Việc thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ để giúp Thủ tướng chỉ đạo thực hiện hai dự án trên.
Ban chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, kiểm tra, phối hợp và đôn đốc các bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện các nhiệm vụ về đầu tư xây dựng dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và dự án sân bay Long Thành, theo đúng các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đối với các dự án.
Ban chỉ đạo cũng được giao xem xét, chỉ đạo xây dựng cơ chế chính sách để đẩy nhanh tiến độ các dự án trình Chính phủ, Thủ tướng xem xét quyết định.
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo sẽ tổ chức thực hiện quy chế phối hợp và kế hoạch triển khai thực hiện các dự án theo chức năng, nhiệm vụ, báo cáo nếu có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, đề xuất các giải pháp để Chính phủ, Thủ tướng xem xét, quyết định.
Đồng thời chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc chủ đầu tư công trình, dự án, các tổ chức tư vấn, các nhà thầu.
Ban chỉ đạo được mời các tổ chức, chuyên gia tư vấn trong quá trình chỉ đạo, thẩm định các cơ chế, chính sách, tổ chức và biện pháp thực hiện các dự án, thực hiện các nhiệm vụ cụ thể khác do Thủ tướng giao liên quan các dự án.
Theo quyết định của Thủ tướng, Ban chỉ đạo dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông do Phó thủ tướng Lê Văn Thành làm trưởng ban. Hai phó trưởng ban là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Bộ trưởng Bộ Xây dựng; các ủy viên gồm 12 thứ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành và chủ tịch UBND 23 tỉnh, thành phố có dự án đi qua.
Ban chỉ đạo dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành gồm trưởng ban là Phó thủ tướng Lê Văn Thành; 3 phó trưởng ban là Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; cùng 11 ủy viên là các thứ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, chủ tịch, tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.
Vào đầu tháng 1 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, trên các đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị), Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau, chia thành 12 dự án có thể vận hành khai thác độc lập.
Tổng mức đầu tư của dự án là 146.990 tỷ đồng và được triển khai theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước.
Việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2021, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.
Trước đó, Chính phủ cho biết, toàn tuyến cao tốc Bắc Nam dài 2.063 km, trong đó đã đưa vào khai thác 478 km, đang đầu tư 829 km, còn lại 756 km chưa đầu tư. Ngoài 729 km vừa được Quốc hội đồng ý chủ trương đầu tư thì đoạn còn lại 27 km gồm Hòa Liên - Túy Loan sẽ được triển khai theo dự án riêng; cầu Cần Thơ 2 được đầu tư sau năm 2025.
Còn dự án sân bay Long Thành có quy mô vốn khoảng 5 tỷ USD (khoảng 110.000 tỷ đồng), gồm nhiều dự án thành phần. Trong đó, UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với tổng kinh phí hơn 22.000 tỷ đồng đến nay ngân sách Nhà nước đã bố trí đầy đủ.
ACV làm chủ đầu tư dự án thành phần 3, là các công trình thiết yếu trong cảng, bao gồm: Nhà ga hành khách, hạ tầng hàng không; hệ thống cấp nước, xử lý nước thải; nhà ga hàng hóa số một, nhà để xe; hệ thống giao thông kết nối…
Đến nay, UBND tỉnh Đồng Nai đã bàn giao mặt bằng đầu tư xây dựng giai đoạn 1 được hơn 1.284 ha trong tổng số 1.810 ha, tức là còn lại khoảng 525 ha.
Sân bay Long Thành dự kiến được đưa vào sử dụng trong năm 2025.