Những vụ chia tay dẫn đến thảm cảnh đau lòng hàng ngày mà báo chí đăng tin có lẽ nên là liều thuốc cảnh tỉnh cho tất cả những bạn trẻ đang yêu nhìn nhận lại cách yêu và cách chia tay có văn hóa, sao cho hai bên không cảm thấy bị tổn thương, bị mất mặt dẫn đến những hành vi không thể kiểm soát.
Không bàn đến nguyên nhân và hậu quả của việc “thảm án tình” sau khi chia tay, những người trẻ khi yêu hãy lấy đó làm bài học nhãn tiền và chuẩn bị cho mình những kĩ năng để làm sao khi tình yêu không còn, thì bạn và đối phương có thể hạn chế đối đa việc làm tổn thương nhau và gây ra những vụ trả thù tình man rợ.
Đừng vội vàng nói chia tay khi đang mâu thuẫn
Khi hai bên đang tranh cãi, đừng bao giờ nói đến chuyện “tôi sẽ chia tay anh” hoặc ngược lại, điều đó chỉ khiến cho đối phương càng trở nên tức giận và mất kiểm soát.
Khi hai bạn đang mâu thuẫn, hãy ngừng lại, hoãn binh luôn là cách tốt nhất trong trường hợp này. “Chờ đến khi bình tĩnh chúng ta sẽ nói chuyện tiếp” hoặc “chúng ta tạm thời ít gặp nhau 1 thời gian để suy nghĩ về mối quan hệ này” luôn là lời nói khôn khéo để không làm đối phương tức giận. Khi họ vẫn níu kéo bạn, hãy nói chuyện qua điện thoại, lắng nghe xem tâm lý của đối phương ra sao, gặp gỡ và trò chuyện bình thường, sử dụng ngôn từ phù hợp, không nên đẩy đối phương vào tình thế tuyệt vọng vì những lời nói tuyệt tình. Hãy nói “tạm xa nhau” thay vì “tôi không muốn gặp anh/cô nữa”, sau đó tìm cách chấm dứt hẳn.
Đừng bao giờ nổi nóng và lăng mạ đối phương
“Yêu nên tốt - ghét nên xấu” hãy nhớ đến trạng thái cảm xúc này để kìm chế. Hãy nghĩ lại những khi hai bạn đã từng say đắm vì nhau, tất nhiên chuyện chia tay luôn là hậu quả của việc không thể giải quyết được những mâu thuẫn trong mối quan hệ đó, nhưng bạn hãy nghĩ đến việc “cả giận mất khôn” sẽ khiến cho bạn rơi vào trạng thái mất an toàn. Lăng mạ, xúc phạm đối phương để tuyệt giao chưa bao giờ là một cách chia tay an toàn và có văn hóa.
Nếu bạn không thể chấp nhận nổi anh ấy/ cô ấy, hãy nghĩ đến câu chuyện một que diêm cũng có thể đốt cháy cả một khu rừng, một lời nói thóa mạ của bạn phát ngôn trong lúc tức giận sẽ khiến cho bạn rơi vào trạng thái nguy hiểm.
Đừng phủ nhận quá khứ
Có nhiều người khi đang yêu thì suốt ngày đăng ảnh tình cảm thắm thiết, nói bao nhiêu lời thương yêu, nhưng khi hết yêu thì đăng đàn kể lể rằng “chẳng yêu như mình tưởng” hoặc “tôi trắng tay khi yêu anh ta” hoặc “nhận ra người tôi yêu chỉ là kẻ đào mỏ…”.
Tất cả những câu nói xúc phạm hoặc hàm ý phủ nhận quá khứ của hai người đã từng có một mối quan hệ yêu đương đều khiến đối phương bị tổn thương. Bạn hãy thử đặt mình vào trường hợp đó để hiểu, hãy cố gắng kìm chế sự tức giận (và cả sư coi thường của bạn nếu anh ta/ cô ta xứng đáng bị bạn coi thường), nghĩ đến những hậu quả có thể xảy ra, ngừng post hoặc xóa những status gây hấn và làm tổn thương tình cũ trước khi mọi việc đi quá xa.
Đừng vội khoe người yêu mới
Tốt nhất, bạn nên tránh đi cùng bạn trai mới đến những nơi mà bạn và tình cũ hay đến. Hạn chế post ảnh lên facebook cho dù bạn đã block facebook của tình cũ thì anh ta/ cô ta vẫn có nhiều cách để xem được trang cá nhân của bạn.
Hạn chế đăng những dòng trạng thái say mê yêu thương với tình mới khi chia tay tình cũ chưa lâu, đó là cách chia tay thể hiện bạn là người có văn hóa và cũng là một cách để bạn bảo vệ bản thân mình trước những nguy cơ trả thù tình.
Đừng quá cạn tình
Khi chia tay, sau khi áp dụng phương án 1, “tạm xa nhau” rồi xa hẳn, bạn không nên quá cạn tình, thi thoảng nên nhắn tin hoặc gọi điện hỏi thăm nếu đối phương cho phép hỏi han tình hình như những người bạn cũ với nhau. Điều đó tránh cho đối phương có cảm giác hụt hẫng và nếu sau khi chia tay, hai người vẫn có thể coi nhau là bạn thì đó là một điều tuyệt vời!