉ là bốc đồng…
Khi kể lại câu chuyện này, chị H. cho rằng chị không vì chuyện này mà tẩy chay hãng xe, bởi cũng là hãng xe này, ngay ngày hôm trước 16/8, chị lại có một chuyến đi thú vị dù hành trình cũng khá ngắn.
Tài xế N.T.Nhã chạy xe BS 51G-xxxxx vui vẻ trò chuyện kể về cái nghề mà anh cho rằng “phải biết tích tiểu thành đại”.
Anh kể: “Chạy GrabCar không vội được đâu chị. Không vội có nghĩa là không thể cứ nhanh muốn có cuốc nhiều tiền. Mình cứ túc tắc chạy. Nổ điểm nào cũng đi rồi mình sẽ được những chuyến dài”.
“Anh Nhã khi đến tôi ở chung cư cũng là nơi anh thả khách xuống. Tôi thấy anh lịch sự mở cửa, xách hộ khách túi nọ túi kia. Nên khi lên xe, tôi không ngại nói chuyện với anh”, chị H. kể lại.
Anh Nhã cho biết anh không nề hà chuyện mở cửa hay phụ giúp khách mang hành lí xuống xe vì một công đôi chuyện. Theo anh, khách vừa hài lòng còn tài xế lại vừa nhanh kết thúc chuyến đi để chạy cuốc mới.
Trong khi đó, cũng là một cuốc xe ngắn, một tài xế lại không để tâm lắm đến chuyện tiền bạc. (Ảnh minh họa: Shutterstock).
Khi gần đến nơi, anh Nhã được một cuốc xe mới. Anh kết luận: “Chị thấy đó, em mà không đón khách từ Cống Quỳnh ở quận 1 về đây dù giá chỉ 16.000 đồng với mã khuyến mãi thì em đã không chở chị ra Thái Văn Lung. Và vậy thì giờ em đâu có được cuốc đi ra sân bay giờ này”, chị H. kể lại lời anh Nhã, một tài xế vui vẻ chào khách khi lên xuống xe.
Và anh Nhã không chỉ có được một cuốc đi nhiều tiền vào cuối ngày mà hơn thế, anh còn có được lòng tin của khách hàng. Và hãng xe của anh có thêm được một “đại sứ thương hiệu” nữa.
Cuộc sống có người này người kia. Không vì một chuyện nhỏ mà đánh giá thấp chất lượng của một tổ chức. Câu chuyện bị bỏ giữa đường giữa trời mưa của chị H. có thể đã xảy ra đâu đó nhưng chúng ta ai cũng cần lên tiếng. Lên tiếng để nhắc nhở bản thân, nhắc nhở người xung quanh và cả người dưng có thể chỉ gặp một lần trong đời.
Trên đường về nhà bằng xe taxi, chị H. có nhận cuộc từ tổng đài Grab, xác nhận về chuyện tài xế hủy chuyến để trả lại tiền như thường lệ (vì chị H. thanh toán cước phí bằng ví điện tử Moca trên ứng dụng Grab). Chị H. đã thông báo tình hình thực tế. Nhân viên tổng đài Grab cho biết họ ghi nhận và sẽ làm việc với tài xế. |