Trẻ nhỏ lúc nào cũng cần cha mẹ. Từ khi sinh ra cho đến khoảng 10 tuổi, lúc nào trẻ cũng cần sự quan tâm và chú ý của cha mẹ. Nhưng đến tuổi teen, mong muốn này của trẻ giảm sụt xuống. Và đến khi con cái chúng ta đến ngưỡng 18 tuổi, có khi cha mẹ gọi chúng còn không buồn nhấc điện thoại.
Trẻ nhỏ lúc nào cũng cần cha mẹ. Từ khi sinh ra cho đến khoảng 10 tuổi, lúc nào trẻ cũng cần sự quan tâm và chú ý của cha mẹ. (Ảnh: Annietaophotography) |
Đáp ứng nhu cầu được quan tâm chú ý của các con có thể khiến bạn vô cùng mệt mỏi, đặc biệt là khi bạn chưa biết một bí mật nhỏ khiến cho thời gian bạn ở bên con trở nên thư giãn, tiếp thêm sinh lực cho bạn, khiến bạn sáng tỏ và cảm thấy trọn vẹn: sự có mặt của chúng ta không chỉ đủ, nó còn tốt hơn cả đủ.
Chuyên gia về trẻ em Magda Gerber gọi khoảng thời gian cha mẹ ở bên con như vậy là “thời gian không muốn gì” – wants nothing quality time. Với tôi, tôi cảm thấy nhẹ cả người khi khám phá ra rằng trẻ em sinh ra là đã có khả năng học hỏi tự nhiên. Trẻ em có những ý tưởng riêng, chúng không cần đến ý tưởng của người lớn chúng ta. Ý tưởng của chúng ta chỉ gây cản trở cho chúng mà thôi.
Việc thay đổi vai trò từ người tiêu khiển cho con thành một người quan sát con ở hạng ghế vip cũng khiến tôi nhẹ nhõm. Tôi đã biết là mình thích làm gì và mình nhìn thế giới thế nào, nhưng mỗi khoảnh khắc quan sát con khiến tôi hiểu con và trân trọng con hơn. Tôi đang TÌM HIỂU con mình.
Những lợi ích mà con tôi nhận được từ “thời gian không muốn gì” này rất dễ nhận ra. Trẻ em rất thích được cha mẹ quan tâm trong sự im lặng, kể cả khi chúng mới chỉ là trẻ sơ sinh, thật ra là đặc biệt khi chúng LÀ trẻ sơ sinh; bởi trẻ sơ sinh cực kì nhạy cảm. Nhà nghiên cứu nhận thức Alison Gopnik viết: “Trẻ sơ sinh tỉnh thức hơn chúng ta. Càng lớn tuổi sự tỉnh thức càng thu hẹp lại. Bởi chúng ta càng biết nhiều thì chúng ta càng “thấy” ít.”
Tôi đang TÌM HIỂU con mình. (Ảnh: Annietaophotography) |
Khi sự chú tâm của chúng ta không phụ thuộc vào hành động, trò chơi, hay nụ cười của con thì các con sẽ nhận được những thông điệp mạnh mẽ có tính khẳng định như:
Mình thú vị.
Mình có khả năng.
Mình sáng tạo.
Ở bên mình cha/mẹ vui.
Bản thân mình là đủ.
Amy là một người mẹ mới sinh bé thứ hai. Để giúp bé thứ nhất Liam năm nay 3 tuổi thích nghi với cuộc sống có em bé, tôi đã khuyên cô ấy mỗi ngày dành ra vài phút riêng cho Liam, và nếu có thể thì sắp xếp mỗi tuần ra ngoài 1 buổi riêng với cậu bé, như thế thời gian dành cho Liam chắc chắn sẽ không bị em bé làm gián đoạn.
Trẻ em rất thích được cha mẹ quan tâm trong sự im lặng, kể cả khi chúng mới chỉ là trẻ sơ sinh. (Ảnh: Annietaophotography) |
Sau đó Amy gửi cho tôi lá thư này:
“Tôi nghĩ về điều mà cô đã nói với tôi về “thời gian đặc biệt” dành cho Liam. Tôi đã nói rằng dường như thời gian bị lãng phí khi hai mẹ con tôi đi đâu đó mà bé chỉ tập trung vào việc bé đang làm chứ chẳng hề chú ý gì đến tôi. Cô nói: “nhưng đó là cách tốt nhất để sử dụng khoảng thời gian đó mà. Như thế bé sẽ hiểu rằng: “bản thân con là đủ, và việc con muốn làm là đủ.” Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi nghe được điều đó. Tôi cảm thấy rất biết ơn khi cô đã nói rằng bản thân tôi là đủ. Rằng sự có mặt của tôi là đủ đối với con. Liam không cần phải làm tôi vui, tương tự như vậy, tôi cũng không cần phải làm con vui. Sự có mặt của tôi đã là đủ đối với con rồi.
Thật thú vị là hôm nay, Liam chọn ở nhà và chơi Lego thay vì ra ngoài để hai mẹ con có thời gian riêng cho nhau. Tôi hỏi bé mấy lần là bé có muốn đi đâu đó không, cuối cùng bé chỉ nhìn tôi và nói: “muốn mẹ ngồi đằng kia” và chỉ vào chỗ bên cạnh bé trên sàn nhà. Đó thực sự là một lời đề nghị cho “thời gian không muốn gì” mà cô nói đến.”