'Chỉ có metro mới giải quyết được ùn tắc giao thông ở TP HCM'

Từ kinh nghiệm thế giới, nếu thành phố không hoàn thành được đường sắt đô thị thì khó giải quyết được tắc nghẽn giao thông, theo Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi.

Ý kiến được Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi đưa ra tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM lần thứ 31, sáng 13/6, khi đề cập đến kế hoạch xây dựng hệ thống metro trên địa bàn. "Kinh nghiệm thế giới, thành phố trên hai triệu dân đã phải tính đến kết nối bằng metro trong khi TP HCM đã hơn 10 triệu người", ông Mãi nói.

Hiện, tuyến metro đầu tiên của TP HCM là Bến Thành - Suối Tiên dài gần 20 km đã xong 98%, dự kiến sẽ khai thác thương mại vào cuối năm nay. Tuy nhiên, dự án đang gặp phải nhiều vướng mắc và thành phố đang nỗ lực để đưa công trình vào khai thác đúng kế hoạch.

Trong khi đó, Kết luận 49 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam, đến năm 2030, TP HCM sẽ hoàn thành 31 km đường sắt đô thị, gồm tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, tuyến số 2 đoạn Bến Thành - Tham Lương. Đến 2035, thành phố sẽ có khoảng 183 km đường sắt đô thị. Tổng mức đầu tư cho metro trong 10 năm tới khoảng 36 tỷ USD. Đến năm 2045, TP HCM có hơn 168 km và vào năm 2060 hệ thống metro của thành phố được hoàn thiện với tổng chiều dài hơn 510 km.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi tại hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ thành phố, sáng 13/6. (Ảnh: An Phương).

Theo ông Mãi, quy hoạch giai đoạn 2030-2040, TP HCM sẽ tổ chức các vùng đô thị gồm trung tâm, TP Thủ Đức nằm ở phía Đông; các thành phố phía Nam, Tây Nam và các hướng khác. Đến năm 2040, sẽ hình thành 5 thành phố trực thuộc TP HCM giống TP Thủ Đức hiện tại, từ đó xây dựng mô hình đa trung tâm.

Người đứng đầu chính quyền thành phố cho rằng, đối với mô hình này, hệ thống đường sắt đô thị sẽ là phương thức kết nối chính. Thời gian qua, thành phố chưa hoàn chỉnh hạ tầng giao thông nên công tác quy hoạch vẫn như "vết dầu loang". "Chừng nào TP HCM hoàn thành được hệ thống đường sắt đô thị thì các điểm nghẽn về giao thông mới được giải quyết", ông Mãi nói, cho biết 70% chiều dài các tuyến metro trên địa bàn sẽ đi ngầm, giúp mở ra không gian phát triển mới cho thành phố.

Liên quan vấn đề này, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Trần Quang Lâm cho rằng, theo quy hoạch chung của thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, tổng cộng chiều dài dự kiến đường sắt đô thị hơn 558 km, tức đạt tỷ lệ 30-40 km cho một triệu dân.

Ông Trần Quang Lâm tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP HCM lần thứ 31, sáng 13/6. (Ảnh: An Phương).

Định hướng đến năm 2030, thị phần vận tải hành khách công cộng đảm nhận 35-45%. Trong năm 2022, con số này đạt 349,2 triệu lượt hành khách, đạt 86,9% so với kế hoạch 402 triệu lượt. Theo ông Lâm, một trong những nguyên nhân khiến thị phần vận tải hành khách công cộng không đạt mục tiêu đề ra là việc chậm trễ phát triển và khai thác hệ thống đường sắt đô thị.

Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải cho rằng các phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh, trong khi đầu tư hạ tầng, đặc biệt là giao thông công cộng không đáp ứng kịp, dẫn đến tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông gây thiệt hại cho nền kinh tế và ô nhiễm môi trường. "Ưu tiên phát triển metro chính là giải pháp hiệu quả nhất để giải quyết bài toán giao thông đô thị một cách bền vững trên địa bàn thành phố", ông Lâm nói.

Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nói rằng, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đã được thực hiện 20 năm nhưng mới hoàn thành 98% và đang cần giải quyết một số vấn đề trước khi đưa vào vận hành. Theo ông, đây là công trình đầu tay nên phải "chấp nhận để rút kinh nghiệm".

Hiện, tuyến metro số 2 thực hiện giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng, kỹ thuật, các tuyến khác cũng đang chuẩn bị để triển khai nhanh nhất có thể. "Với 200 km metro còn lại, thành phố chắc chắn không thể chấp nhận cách làm như vậy mà cần đổi mới từ huy động nguồn lực, cơ chế, chính sách để rút ngắn thời gian", ông Nên nói.

Tàu Metro Bến Thành - Suối Tiên tập kết tại depot Long Bình, TP Thủ Đức, tháng 6/2024. (Ảnh: Quỳnh Trần).

Về nguồn vốn để đầu tư 200 km đường sắt đô thị trong 10 năm tới (ước tính khoảng 36 tỷ USD), Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cho rằng "đây là con số lớn và cần có cơ chế đột phá để huy động nguồn lực".

Theo ông Mãi, khi nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài, nguồn vốn đầu tư chủ yếu từ ngân sách, chỉ một số hạng mục có nguồn lực xã hội. Đơn cử như thành phố Busan (Hàn Quốc), nguồn thu từ bán vé, quảng cáo, chi phí cho thuê mặt bằng chỉ chiếm 40-50%, còn lại phải cấp bù ngân sách thông qua cơ chế khai thác quỹ đất dọc tuyến đường sắt đô thị theo mô hình TOD (Thúc đẩy phát triển đô thị gắn với định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng).

Chủ tịch UBND thành phố phân tích nếu chia 36 tỷ USD trong 10 năm, mỗi năm gần 4 tỷ USD thì "không phải quá nhiều", bao gồm cả huy động nguồn vốn và trả nợ sau này. Thành phố không đặt vấn đề vay ODA mà sẽ vay trong dân thông qua trái phiếu đường sắt đô thị. "Các ngân hàng khẳng định nếu lãi suất bằng hoặc cao hơn lãi suất trái phiếu chính phủ thì sẽ huy động tốt khoản này", ông Mãi nói.

Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP HCM lần 31 kéo dài 1,5 ngày. Các đại biểu sẽ thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội thành phố 6 tháng đầu năm nay, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm; quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị thành phố; kết quả xây dựng đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ...

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.