Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions. Ảnh: AP |
"Giống như sự chuyển giao quyền lực từng diễn ra trước kia, nhiều công tố viên Mỹ được chính quyền thời trước chỉ định đã rời Bộ Tư pháp. Bộ trưởng Tư pháp hiện đã đề nghị 46 công tố viên còn lại nộp đơn từ chức để đảm bảo sự chuyển giao quyền lực", người phát ngôn Bộ Tư pháp Mỹ Sarah Isgur Flores hôm qua nói với CNN.
Danh sách các công tố viên bị đề nghị từ chức chưa được công bố. "Cho tới khi các công tố viên mới được xác nhận, những công tố viên trong các cơ quan tư pháp Mỹ sẽ tiếp tục công việc điều tra, truy tố và ngăn chặn bạo lực", Flores nói.
Hai nguồn tin thân cận với Bộ Tư pháp Mỹ cho biết họ không chắc chắn khi nào việc chỉ định công tố viên mới sẽ diễn ra. "Không có chi tiết rõ ràng nào từ Bộ Tư pháp về tương lai của các công tố viên Mỹ", một nguồn tin nói.
Dianne Feinstein, thành viên thuộc đảng Dân chủ của Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ, cho biết bà thấy "ngạc nhiên" và "lo lắng" về hành động của Bộ Tư pháp.
"Cố vấn pháp lý của Nhà Trắng Donald McGahn hồi tháng một nói với tôi rằng việc chuyển giao quyền lực sẽ được thực hiện theo cách đảm bảo tính tiếp nối. Rõ ràng việc đề nghị công tố viên từ chức không phải là sự tiếp nối", bà Feinstein nói.
Chính quyền Mỹ có quyền thay thế và chỉ định các công tố viên. Cựu tổng thống Bill Clinton đã bãi nhiệm hàng chục công tố viên trong năm đầu tiên ở Nhà Trắng.
Năm 2011, bộ trưởng tư pháp dưới thời cựu tổng thống George W. Bush cho biết ông điều chuyển 93 công tố viên. Cựu tổng thống Ronald Reagan thay thế phần lớn công tố viên trong hai năm đầu tiên cầm quyền.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer tuyên bố việc các công tố viên được chính quyền thời trước chỉ định bị đề nghị thôi việc là điều "không có gì gây ngạc nhiên", bởi họ là những người ủng hộ chương trình nghị sự của chính quyền cũ.